Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 23/11/2024

Nhà băng nào rót vốn vào siêu dự án Paradise Cam Ranh của đại gia Lê Văn Kiểm

TDVN 10:09 23/02/2020

Vietinbank Đông Sài Gòn là chủ nợ với 1.627 tỷ đồng, ACB là 575 tỷ đồng, OCB 433 tỷ đồng, Sacombank Lào 318 tỷ đồng, OCB còn là trái chủ của lô trái phiếu trị giá 548 tỷ đồng của Golf Long Thành.

Gần đây, siêu dự án Khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp The Lotus Cam Ranh (KN Paradise Cam Ranh) thuộc CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành của doanh nhân Lê Văn Kiểm nổi lên ở các phương tiện truyền thông.

Theo nhiều tài liệu cho thấy dự án KN Paradise Cam Ranh có vốn đầu tư lên đến 46.266 tỷ đồng.

Theo VietTimes, cập nhật đến cuối năm 2018, vốn điều lệ Golf Long Thành ở mức 4.325 tỷ đồng, với sự đóng góp của 4 cổ đông: Lê Văn Kiểm (54,24%); Trần Cẩm Nhung (11,61%); Lê Nữ Thùy Dương (4,32%); Công ty Thiên Đức (29,83%).

Sở hữu vốn chủ sở hữu đến 4.788 tỷ đồng, cùng quy mô tổng tài sản tới 12.367 tỷ đồng tại cuối năm 2018 nhưng kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của Golf Long Thành lại chưa thực xứng tầm.

Cả năm 2018, Công ty chỉ ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 487 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2017. Sau khi trừ các khoản chi phí, Golf Long Thành lỗ ròng 16 tỷ đồng.

Năm 2017, doanh nghiệp lõi của đại gia Lê Văn Kiểm báo lãi 167 tỷ đồng nhưng năm trước đó (2016), Công ty này cũng lỗ.

Dự án KN Paradise Cam Ranh.

Do vậy, nhiều câu hỏi đặt ra, liệu rằng doanh nghiệp của ông Lê Văn Kiểm huy động nguồn vốn ở đâu để có thể xoay xở thực hiện dự án?
Theo ANTT, để triển khai loạt dự án lớn, Golf Long Thành đã và đang đẩy mạnh đòn bẩy tài chính, với số dư vay nợ tài chính tới cuối năm 2018 gần 4.000 tỷ đồng, trong đó Vietinbank Đông Sài Gòn là chủ nợ lớn nhất, với số dư 1.627 tỷ đồng, ACB là 575 tỷ đồng, OCB 433 tỷ đồng, Sacombank Lào 318 tỷ đồng.

Ngoài ra, Golf Long Thành còn phát hành 548 tỷ đồng trái phiếu thường dài hạn. Được biết đây là lô trái phiếu đợt 1 trong kế hoạch phát hành với tổng giá trị 2.250 tỷ đồng của Golf Long Thành vào cuối năm 2018. Đợt 2 với khối lượng tối đa 1.700 tỷ đồng được chào bán trong năm 2019.

Và trái chủ của lô trái phiếu trên đó chính là OCB. Tổng cộng OCB của Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn đã rót vào Golf Long Thành gần 1.000 tỷ đồng.

Tại sao OCB lại cho vay nhiều đến vậy?

Theo Nhadautu, OCB là đối tác tín dụng lâu năm của Golf Long Thành, với nhiều khoản vay có kỳ hạn từ 60 đến 120 tháng có hạn mức 546 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty TNHH KN Cam Ranh (doanh nghiệp dự án) và tái tài trợ mua phương tiện vận tải.

Đáng chú ý, tài sản đảm bảo là 195.554m2 tại xã Phước Tân, TP. Biên Hoà được định giá 666 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ cho vay lên tới 82% giá trị tài sản đảm bảo, cao hơn tương đối so với mức 50-60% thông thường tại các ngân hàng thương mại khác (đối với tài sản đảm bảo là bất động sản). Do vậy, có thể thấy OCB có mối quan hệ rất khăng khít với ông chủ của Golf Long Thành.

Tính tại cuối năm 2018, tổng tài sản của Vietinbank đạt 1.164.000 tỷ đồng, còn tổng tài sản của OCB đạt 99.964 tỷ đồng. Do đó, con số cho Vietinbank cho Golf Long Thành vay thì không đáng kể, nhưng so với quy mô vốn của OCB thì không phải là nhỏ.

Ngoài rót vốn ngàn tỷ đồng cho Golf Long Thành, OCB còn rót vốn qua CTCP Tập đoàn FLC (FLC) và CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR).

Được biết, quy mô của hai thương vụ FLC và PDR lần lượt là 300 tỷ đồng và 175 tỷ đồng, với kỳ hạn lần lượt là 3 năm và 1 năm. Lô trái phiếu FLC có ngày phát hành là 20/12/2018, đáo hạn vào ngày 20/12/2021; còn lô trái phiếu PDR có ngày phát hành là 29/11/2019, đáo hạn vào ngày 29/11/2020.

Cũng từ đó mà FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã có lần chào mời OCB và các cán bộ nhân viên đang ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng trở lên với chi nhánh sẽ có quyền tham gia chương trình ưu đãi mua cổ phiếu BAV của hãng nay Bamboo Airway.

Giá mua ưu đãi là 40.000 đồng/cổ phiếu, trong khi định giá khi lên sàn của BAV lên đến 82.280 đồng/cổ phiếu.

Đầu năm 2020, OCB lấy ý kiến cổ đông để phát hành riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phần (11% vốn điều lệ) cho Ngân hàng Aozora. Nếu phát hành thành công, ngân hàng có trụ sở tại Nhật Bản này sẽ nắm gần 10% vốn điều lệ OCB.

Ngân hàng Aozora thành lập năm 1957, có trụ sở tại Nhật Bản và chi nhánh, văn phòng đại diẹn tại Mỹ, Trung Quốc và Singapore... Nhà băng này có tổng tài sản 48 tỷ USD (hơn 1,1 triệu tỷ đồng) và đang niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo.

OCB cho biết giá cổ phiếu chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của OCB tại cuối quý gần nhất. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm. Sau khi phát hành cho ngân hàng Nhật Bản, OCB sẽ tiếp tục chào bán riêng lẻ hơn 31,6 triệu cổ phiếu còn lại.

Giá cổ phiếu OCB được thoả thuận trên sàn OTC dao động trong khoảng 14.100 – 15.900 đồng/cổ phiếu. Ước tính theo mức giá thấp nhất là 14.100 đồng cổ phiếu, Ngân hàng Aozora sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.225 tỷ đồng để mua số cổ phần của OCB.

Số tiền huy động này tương đương như số tiền mà OCB đã cho Golf Long Thành vay mượn.

Vietinbank, OCB là những ngân hàng rót vốn khủng KN Paradise Cam Ranh.


Tình hình “sức khoẻ” hiện tại của OCB như thế nào?

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019, tổng tài sản của OCB tại ngày cuối năm đạt gần 118.160 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Chủ yếu nhờ các khoản lãi, phí phải thu tăng 26% so với hồi đầu năm, lên hơn 1.402 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 26% lên hơn 71.090 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tại OCB cũng đạt hơn 69.142 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.

Tính đến cuối năm 2019, vốn điều lệ của OCB đã tăng lên 7.898 tỷ đồng từ 6.599 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%, tương ứng với số cổ phần phát hành là gần 130 triệu cổ phiếu.

Dư nợ cho vay khách hàng của OCB tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời nợ xấu chỉ suýt soát cùng kỳ ghi nhận 1.309 tỷ đồng. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm 19% và nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 25%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của OCB giảm về mức 1,84% so với mức 2,29% hồi đầu năm.

Về tình hình kinh doanh, cả năm 2019, hầu hết các hoạt động kinh doanh của OCB đều cho kết quả khả quan. Thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 20% và 62% so với năm trước, đạt hơn 4.115 tỷ đồng và 546 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 37% (114 tỷ đồng), mua bán chứng khoán đầu tư tăng 15% (1.094 tỷ đồng). Đặc biệt, hoạt động khác cũng mang về mức lãi gần 724 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước.

Chi phí hoạt động tăng 30%, ghi nhận gần 2.449 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của OCB trong năm 2019 tăng 32%, đạt gần 4.164 tỷ đồng.

Do mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng xấp xỉ cùng kỳ năm trước với 933 tỷ đồng, do đó lợi nhuận trước và sau thuế của OCB tăng 47% so với cùng kỳ, đạt gần 3.232 tỷ đồng và gần 2.583 tỷ đồng. Như vậy, OCB đã hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế 3.200 tỷ đồng năm 2019.

Theo Vietnamdaily

Link gốc : https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/nha-bang-nao-rot-von-vao-sieu-du-an-paradise-cam-ranh-cua-dai-gia-le-van-kiem-co-von-dau-tu-den-hon-46000-ty-84470.html

Bạn đang đọc bài viết Nhà băng nào rót vốn vào siêu dự án Paradise Cam Ranh của đại gia Lê Văn Kiểm tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng