Từ nửa cuối tháng 12/2019, BacABank dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu trong nhóm ngân hàng với 1.450 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 2-5 năm với lãi suất 6,6-7,2%/năm, trả cố định 12 tháng/lần.
MSB đứng thứ 2 với 400 tỷ đồng trái phiếu phát hành, kỳ hạn 3 năm và lãi suất 7%. Một số ngân hàng cũng thông báo chào bán gồm TPBank phát hành 374 tỷ đồng, SeABank 250 tỷ đồng và ACB 230 tỷ đồng…
Một số ngân hàng phát hành trái phiếu trong cuối tháng 12/2019-2/2020. Nguồn: MBS |
Các doanh nghiệp hoạt động trong mảng bất động sản gần đây cũng huy động qua trái phiếu như Thaco chào bán hoàn tất 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 4 năm, với lãi suất 9,8%/năm vào giữa tháng 1. Sovico phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11%/năm.
Bất động sản Wonderland phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu, Vịnh Thiên Đường cũng chào bán 166 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn một năm, Sovico phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm lãi suất 11%/năm.
Trước đó, báo cáo thị trường trái phiếu tháng 1 của Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI - SSI Research ghi nhận tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 1/2020 là 13.374 tỷ đồng. Nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 7.364 tỷ đồng, tương đương 55% tổng lượng phát hành. Lãi suất phát hành bình quân toàn thị trường là 10,03%/năm và kỳ hạn bình quân là 4,98 năm.
Về phía bên mua, nhà đầu tư cá nhân mua 2.354 tỷ đồng trái phiếu, trong đó ngoại trừ 240 tỷ trái phiếu của MBS, 255 tỷ đồng trái phiếu của TPBank, phần còn lại đều là mua trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản.
Các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán mua 2.733 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 1 gồm VPBank mua toàn bộ 1.598 tỷ đồng trái phiếu của CTCP City Garden và 125 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Thương mại - Du lịch - Đầu tư Cù Lao Chàm. Techcombank và TCBS mua 950 tỷ trái phiếu VinFast. MB mua 60 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Phú Tài. Tổ chức nước ngoài mua 98,2 tỷ đồng, còn lại ghi chung là tổ chức trong nước.
Theo Người đồng hành