Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Dòng vốn năm 2020 sẽ từ những nguồn nào?

TDVN 12:27 15/12/2019

Trong đó, DN nên quan tâm nhiều hơn đến kênh thị trường vốn. Phát hành trái phiếu DN dù ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong thời gian qua nhưng quy mô còn rất nhỏ

Các dòng vốn đa dạng

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, để giải quyết bài toán vốn, DN có thể xem xét tới ít nhất 6 nguồn vốn khác nhau: Vốn từ ngân sách (thông qua các quỹ như quỹ phát triển DNNVV, quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV…); vốn từ đối tác (theo đó cần tận dụng tối đa số ngày đối tác cho chịu); vốn nước ngoài (các quỹ đầu tư nước ngoài hiện rất quan tâm đến DN Việt và nguồn vốn này đặc biệt khả thi với các DN khởi nghiệp); vốn tín dụng và bảo lãnh; vốn huy động từ thị trường vốn; vốn tự có của DN.

Tuy nhiên, theo TS. Lực hiện nguồn vốn tự có đang có xu hướng thu hẹp lại so với tổng nguồn vốn. Nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015, dòng vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 32% tổng nguồn vốn thì cuối năm ngoái chỉ chiếm khoảng 27% và cuối năm nay có lẽ cũng sẽ không cao hơn mức này. Thực trạng này cho thấy nhu cầu huy động vốn tự có là rất quan trọng trong thời gian tới. Trong khi đó, dòng vốn tín dụng trong tổng dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế dù hiện nay đã giảm xuống 46% (từ mức khoảng 57% giai đoạn 2016), song vẫn ở mức khá cao.

Cụ thể, dòng vốn tín dụng hiện đang ở mức 133% GDP, là mức được nhiều định chế tài chính quốc tế cảnh báo tương đối lớn so với thu nhập bình quân đầu người và mức độ phát triển của Việt Nam. Năm nay, mức tăng trưởng tín dụng dự báo tăng khoảng 13% và năm sau khoảng 12%, dù thấp đi nhưng vẫn ở mức tương đối cao so với khu vực ASEAN. Về khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV, ông Lực cho rằng tỷ trọng 22% là mức không hề thấp khi so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động từ thị trường vốn cũng ngày càng tăng cho thấy là một kênh cung cấp vốn trung dài hạn tiềm năng. Như vậy, theo các chuyên gia các dòng vốn cho DN là khá đa dạng.

Trong đó, DN nên quan tâm nhiều hơn đến kênh thị trường vốn. Phát hành trái phiếu DN dù ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong thời gian qua nhưng quy mô còn rất nhỏ. Vì vậy cần khuyến khích để thị trường này phát triển hơn, song cần quản lý chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh, tránh rủi ro cho các nhà đầu tư. Cụ thể, cần có các quy định để DN minh bạch hơn, từ đó giúp nhà đầu tư định lượng được rủi ro; có đầu mối quản lý tổng thể; giữ mặt bằng lãi suất ở mức tương đối phù hợp, tránh để ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế.

Lạm phát sẽ hạ nhiệt, mặt bằng lãi suất sẽ ổn định

Nhìn nhận về mặt bằng lãi suất tín dụng, các chuyên gia cho rằng hiện mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh so với những năm trước đây. Cũng chính bởi vậy, dư địa để giảm lãi suất là không nhiều khi so với mặt bằng chung của khu vực, các yếu tố từ lạm phát, xếp hạng tín nhiệm, chi phí giao dịch nền kinh tế đến lãi suất huy động đầu vào… đều cao hơn. Tuy nhiên, nếu bối cảnh bên ngoài thuận lợi (khi xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu đang tiếp tục) và hoạt động điều hành tiếp tục theo hướng thận trọng, linh hoạt thì mục tiêu hướng tới giảm lãi suất ít nhất 0,5% trong năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định gần đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vẫn khả thi.

Theo báo cáo về thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI vừa được công bố mới đây, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng tổng thể cùng với lộ trình siết chặt các quy định an toàn về vốn và tín dụng cho thấy quan điểm điều hành thận trọng của NHNN. Quyết định giảm các lãi suất điều hành của NHNN vừa qua cũng bắt đầu có tác động đến thị trường và việc giảm lãi suất vẫn đang được cân đối với kiểm soát lạm phát, tỷ giá và sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, bên cạnh việc lãi suất huy động các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng của tất cả các NHTM đã được giảm về mức 5%/năm kể từ ngày 19/11/2019 thì điểm đáng chú ý là các kỳ hạn dài hơn cũng đã bắt đầu giảm, rõ rệt nhất là ở nhóm các NHTM có thị phần nhỏ (giảm 0,2-0,3%), thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với nhóm các NHTM lớn. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng hiện dao động trong khoảng 4,1-5%/năm; từ 6 đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,5-7,5%/năm và từ 12-13 tháng là 6,4-7,9%/năm. Báo cáo của SSI nhận định, thời điểm cuối năm, do lạm phát có thể tăng nên lãi suất thị trường 1 sẽ khó giảm.

Tuy nhiên, sang năm 2020, với dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh sau Tết Nguyên đán, lãi suất huy động có thể tiếp tục được định hướng giảm tiếp 0,5%-1% từ đó kéo giảm lãi suất cho vay. Các kỳ hạn dài trên 12 tháng sẽ giảm chậm hơn do các quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và vẫn có sự phân hóa lãi suất giữa các nhóm NHTM lớn và nhỏ.

Liên quan đến tỷ giá, báo cáo đánh giá, dù vẫn có những yếu tố tác động lên tỷ giá vào cuối năm như các diễn biến phức tạp từ bên ngoài, cầu ngoại tệ tăng cao phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nhưng ở chiều ngược lại, chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng nới rộng, dòng kiều hối và ngoại tệ từ các giao dịch hợp tác kinh doanh, bán vốn vẫn tích cực… sẽ hỗ trợ giữ tỷ giá ổn định.

“Rất có thể tỷ giá USD/VND cuối năm 2019 sẽ thấp hơn hoặc bằng tỷ giá cuối năm 2018, đánh dấu một năm điều hành tỷ giá thành công của NHNN”, báo cáo này nhận định. Tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất ổn định (theo xu hướng có thể giảm nhẹ) cũng là những yếu tố mà các DN rất quan tâm và mong mỏi trong bối cảnh tín dụng vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng.

Chi tiết trên Báo Ngân hàng.

Đỗ Phạm

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/nam-2020-dong-von-se-tu-nhung-nguon-nao-95891.html

Bạn đang đọc bài viết Dòng vốn năm 2020 sẽ từ những nguồn nào? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng