Ngân hàng Vietcombank vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 với lợi nhuận giảm mạnh. Cụ thể, trong quý 3, ngân hàng đạt 4.983 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của Vietcombank đạt xấp xỉ 16.000 tỷ đồng, giảm 10%.
Lợi nhuận trong quý 3 của Vietcombank giảm mạnh chủ yếu do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, trong khi thu nhập lãi từ các hoạt động chính đi ngang.
Thu nhập lãi thuần của Vietcombank trong quý 3 đạt 8.723 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ. Hầu hết các hoạt động được duy trì tương đương so với cùng kỳ năm 2019, duy chỉ có lãi thuần từ hoạt động khác chỉ đạt 539 tỷ đồng, giảm 40%.
Song song với đó, chi phí hoạt động của ngân hàng trong quý tăng mạnh, đạt 4.578 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng. Chí phí rự phòng rủi ro tín dụng cũng được đẩy lên 2.024 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng năm 2020, Vietcombank đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 6.033 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 4.819 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.
Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận tại Việt Nam
Lợi nhuận của Vietcombank giảm mạnh trong bối cảnh hàng loạt các ngân hàng khác ghi nhận lợi nhuận quý 3 tăng cao. Mặc dù vậy, đây vẫn là điều đã được dự đoán từ trước, khi chất lượng tài sản của ngân hàng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch buộc nhà băng phải tăng cường trích lập dự phòng.
Trên thực tế, Vietcombank có những khách hàng lớn chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, chẳng hạn như trường hợp của Vietnam Airlines. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 của Vietnam Airlines cho thấy, chỉ riêng hãng hàng không này đã có khoản vay hơn 8.000 tỷ đồng cả ngắn hạn và dài hạn tại Vietcombank.
Việc vay nợ ngắn hạn quy mô lớn để duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt tài sản ngắn hạn. Đây là điều đơn vị kiểm toán Deloitte lưu ý trong báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của Tổng công ty.
Phải xử lý những khách hàng như Vietnam Airlines có thể khiến nợ quá hạn của Vietcombank tăng mạnh, và ngân hàng phải tiếp tục tăng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu.
Bên cạnh việc phải đối mặt với chất lượng tài sản xấu đi, NIM của Vietcombank dự kiến cũng sẽ giảm so với nửa đầu năm. Theo SSI Research tỷ lệ này giảm do nợ vay tái cơ cấu và nợ xấu mới hình thành tăng mặc dù hoạt động cho vay mua nhà tăng trưởng mạnh mẽ.
Tình hình lợi nhuận của Vietcombank nhiều khả năng sẽ tiếp tục xấu đi trong quý 4. SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm ước tính chỉ hơn 9.000 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2020 và sang năm 2021 có thể được hỗ trợ nhờ ngân hàng tập trung vào hoạt động cho vay mua nhà và bancassurance, và khả năng tăng trưởng tín dụng cải thiện cao hơn các ngân hàng cùng hệ thống – bất kể tác động của dịch Covid-19.
Hiện tại, Vietcombank còn khoản thu nhập từ ký hợp đồng bancassurance độc quyền dự kiến bổ sung khoảng 1.900 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế năm nay. Một yếu tố khác có thể tác động tích cực tới Vietcombank là kế hoạch phát hành cổ phần để tăng vốn. Hiện nhà băng này đang lên kế hoạch phát hành thêm 6,5% để tăng vốn cổ phần.