Theo đó, gần đây nhất Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố tiếp tục giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18/8/2021 đến hết 31/12/2021. Đối tượng áp dụng với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là đợt giảm lãi suất thứ 9 của Vietcombank để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai tính từ đầu năm 2020 đến nay.
Cụ thể, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Cùng chung mục tiêu hỗ trợ nhóm khách hàng đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố dành nguồn ngân sách lên đến 1.000 tỉ đồng để thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp từ nay đến 31/12/2021.
Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), một gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỉ đồng vừa được bổ sung, qua đó nâng tổng quy mô của các gói hỗ trợ lãi suất tại VietinBank lên tới 150.000 tỉ đồng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã thực hiện giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2021. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố mức giảm lãi suất phổ biến là 1%/năm cho khách hàng gặp khó khăn, áp dụng từ ngày 15/7/2021. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn; HDBank cũng giảm lãi suất cho vay bình quân 1%/năm và cao nhất lên đến 2%/năm đối với các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 từ ngày 15/7.
Trước đó, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong năm 2020, lãi suất toàn hệ thống trung bình giảm khoảng 1,2-1,5%. Trong 7 tháng năm 2021, lãi suất giảm thêm khoảng 0,5%.
Đồng thời, để thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng và 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận và cam kết sẽ giảm tiếp lãi suất cho các đối tượng, với tinh thần khó khăn nhiều giảm nhiều, khó khăn ít giảm ít. Cụ thể, 16 ngân hàng thương mại cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm tổng số 20.300 tỉ đồng thông qua các nguồn trên
Bên cạnh giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỉ đồng.
Theo Kinh Tế Môi Trường