Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Áp lực tăng vốn trở lại tại BIDV

NHÀ QUẢN LÝ 20:36 26/02/2021

Sau tăng tốc tín dụng cuối năm và quyết định chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%, hệ số CAR của BIDV sẽ giảm xuống 8,34%, từ mức 8,77% tại ngày 31/12/2019.

Sau nhiều quý liên tiếp giảm tốc, tín dụng của BIDV ghi nhận tăng tốc trở lại trong những tháng cuối năm 2020. Riêng trong quý 4, tổng dư nợ tăng 69 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 5,9% so với quý trước và tăng gấp đôi so với tăng trưởng của cả 3 quý đầu năm.

Cho vay khách hàng cá nhân tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, chiếm 67% tổng dư nợ tăng thêm trong quý 4 và chiếm 63% tổng dư nợ tăng thêm trong năm 2020. Tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân ở BIDV có xu hướng tăng trong 5 năm qua, từ 19,1% vào cuối năm 2016 lên 36,4% vào cuối năm 2020. Tổng dư nợ của khách hàng doanh nghiệp lớn cũng tăng đáng kể trong quý 4, chiếm 38,5% tổng dư nợ.

Ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 đạt 8,7%, sát với hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.

Tăng trưởng tín dụng đì kèm với NIM cải thiện. NIM trong quý 4 đạt 2,89%, mức cao nhất trong 8 quý gần đây nhờ tác động tích cực của việc giảm lãi suất tiền gửi giúp hạ chi phí vốn. Bên cạnh đó, việc tăng vốn chủ sở hữu (20,3 nghìn tỷ đồng) sau khi bán vốn cho KEB Hana Bank vào cuối năm 2019 cũng khiến chi phí vốn giảm.

Ngân hàng cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc xử lý nợ xấu. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 chỉ đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, giảm 14,1% so với 2019, chủ yếu do ngân hàng tăng trích lập dự phòng lên tới 23,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Đổi lại, chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể khi tỷ lệ nợ xấu (bao gồm trái phiếu VAMC) giảm xuống từ mức 2,01% vào cuối năm 2019 xuống còn 1,76% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cũng tăng lên 88,4%. Đây là tỷ lệ nợ xấu thấp nhất và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất tại BIDV trong vòng 6 năm qua.

Trong năm 2021, nhóm phân tích Công ty chứng khoán SSI dự báo BIDV có thể cải thiện lợi nhuận mạnh lên 13,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 46% so với năm 2020 nhờ duy trì mức tăng trưởng tín dụng khoảng 10%, và đặc biệt là khả năng giảm chi phí dự phòng giảm khoảng 10% (tương đương 2,3 nghìn tỷ đồng) so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, SSI nhấn mạnh vấn đề lớn mà BIDV phải đối mặt tiếp tục là áp lực tăng vốn. Sau tăng tốc tín dụng cuối năm và quyết định chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%, hệ số CAR của BIDV sẽ giảm xuống 8,34%, từ mức 8,77% tại ngày 31/12/2019. Tỷ lệ vốn cấp 1 đạt 5,88%. Số dư trái phiếu cấp 2 đã gần đến giới hạn.

Công ty chứng khoán nhận định BIDV có đủ vốn tăng trưởng tín dụng năm 2021 nhưng tăng vốn là rất cần thiết để hỗ trợ phát triển trong tương lai. Ngân hàng đã có kế hoạch phát hành tối đa 8,5% vốn điều lệ năm 2019 (tương đương hơn 341,5 triệu cổ phiếu) thông qua cháo bán công khai hoặc riêng lẻ trong giai đoạn 2020-2021. Việc huy động vốn sẽ là động lực chính cho BIDV trong giai đoạn hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết Áp lực tăng vốn trở lại tại BIDV tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng