HSBC vừa có báo cáo triển vọng kinh tế châu Á quý II/2021, trong đó Việt Nam được đánh giá đã chứng minh được khả năng phục hồi kinh tế trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19.
Dù có làn sóng bùng phát dịch lần thứ ba trước Tết Tân Sửu 2021 nhưng nhờ kiểm soát được tình hình, Việt Nam bắt đầu năm 2021 một cách ổn định.
GDP quý I/2021 của Việt Nam tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn là nhờ các hoạt động đối ngoại. Xuất khẩu trong quý I tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu đối với các mặt hàng thiết bị điện tử và máy móc tăng.
Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 |
Đặc biệt, xuất khẩu được hưởng lợi từ một chu kỳ công nghệ toàn cầu gia tăng mạnh mẽ và sự quan tâm dành cho các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra khá ổn định. Lĩnh vực sản xuất truyền thống cũng xuất hiện những dấu hiệu phục hồi mới. Xu hướng này sẽ tiếp tục đi song song với việc nhu cầu toàn cầu được cải thiện.
Khối nghiên cứu kinh tế của HSBC dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 là 6,6%, với sự gia tăng của chu kỳ công nghệ, dòng vốn FDI ổn định và nhiều hiệp định thương mại tự do. Việt Nam vẫn tự hào là một trong những nước có triển vọng tăng trưởng sáng giá nhất ở châu Á.
Trong khi đó, áp lực lạm phát tiếp tục giảm nhẹ, trong quý I/2021 chỉ tăng trung bình 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thực phẩm đang được điều chỉnh do giá thịt heo đã quay trở lại mức bình thường và điều này có khả năng sẽ bù đắp những tác động của giá dầu cao hơn. Ngoài ra, đồng tiền ổn định sẽ làm giảm bớt lo ngại về tỉ giá hối đoái cao tác động tới chỉ số giá tiêu dùng.
"Dự đoán lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước đề ra. Một khi lạm phát không còn là một vấn đề đáng lo ngại, Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt hơn để giữ nguyên chính sách tiền tệ của mình trong năm 2021" - HSBC nhận định.
Trước đó, UOB (một ngân hàng của Singapore) cũng nhận định Việt Nam khởi đầu năm 2021 với tín hiệu tích cực, khi việc sản xuất vắc-xin được tiến hành từ đầu tháng 3. Xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng vọt 23,9% so với năm trước, do nhu cầu tăng trong các lĩnh vực thiết bị di động, linh kiện máy tính, máy móc thiết bị tăng mạnh. Các lĩnh vực này đóng góp tới 45% vào tổng giá trị xuất khẩu trị giá 48,5 tỉ USD của cả nước.
Vốn FDI đổ vào Việt Nam ở mức rất khả quan, dù bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại.
Trong năm 2021, UOB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 7,1% so với chỉ tiêu chính thức Việt Nam đưa ra là 6%, đặc biệt tăng nhanh trong nửa đầu năm.
Theo Người Lao Động