Trong những tháng gần đây, các ngân hàng đã mua lại hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Phần lớn tập trung ở các ông lớn ngân hàng như Vietcombank, BIDV, …Ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng đang ‘miệt mài’ mua lại trái phiếu trước hạn, điển hình trong đó là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (HOSE: OCB).
Cụ thể, hôm 27/9, ngân hàng OCB đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu riêng lẻ mã OCBL2124007 tăng vốn có kỳ hạn 3 năm, phát hành vào ngày 27/9/2021 và ngày đáo hạn 27/9/2024.
Đến ngày 28/9, nhà băng này tiếp tục mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn phát hành ngày 28/9/2021 mã OCBL2124008 có kỳ hạn 3 năm.
Trước đó, vào tháng 6/2022, ngân hàng OCB đã mua lại toàn bộ trước hạn 2 lô trái phiếu tổng giá trị 2.500 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 1/6, nhà băng này mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn có mã OCB.BOND02.2020 có kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 1/6/2020. Đến ngày 2/6, OCB lại mua tiếp toàn bộ 1.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn có mã OCBL2124002, phát hành ngày 2/6/2021.
Tháng 5/2022, ngân hàng OCB cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng lô trái phiếu mã OCB.BOND01.2020 kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 12/5/2020.
Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, OCB đã mua lại tổng cộng 4.700 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc 5 lô trái phiếu phát hành năm 2020 và năm 2021.
Bên cạnh đó, trong tháng 9/2022 ngân hàng OCB cũng đã huy động thành công 1.800 tỷ đồng trái phiếu qua 3 đợt phát hành.
Trong tháng 8/2022, nhà băng này cũng chào bán thành công 3.800 tỷ đồng trái phiếu qua 5 lô trái phiếu.
Trước đó, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 7/2022, OCB đã huy động thành công 6.700 tỷ đồng qua 9 đợt phát hành trái phiếu.
Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, 12.300 tỷ đồng đã về tay ngân hàng OCB qua phát hành trái phiếu. Con số này quá lớn so với việc ngân hàng chi ra 4.700 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.
Có thể thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, động thái phát hành trái phiếu và mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra liên tục tại ngân hàng OCB nói riêng và các ngân hàng khác nói chung.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022, tính đến 30/6/2022, ngân hàng OCB đã có hơn 20.745 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là trái phiếu kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 5 năm hơn 19.000 tỷ đồng và trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên hơn 1.645 tỷ đồng.
Theo thông tin công bố ngày 30/9/2022, Hội đồng Quản trị OCB đã thông qua triển khai tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 30% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, vốn điều lệ của OCB tăng thêm hơn 4.109 tỷ đồng, từ hơn 13.698 tỷ đồng lên hơn 17.808 tỷ đồng sau khi có chấp thuận của cơ quan chức năng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 23/4, trong phương án trình đến cổ đông, OCB cho biết sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua các hình thức: (i) phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (50 tỷ đồng), phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Ngân hàng Aozora (8,82 tỷ đồng) và (ii) phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30%.