Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Ngân hàng Agribank bị kiểm toán 'nhòm' nỗi lo nào đang đè nặng lên vai lãnh đạo?

THEO DTVN/SHTT 15:31 20/02/2020

KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2018 của các ngân hàng này để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả

Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo kế hoạch kiểm toán năm 2020 vừa được Tổng KTNN Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành, năm 2020, cơ quan này sẽ tập trung thực hiện 158 cuộc kiểm toán. Cụ thể, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN sẽ kiểm toán 16 bộ, cơ quan T.Ư và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 dự án đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; 9 cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng an ninh và 6 cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng.

Nhiệm vụ điều hành Hội đồng thành viên Agribank được tạm giao cho ông Phạm Hoàng Đức.

Trong lĩnh vực DN và các tổ chức tài chính, ngân hàng, năm 2020 sẽ có 15 cuộc kiểm toán, gồm Ngân hàng nhà nước; 12 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và ba ngân hàng thương mại (NHTM). Trong đó, trọng tâm kiểm toán là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá các hoạt động quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước. Cụ thể là, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu…

Danh sách các ngân hàng được kiểm toán năm 2020 gồm có: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. Theo đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2018 của các ngân hàng này để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, đến ngày 30/11 năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng đã đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, nằm trong top 2 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất. Lợi nhuận trước thuế 11 tháng Agribank thu về cũng đạt hơn 11.700 tỷ, mức kỷ lục của ngân hàng và vượt kế hoạch 11.000 tỷ đề ra cho cả năm 2019.

Các chỉ số tài chính huy động vốn và dư nợ cho vay đạt lần lượt 1,2 triệu tỷ và 1,1 triệu tỷ đồng. Ước tính, số dư nợ cho vay tại ngân hàng này đang chiếm khoảng 1/8 tổng dư nợ toàn ngành.

Theo lãnh đạo ngân hàng, 2019 là năm thứ 4 Agribank triển khai tái cơ cấu giai đoạn II và thực hiện chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020 gắn với xử lý nợ xấu và cổ phần hóa.

Hiện tại, ngân hàng đã hoàn tất các bước chuẩn bị cổ phần hóa và sẵn sàng triển khai khi có quyết định phê duyệt.

Agribank là một trong 93 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được Thủ tướng yêu cầu cổ phần hóa trước năm 2021. Theo đó, cùng với 3 tập đoàn, tổng công ty khác, nhà băng này nằm trong nhóm doanh nghiệp phải cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên.

Thực tế, trong 4 ngân hàng quốc doanh lớn do Nhà nước nắm giữ đa số vốn (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) Agribank cũng là nhà băng duy nhất chưa thực hiện cổ phần hóa.

Hiện nay Agribank vẫn còn 2 mục tiêu quan trọng chưa hiện thực hóa bao gồm tăng vốn và cổ phần hóa.

Đặc biệt với câu chuyện cổ phần hóa của Agribank, ngày 15/8/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Theo đó, Agribank phải hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, do sự khác biệt về quy mô tài sản, mạng lưới, con người cũng như thực tế về việc phê duyệt Phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất của Agribank hiện nay thì việc thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa là hết sức khó khăn.

Năm 2018 đang là giai đoạn ông Trịnh Ngọc Khánh giữ Chức Chủ tịch HĐTV điều hành ngân hàng Agribank

Trước đó vào cuối tháng 8/2018, ông Trịnh Ngọc Khánh từng chia sẻ trên báo chí, Agribank đã chuẩn bị cho quá trình cổ phần hoá và chỉ đợi phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện. Dự kiến, phương án cổ phần hóa của Agribank được phê duyệt vào ngày 1/10 và đến cuối năm 2018 sẽ xác định xong giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank đã phải thừa nhận, ngân hàng gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo đó, phương án chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng sớm nhất phải đến năm 2020 mới có thể làm. Trong các khó khăn đó, thì xác định giá trị đất khi cổ phần hoá là một trong những công việc phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.

Ông Trịnh Ngọc Khánh nghỉ hưu theo chế độ từ cuối năm 2019 nên nhiệm vụ điều hành Hội đồng thành viên Agribank được tạm giao cho ông Phạm Hoàng Đức.

Ông Phạm Hoàng Đức sinh năm 1961, có trình độ chuyên môn thạc sĩ kế toán quốc tế, thạc sĩ khoa học chính sách. Ông từng đảm nhiệm chức Vụ trưởng Tài chính – Kế toán (Ngân hàng Nhà nước), trước khi giữ chức thành viên Hội đồng thành viên tại Agribank từ tháng 6/2014.

Tính tới cuối quý II, Hội đồng thành viên của Agribank có 8 người, bao gồm ông Trịnh Ngọc Khánh giữ chức chủ tịch và 7 thành viên hội đồng thành viên.

Sau khi ông Khánh nghỉ hưu, Hội đồng thành viên của ngân hàng còn lại 7 người, trong đó, ông Phạm Hoàng Đức mới được giao nhiệm vụ là người điều hành, các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng thành viên đều đang để trống.

Trong giai đoạn trước đó, tại Agribank xảy ra hàng loạt các bê bối, sai phạm. Hàng loạt cán bộ lãnh đạo Nhà băng này cũng bị cảnh sát bắt giam, xét xử.

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Agribank bị kiểm toán 'nhòm' nỗi lo nào đang đè nặng lên vai lãnh đạo? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng