Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Những lá phiếu 'trắng' trong đại án BIDV và một góc nhìn về quản trị ngân hàng Việt

TDVN 13:56 02/04/2020

Những đại án trong quá khứ và mới đây là tại một ngân hàng quốc doanh (BIDV) cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng trong công tác quản trị ngân hàng ở Việt Nam.

Những lá phiếu "chống lại" quyền lực Trần Bắc Hà

Nếu ai đã đọc nội dung Kết luận điều tra vụ án hình sự liên quan đến Công ty Chăn nuôi Bình Hà, chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên, bởi có những phiếu "trắng" trong quyết định của HĐQT, mà vào thời điểm đó, chẳng khác gì chống lại quyền lực tuyệt đối Trần Bắc Hà.

tran-bac-ha-binh-ha

Công ty Bình Hà được CQĐT xác định là doanh nghiệp "sân sau" của ông Trần Bắc Hà trong đại án BIDV.

Đại ý, Bình Hà tháng 4/2015 đề nghị vay BIDV 4.088 tỷ đồng với mục đích thực hiện dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại tỉnh Hà Tĩnh; Tài sản đảm bảo: tài sản hình thành sau đầu tư, đàn bò nhập và sinh sản trong quá trình thực hiện dự án.

Theo đánh giá của Tổ thẩm định chung và Ban Quản lý rủi ro tín dụng BIDV, Công ty Bình Hà mới thành lập, chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng. Về vốn tự có và tài sản đảm bao chưa đáp ứng chính sách cấp tín dụng.

Ngày 9/7/2015, ông Trần Bắc Hà ký Báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân Ban rủi ro tín dụng số 405/BC-PBTDDT với nội dung: Tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà thực hiện Dự án. Kết quả tổng hợp lấy ý kiến 7 thành viên: có 6/7 thành viên đồng ý. Riêng 1 thành viên Phân ban không có ý kiến là bà Trần Thị Minh Hoa, Giám đốc Ban Quản lý tín dụng.

Ngày 13/7/2015, HĐQT BIDV cho ý kiến về việc tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà. HĐQT gồm 14 thành viên thì có 10/14 ý kiến tán thành. 1/14 thành viên không ý kiến và 3/14 thành viên không gửi ý kiến tại Phiếu lấy ý kiến của HĐQT do ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT ký. Căn cứ biên bản tổng hợp ý kiến số 88/BB-HĐQT, HĐQT BIDV đã phê duyệt tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà tại dự án.

Thực tế, ngay từ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn của Công ty Bình Hà, BIDV đã có đánh giá rất đúng về những rủi ro, vấn đề của doanh nghiệp và Dự án nuôi bò từ Tổ thẩm định chung, Ban Quản lý rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, việc phê duyệt cho vay vẫn được thông qua với sự thống nhất khá cao từ phía các thành viên của Tổ thẩm định, Ban Quản lý rủi ro và Hội đồng quản trị. Những lá phiếu "trắng" hiếm hoi từ 2 cá nhân của Ban Quản lý rủi ro và HĐQT BIDV là sự khác biệt đáng ngạc nhiên dưới thời ông Trần Bắc Hà làm chủ BIDV.

1/7 hay 1/14 phiếu "trắng" - không ý kiến với quyết định của ông Trần Bắc Hà nó có thể chỉ là sự phản ứng yếu ớt của những nhân vật không chung nhóm lợi ích, không cùng một ý chí với Chủ tịch HĐQT. Những người không đồng tình với quyết định của ông Hà có thể không phải chỉ là một vài hoặc thiểu số nhưng có thể vì họ lo ngại nên không dám phản đối.

Điều này đã được thể hiện trong Kết luận điều tra. CQĐT nêu rõ trách nhiệm chính, cao nhất và xuyên suốt dẫn đến sai phạm trên của BIDV Hội sở và Chi nhánh Hà Tĩnh thuộc về cá nhân ông Trần Bắc Hà.

Đối với 18 cá nhân liên quan, tuy mỗi người có trách nhiệm ở mỗi khâu thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay và giải ngân, nhưng mức độ thứ yếu, cơ bản không trực tiếp thẩm định và tiếp xúc với khách hàng; không bàn bạc và không biết mục đích và bản chất việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà của ông Trần Bắc Hà; bị ông Hà gây áp lực và áp đặt về thời gian, nên chỉ làm theo chức trách nhiệm vụ được giao, thẩm định trên bề mặt hồ sơ do các cấp trình lên; khi ký phê duyệt cũng đã đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, đồng thời đã giao Chi nhánh quản lý chặt chẽ dòng tiền giải ngân và vốn tự có của Công ty Bình Hà; mong muốn Dự án đạt hiệu quả và không hưởng lợi bất chính.

Tại Kết luận điều tra, có thể thấy vai trò của các thành viên trong HĐQT của BIDV (trừ Chủ tịch HĐQT) là thứ yếu với các hoạt động của ngân hàng dù họ là đại diện cho 1 lá phiếu, có tiếng nói quan trọng trong quyết định của HĐQT.

Góc nhìn thẳng về quản trị ngân hàng Việt và lời giải

Nhìn lại các đại án đều thấy một thực tế rằng, không ít nhà băng đang bị chi phối bởi một nhóm chủ, thấy rõ qua các trường hợp VNCB, Trustbank, Southernbank, Sacombank. Khác với các ngân hàng tư nhân vừa nêu, thì BIDV - một ngân hàng "quốc doanh", do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông Trần Bắc Hà - người có 35 năm làm việc, trong đó 8 năm làm Chủ tịch HĐQT. Bản Kết luận điều tra thể hiện rõ vai trò của doanh nhân Bình Định là độc tôn tại BIDV.

Để có thêm góc nhìn thẳng thắn và tìm lời giải cho bài toán quản trị ngân hàng Việt, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng về vấn đề này.

TS-le-xuan-nghia

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Tài chính ngân hàng

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thực trạng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn tại ngân hàng Việt là vấn đề mang tính lịch sử và đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hậu quả của việc lạm dụng tín dụng của các ông chủ ngân hàng thời kỳ trước để lại là rất nặng nề.

Mặc dù năm 2017, NHNN đã có quy định chủ doanh nghiệp không làm chủ ngân hàng nhưng người ta vẫn có thể "lách luật", trá hình bằng cách không làm Chủ tịch nhưng làm "phó Chủ tịch quyết định", hay vợ, con làm Chủ tịch. Với đặc điểm một ông chủ sở hữu ngân hàng rất dễ dẫn đến rủi ro về lạm dụng tín dụng. Vì vậy, muốn giải bài toán này cần tách bạch giữa vai trò chủ sở hữu và nhà quản trị.

Cụ thể, tách bạch vai trò giữa chủ sở hữu và nhà quản trị ở đây là: HĐQT chỉ là đại diện cho ông chủ góp vốn, còn bộ máy quản trị được thuê về hoạt đông theo đúng luật TCTD và HĐQT không có quyền can thiệp vào hoạt động của bộ máy quản trị đó. HĐQT chỉ có thể giao chỉ tiêu, mức thưởng phạt cho Ban điều hành, từ đó Ban điều hành thực hiện và nhận thưởng phạt theo kết quả cuối năm đạt được ra sao.

Riêng với 4 ngân hàng quốc doanh lớn của Việt Nam hiện nay là BIDV, Agribank, Vietcombank và Vietinbank cần có cơ chế giám sát đặc thù từ phía Ngân hàng Nhà nước. Vì hoạt động của 4 ngân hàng này có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính, vừa là động lực nhưng cũng là nơi tiềm ẩn rủi ro cho cả nền kinh tế. Điều này là phù hợp với thông lệ của những nước tiên tiến.

Thậm chí, NHNN nên cử người xuống ngồi ở các phòng quản trị của các ngân hàng lớn để giám sát. Cùng với đó, cần có yêu cầu quản trị theo hướng chuyên nghiệp hoá, ông chủ là ông chủ, chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là giám sát, không tham gia vào quá trình ra quyết định của Ban điều hành.

Với hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung, trước khi theo kịp mô hình quản trị tiên tiến của thế giới là tách bạch vai trò HĐQT và Ban điều hành thì cần những quy định khác về Tập đoàn tài chính. Cùng với đó là cơ chế thanh tra, giám sát ngân hàng cần được nâng cao.

Xin cảm ơn ông!

Theo nhà đầu tư

Link gốc : https://nhadautu.vn/nhung-la-phieu-trang-trong-dai-an-bidv-va-mot-goc-nhin-ve-quan-tri-ngan-hang-viet-d35608.html

Bạn đang đọc bài viết Những lá phiếu 'trắng' trong đại án BIDV và một góc nhìn về quản trị ngân hàng Việt tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng
Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng cao hơn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền khỏi thị trường là những dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng đang thừa tiền.