Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Lộ diện nợ xấu tăng nhiệt tại nhiều ngân hàng

LAO ĐỘNG 12:30 08/08/2022

Song hành với tốc độ tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực cho vay cũng như kết quả lợi nhuận khả quan, báo cáo tài chính vừa được một số ngân hàng công bố cũng cho thấy những diễn biến lo ngại ở chất lượng tín

Gây nhiều chú ý trong báo cáo tài chính quý II vừa được ngân hàng LienVietPostBank công bố là hoạt động cho vay và kết quả lợi nhuận kinh doanh đều đạt tốc độ tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ. Theo đó chỉ riêng trong quý II/2022, LienVietPostBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 3.044,8 tỉ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021; hoạt động dịch vụ cũng báo lãi 303,3 tỉ đồng, tăng 32,7%.

Dù chi phí hoạt động của ngân hàng trong quý tăng cao hơn 22,7% so với cùng kỳ và mức trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng tới 57% lên 637,4 tỉ đồng, tăng 57%, nhà băng này vẫn đạt con số lợi nhuận trước thuế 1.793,1 tỉ đồng, tăng tới 93,8%. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng báo lãi trước thuế bán niên đạt 3.588,5 tỉ đồng, tăng tới 76% so với cùng kỳ và tương đương 74,7 kế hoạch năm.

Cho vay khởi sắc nhưng nợ xấu cũng tăng mạnh tại nhiều ngân hàng. Ảnh: LĐ
Cho vay khởi sắc nhưng nợ xấu cũng tăng mạnh tại nhiều ngân hàng. Ảnh: LĐ

LienVietPostBank cho biết lợi nhuận quý II tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước là nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng do quy mô tín dụng bán lẻ tăng trưởng và thu lãi khoản vay cơ cấu COVID-19 của các khách hàng khôi phục hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên mức trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý của ngân hàng này tăng tới 57% cho thấy nhiều biến động trong chất lượng tín dụng. Thực tế báo cáo tài chính của LienVietPostBank cho thấy so với đầu năm, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 11,2% lên 3.182,8 tỉ đồng, trong đó nợ nhóm 3 tăng 67,5% lên 771 tỉ đồng, nợ nhóm 5 cũng ghi nhận tăng 37,8% lên 1.837,7 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng theo đó tăng từ 1,37% lên 1,4%.

Tương tự, báo cáo tài chính quý II của PGBank cũng cho thấy nhiều khoản lãi tăng mạnh so với cùng kỳ như thu nhập lãi thuần tăng 15%, hoạt động dịch vụ tăng 74,5% và thậm chí hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng gấp 3 lần so với quý II/2021. Song cũng trong quý này, nhiều khoản chi phí có mức tăng mạnh, đặc biệt là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng tới hơn 2 lần so với cùng kỳ. Diến biến này khiến lợi nhuận trước thuế trong quý của PGBank ghi nhận còn 118,6 tỉ đồng, tăng 27,4%.

Như vậy lũy kế 6 tháng đầu năm, với khoản trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong hai quý đầu năm tăng 50% lên 142,5 tỉ đồng, ngân hàng PGBank báo lãi trước thuế bán niên 245,2 tỉ đồng, tăng 39,8% so với cùng kỳ và tương đương với 57% kế hoạch năm.

Nếu nhìn vào bảng phân loại chất lượng tín dụng của ngân hàng trong báo cáo tài chính, dễ dàng hình dung vì sao chi phí dự phòng tín dụng trong hai quý đầu năm của PGBank có mức tăng tới 50% so với cùng kỳ. Thực tế báo cáo tài chính của ngân hàng cho thấy, trong khi cho vay khách hàng giảm 4,5% so với đầu năm xuống còn 26.271,7 tỉ đồng, số dư nợ xấu nội bảng ở nhóm 3 và nhóm 5 lại lần lượt tăng 5,2% và 3,3% so với thời điểm cuối năm 2021.

Trước đó, giới chuyên gia tài chính và chính lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng như Hiệp hội Ngân hàng từng nhiều lần cảnh báo rằng những tác động của dịch bệnh tới tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của người vay sẽ gây áp lực rất lớn tới diễn biến nợ xấu tại các ngân hàng thương mại. Dù rằng đến nay đã có hàng trăm nghìn tỉ đồng được cơ cấu lại nợ, trong đó có hàng trăm nghìn tỉ đồng được cơ cấu lại nhưng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ.

Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Văn Du - Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của NHNN, đến cuối tháng 4.2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020 là hơn 695.000 tỉ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Trong đó dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỉ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỉ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18.000 tỉ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Các báo cáo tài chính được các ngân hàng thương mại công bố tới đây vì vậy sẽ tiếp tục làm rõ hơn bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết Lộ diện nợ xấu tăng nhiệt tại nhiều ngân hàng tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng