Hà Nội, Thứ Năm Ngày 07/11/2024

'Miệt mài' mua lại trái phiếu trước hạn, rủi ro từ nợ trái phiếu của TPBank vẫn tăng

/thuongtruong. 06:54 26/10/2022

Bức tranh tài chính TPBank còn nhiều điểm đáng chú ý khi dòng tiền thuần trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận âm hơn hơn 13.373 tỷ đồng, đặc biệt nghĩa vụ nợ tiềm ẩn hơn 31.000 tỷ đồng.

Ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn

Kể từ sau vụ việc ở Tân Hoàng Minh, hay mới đây là Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đứng trước thách thức trong nỗ lực làm minh bạch hóa thị trường. Đặc biệt, tâm lý nhà đầu tư trái phiếu cũng bị ảnh hưởng lớn sau những vụ việc này, khiến nhiều doanh nghiệp phát hành phải đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là gần 29.000 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 9 tháng, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) là một trong những ngân hàng tầm trung đang miệt mài mua lại trái phiếu trước hạn.

Miệt mài mua lại trái phiếu trước hạn rủi ro từ nợ trái phiếu của TPBank vẫn tăng trưởng

Mới đây nhất, TPBank đã mua lại toàn bộ 750 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu TPBL2124015, ngày phát hành là 29/9/2021, ngày đáo hạn ngày 29/9/2024.

Trước đó, hồi tháng 4/2022, TPBank đã mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã TPBANKBOND_A4_160420_3Y_2 phát hành ngày 16/4/2020, đáo hạn ngày 16/4/2023 có tổng giá trị 800 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2022, TPBank mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mã TPBL2124001 ngày phát hành 5/5/2021 và đáo hạn ngày 5/5/2024.

Cùng trong tháng 6/2022, nhà băng này liên tiếp mua lại trước hạn toàn bộ 3 lô trái phiếu gồm các mã TPBL2124007 phát hành ngày 23/6/2021, ngày đáo hạn 23/6/2024 có giá trị 1.000 tỷ đồng; mã TPBL2124009 phát hành ngày 29/6/2021 có giá trị 1.100 tỷ đồng và mã TPBL2124008 phát hành ngày 28/6/2021 và đáo hạn ngày 28/6/2024 với giá trị 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, từ tháng 4 đến tháng 9/2022, TPBank đã mua lại trước hạn 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.650 tỷ đồng. Được biết, cả 6 lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 3 năm, được phát hành với mục đích phát triển hoạt động kinh doanh của TPBank với lãi suất chủ yếu 3%/năm. Trái phiếu của TPBank là loại trái phiếu không chuyển đổi, không phải là nợ thứ cấp, không có đảm bảo bằng tài sản và không kèm theo chứng quyền.

Miệt mài mua lại trái phiếu trước hạn rủi ro từ nợ trái phiếu của TPBank vẫn tăng trưởng
Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới

Động thái mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng vốn đang ở trạng thái khá căng thẳng. Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng đầu năm vừa được công bố, Tổng cục Thống kê cho biết đến thời điểm 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 và tăng 4,95% so với cùng kỳ năm 2021. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04%, cùng kỳ năm 2021 tăng 4,28%.

Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn còn có nguyên nhân đến từ việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực vào 16/9/2022 đã bổ sung một nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề này.

Trong đó có quy định doanh nghiệp bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, trước và sau khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành công bố.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới.

Dồn dập phát hành thêm 10 lô trái phiếu

Chi hàng nghìn tỷ mua lại 6 lô trái phiếu trước hạn rồi sau đó TPBank lại dồn dập phát hành thêm 10 lô trái phiếu khác trị giá nghìn tỷ đồng. Theo thống kê dữ liệu trên HNX, từ tháng 5 đến tháng 9/2022, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) đã phát hành tới 10 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 6.400 tỷ đồng. Tất cả 10 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm và đều không công bố rõ thông tin về lãi suất cũng như mục đích phát hành.

Cụ thể, chỉ trong vòng 3 ngày (từ ngày 23/5/2022 đến 26/5/2022), TPBank đã phát hành lần lượt 8 lô trái phiếu TPBL2225001, TPBL2225002, TPBL2225003, TPBL2225004, TPBL2225005, TPBL2225006, TPBL2225007, TPBL2225008 tới tổng giá trị gần 5.000 tỷ đồng.

Đến ngày 21/7/2022, TPBank tiếp tục phát hành lô trái phiếu TPBL2225009 có giá trị 1.100 tỷ đồng; Ngày 8/9/2022, ngân hàng này phát lô trái phiếu TPBL2225010 với giá trị 300 tỷ đồng.

Với việc mua lại trước hạn 5.650 tỷ đồng trái phiếu nhưng lại phát hành thêm gần 6.400 tỷ đồng khiến rủi ro từ nợ trái phiếu của TPBank vẫn tăng.

Theo dữ liệu đăng tải trên Chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp (https://cbonds.hnx.vn), hiện TPBank hiện đang còn lưu hành 76 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 26.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này được phát hành từ năm 2017 đến nay, có kỳ hạn từ 3 đến 10 năm tuỳ lô. Lô thấp nhất có giá trị 1 tỷ đồng và lô cao nhất có giá trị tới 1.500 tỷ đồng.

Vì sao TPBank nằm trong số 7 ngân hàng bị thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu

Vì sao TPBank nằm trong số 7 ngân hàng bị thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu

Năm 2022, TPBank cũng nằm trong danh sách các ngân hàng mà Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra về trái phiếu.

Tại báo cáo cập nhật về TPBank, Chứng khoán VNDirect cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tác động tiêu cực đến lợi tức tài sản và hệ số NIM (sự chênh lệch tỷ lệ giữa thu nhập lãi và ngân sách phải trả) của ngân hàng trong 6 tháng cuối năm.

Theo đó, việc quản lý dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu đã phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn như TPBank.

Dòng tiền âm hơn 13.370 tỷ đồng, nợ tiềm ẩn tăng mạnh

Mới đây, TPBank công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với kết quả tương đối khả quan khi lợi nhuận trước thuế đạt 5.926 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ và thực hiện 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nguyên nhân là do nguồn thu chính của TPBank tăng 21% so với cùng kỳ, đạt gần 8,607 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Hoạt động dịch vụ tăng đến 78%, thu được gần 1.876 tỷ đồng tiền lãi, nhờ thu từ hoạt động thanh toán 1.282 tỷ đồng, gấp 2,7 lần.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng đem về khoản lãi gấp 3 lần, đạt gần 330 tỷ đồng, nhờ thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng 540 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác gấp 4,2 lần cùng kỳ, thu được hơn 593 tỷ đồng, nhờ thu từ các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro hơn 503 tỷ đồng, gấp 3 lần.

Tuy nhiên theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, kết thúc quý 3/2022, dòng tiền thuần của TPBank âm hơn 13.373,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương tới 21.225,7 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TPBank ghi nhận âm 12.793,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn dương tới 17.380 tỷ đồng. Nguyên nhân do tăng các khoản về kinh doanh chứng khoán lên 13.500 tỷ đồng (gấp 2 lần); song song đó phát hành giấy tờ có giá âm 5.325 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận âm 343,8 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 236,3 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của ngân hàng TPBank đạt hơn 317.000 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch mục tiêu. Tổng huy động của ngân hàng đạt trên 280.000 tỷ đồng, tăng 49.515 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2021. Dư nợ tín dụng đạt 178.902 tỷ đồng với sự đóng góp lớn từ phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Miệt mài mua lại trái phiếu trước hạn rủi ro từ nợ trái phiếu của TPBank vẫn tăng trưởng

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu nội bảng của TPBank đạt 1.425,7 tỷ đồng, tăng 23,2% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm 22,3% xuống mức 396,5 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng nhẹ 4% lên mức 362,8 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn cao gấp 2,2 lần, đạt mức 666,3 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của TPBank tăng từ 0.82% hồi đầu năm lên 0.91%.

Đáng chú ý, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại TPBank tại thời điểm cuối quý 3 ghi nhận hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 1.273 tỷ đồng trong 9 tháng. Trong đó, bảo lãnh vay vốn tăng 89% lên 400,8 tỷ đồng; Cam kết trong nghiệp vụ L/C giảm 29,3% xuống còn 2.720,3 tỷ đồng; Đặc biệt bảo lãnh khác chiếm áp đảo lên tới hơn 27.885,3 tỷ đồng, tăng 8,5 % so với đầu năm.

Miệt mài mua lại trái phiếu trước hạn rủi ro từ nợ trái phiếu của TPBank vẫn tăng trưởng

Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng chỉ phản ánh phần nợ xấu hiện hữu và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Vì vậy, nếu tính cả những phần nợ "tiềm ẩn" chưa được ghi nhận, thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chắc chắn sẽ có thay đổi. Hơn nữa, khả năng gặp rủi ro của TPBank là khá cao khi "Nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng" chiếm đến 20%.

Trong kỳ, TPBank giảm 26% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích hơn 1.729 tỷ đồng.

Link gốc : https://thuongtruong.com.vn/news/miet-mai-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-rui-ro-tu-no-trai-phieu-cua-tpbank-van-tang-91492.html

Bạn đang đọc bài viết 'Miệt mài' mua lại trái phiếu trước hạn, rủi ro từ nợ trái phiếu của TPBank vẫn tăng tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng