Đặc biệt trong đó, SHB đặt mục tiêu tăng trưởng 87% lợi nhuận trong năm 2022, ghi danh vào “câu lạc bộ” ngân hàng lợi nhuận trên chục nghìn tỷ đồng.
Ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách điều hành SHB cho biết trải qua một năm khó khăn và thách thức do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, SHB tiếp tục đồng hành và hỗ trợ khách hàng thông qua các gói tín dụng hơn 30 nghìn tỷ đồng, thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí cho hàng trăm nghìn khách hàng ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chung tay cùng cả nước trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 với các hỗ trợ về y tế kịp thời, Tập đoàn T&T Group, Ngân hàng SHB và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Doanh nhân Đỗ Quang Hiển đóng góp hơn 1.500 tỷ đồng. SHB đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19.
Năm 2021, SHB đã phát triển bứt phá, đạt thành tựu trên nhiều phương diện. Theo số liệu Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán bởi KPMG, tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của SHB đạt 506,6 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.231 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 26.674 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Huy động vốn thị trường 1 đạt 379 nghìn tỷ đồng, tăng 12%; dư nợ cấp tín dụng đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020. Bên cạnh đó, SHB kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) xuống 24,22%, là một trong số các ngân hàng TMCP kiểm soát chi phí tốt nhất. Năm 2021, SHB đã thu hồi nợ và trích lập dự phòng để tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và Vinashin trước thời hạn. Lợi nhuận trước thuế của SHB đạt mức 6.260 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu dự kiến là 15%.
Phát triển bền vững đi đôi với quản trị rủi ro, SHB là một trong những ngân hàng hoàn thành trước hạn cả 3 trụ cột Basel II. Trên cơ sở đó, SHB đã áp dụng các chuẩn mực quốc tế về đo lường hiệu quả dựa trên mức độ rủi ro vào hoạt động kinh doanh.
Trong năm 2021, SHB đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để tiến tới chuyển đổi lên phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), đáp ứng các chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản.Những thành tựu nổi bật đã đạt được trong năm qua đã cho thấy sự quan tâm, đồng hành, chia sẻ của cổ đông, nhà đầu tư; khẳng định định hướng, chiến lược kinh doanh đúng đắn, chắc chắn, quyết liệt của Chủ tịch HĐQT và Ban điều hành cùng sự nỗ lực của toàn thể các CBNV SHB.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Ông Võ Đức Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách điều hành cho biết, HĐQT SHB đã phê duyệt và trình Đại hội đồng cổ đông thông qua mục tiêu phát triển kinh doanh năm 2022 với một số chỉ tiêu cơ bản sau: Tổng tài sản tăng trưởng trên 12%; Vốn điều lệ tăng trưởng 36% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; Dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%.
Trong thời gian tới, SHB tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, ngày càng phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững; gia tăng lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư; tiếp tục đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh và chung tay cùng cộng đồng trong công tác an sinh xã hội.
SHB tiếp tục duy trì tốc độ phát triển cao cùng với sự tư vấn chiến lược của các Tập đoàn, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới như BCG, IFC, IBM; hiện đại hóa công nghệ thông tin và ngân hàng số; xây dựng chiến lược phát triển khách hàng chuỗi giá trị, hệ sinh thái, lấy khách hàng làm trọng tâm… SHB chắc chắn đạt được mục tiêu tới năm 2025, trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả và công nghệ trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tầm nhìn tới năm 2035, SHB trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại trong Top đầu của khu vực; trở thành ngân hàng đầu tư cung ứng nguồn vốn hiệu quả nhất cho những lĩnh vực trọng điểm của kinh tế Việt Nam.