Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Ai là chủ nợ của Tập đoàn FLC?

Đại Đoàn Kết 14:51 29/03/2022

Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả và 9.723 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 71% và 29% tổng nguồn vốn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả và 9.723 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 71% và 29% tổng nguồn vốn.

Trong báo cáo này, Chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC tại ngày 31/12/2021 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB) với tổng dự nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Thứ 2 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID). Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) với dư nợ cho vay gần 1.400 tỷ đồng.

Đa phần nợ của công ty là các khoản người mua trả tiền trước và phải trả ngắn hạn, dài hạn. Tổng nợ vay ngân hàng chỉ khoảng 6.200 tỷ đồng, chiếm gần 26% nợ phải trả. Chi phí lãi vay của công ty trong năm 2021 là 375 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước và tương đương 91% lợi nhuận gộp của tập đoàn.

Cụ thể hơn, đối với các khoản vay dài hạn, Tập đoàn FLC đang vay Sacombank - Chi nhánh Hà Nội là 1.240 tỷ đồng; BIDV - Chi nhánh Quy Nhơn 1.165 tỷ đồng; BIDV - Chi nhánh ĐBSCL 34,5 tỷ đồng; BIDV- Chi nhánh Quảng Bình 143,1 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - CN Hà Nội là 1.240 tỷ đồng. Agribank - Chi nhánh Đông Gia Lai là 29,3 tỷ đồng và TienPhong Bank - Chi nhánh Tây Hà Nội 2,08 tỷ đồng...

Đối với Sacombank, Tập đoàn FLC này bắt đầu vay nợ Sacombank sau lễ ký kết hợp tác toàn diện ngày 9/4/2021 giữa Sacombank với Bamboo Airways và hệ sinh thái liên quan tới hãng hàng không này.

Trong khi đó, các ngân hàng còn cho vay hàng trăm tỷ tại CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FLCHomes) và nhận thế chấp một lượng lớn cổ phiếu BAV thuộc sở hữu của tập đoàn FLC và vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết. Bà Bùi Hải Huyền, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, đang là Chủ tịch của FLCHomes.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV mới được công bố, tại ngày 31/12/2021, FLCHomes đang vay ngân hàng hơn 710 tỷ đồng, tăng 380 tỷ so với ngày đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 28/3, loạt cổ phiếu trong "họ" FLC đồng loạt giảm sàn. Các mã FLC, HAI, AMD, ROS trên sàn HoSE giảm kịch biên độ với mức giảm 6,8-7%. Trên sàn HNX, ART và KLF cũng "khoác màu xanh lơ" với mức giảm 9,6% tại ART và 9,9% tại KLF.

Cổ phiếu của nhóm ngân hàng có liên quan tới tập đoàn FLC cũng có đà giảm. Cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank đã gần giảm sàn về 31.850 đồng trong phiên giao dịch ngày 28/3 với tổng khối lượng khớp lệnh lên 36 triệu cổ phiếu.

Tiếp đó là cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP BIDV cũng giảm còn 41.600 đồng/cp với tổng khối lượng cổ phiếu khớp gần 4 triệu đơn vị; OCB -Ngân hàng TMCP Phương Đông giảm mạnh còn 25.700 đồng/cp với tổng khối lượng 2 triệu cổ phiếu khớp lệnh; Một chủ nợ khác của FLC là NCB - Ngân hàng Quốc dân cũng giảm mạnh.

Sáng 29/3 cổ phiếu FLC tiếp tục bị bán sàn với khối lượng hơn 71 triệu cổ phiếu.

Link gốc : http://daidoanket.vn/ai-la-chu-no-cua-tap-doan-flc-5682886.html

Bạn đang đọc bài viết Ai là chủ nợ của Tập đoàn FLC? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng