Tại Hội nghị trực tuyến với Chính phủ sáng nay (10/4), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tập trung các nguồn lực cho ngành Ngân hàng thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn bị thiệt hại bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì ổn định vĩ mô, trong đó tập trung vào kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Trong công tác điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để ứng phó với các tác động quốc tế cũng như diễn biến trong nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. |
Trong 3 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, tỷ giá đồng Việt Nam biến động trong biên độ khoảng 1,3 – 1,5%; có thể nói là ổn định so với sự biến động rất mạnh của tỷ giá các đồng tiền một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thị trường ngoại hối của Việt Nam hoạt động thanh khoản được đảm bảo, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng.
Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
"Chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết liên quan đến các diễn biến bất lợi. Từ đầu năm đến nay, chúng ta chưa phải can thiệp ngoại tệ vào thị trường. Với nguồn lực dự trữ của Việt Nam hiện nay trên 84 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Hưng nhấn mạnh.
Theo Thống đốc, các mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong những năm qua là yếu tố hết sức then chốt để tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Hơn nữa, Việc Việt Nam tập trung kiểm soát tốt lạm phá thời gian qua đã góp phần rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Đây cũng là nền tảng quan trọng và then chốt, là cơ sở để tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn sau dịch.
Về điều hành tín dụng và lãi suất, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đến ngày 31/3/2020, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm, đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng tích cực.
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng 11-14%. Trong bất cứ tình huống nào, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn.
Theo ông Hưng, từ cuối năm 2019 và đặc biệt từ tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành ở mức giảm khá mạnh từ 0,5-1% các mức lãi suất điều hành. Bên cạnh việc tập trung đáp ứng vốn tín dụng cho người vay vốn, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số các biện pháp ngay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng, đã đồng thuận rất cao để giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới.
Kết quả triển khai cho đến nay, đối với các tổ chức tín dụng, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ đồng, cho vay mới với doanh số cho vay khoảng xấp xỉ 180.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước thì tác động của dịch với đối với dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện nay là khoảng 2 triệu tỷ đồng, tức là 23% dư nợ hiện hữu của hệ thống ngân hàng có thể chịu tác động của dịch bệnh. Ngân hàng Nhà nước xác định phải tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đồng hành cùng với khách hàng vay vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp, người dân vay vốn để tiếp tục có các giải pháp triệt để và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với trên 40.000 khách hàng với dư nợ tín dụng khoảng 1400 tỷ đồng; cho vay mới với hơn 275.000 khách hàng, doanh số cho vay là khoảng 12.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tổng hợp các kiến nghị, báo cáo Thủ tướng xem xét giảm lãi suất cho vay một số đối tượng, một số chương trình vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để giảm bớt khó khăn cho đối tượng chính sách.
Theo Tuổi Trẻ Pháp Luật