Nhiều ngân hàng triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Tuấn Anh |
Tích cực giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp
Liên tục có các đợt giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại cũng đang “gồng mình” cùng doanh nghiệp chống dịch Covid-19. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã dự kiến không chia cổ tức bằng tiền mặt, giảm lợi nhuận, lương, thưởng trong năm 2020 để giảm lãi suất tín dụng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay có khoảng 52.000 khách hàng được các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ với tổng dư nợ 18.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng nghìn khách hàng được miễn giảm lãi suất cho vay, với dư nợ khoảng 125.000 tỷ đồng...
Đáng chú ý, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg (ngày 4-3) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, hàng loạt ngân hàng đăng ký cung ứng tổng số vốn 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung 0,5%-1% và chủ động xác định tiêu chí giải ngân cho khách hàng. Đến nay, các ngân hàng đã cho vay gần 80.000 tỷ đồng (30% gói tín dụng) cho 47.000 khách hàng, trong đó có cả các hộ nông dân.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, vấn đề đặt ra khi lãi suất cho vay giảm sâu là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, VietinBank đã có 2 đợt giảm lãi suất cho vay, với tổng mức giảm lên tới 2,5%-3%/năm. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn do hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các nền kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, ngân hàng đang có nhiều tiền nhàn rỗi và đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng trong tình hình dịch bệnh, các hoạt động sản xuất ngưng trệ khiến thị trường khó hấp thụ nguồn vốn ngân hàng. "Nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào, ngay cả có sản xuất được hàng cũng bị tồn kho do khó tìm được đầu ra", ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Thực tế, tính đến cuối tháng 3-2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 0,68% so với cuối năm 2019. Tạm tính trong khoảng 80 ngày đầu năm, toàn hệ thống mới giải ngân thêm khoảng 55.700 tỷ đồng tín dụng với nền kinh tế, tương đương chưa tới 700 tỷ đồng/ngày. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong khoảng 5-6 năm trở lại đây.
Doanh nghiệp có dễ vay?
Trước nguồn vốn ngân hàng dồi dào, lãi suất cũng đã rơi xuống mức thấp, song không ít doanh nghiệp lại tập trung cho việc phòng, chống dịch trước khi tính đến chuyện vay vốn ngân hàng, phát triển sản xuất. Giám đốc Công ty cổ phần ODMG Phạm Chí Dũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn hàng của công ty đã bị dừng đột ngột, một số đối tác hủy hợp đồng, nên công ty không có nhu cầu mở rộng sản xuất trong thời điểm này. "Ngay cả khi ngân hàng giảm lãi suất xuống mức thấp, doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn vì không có cơ hội sử dụng nguồn vốn", ông Phạm Chí Dũng nói.
Một số doanh nghiệp khác có nhu cầu vay vốn nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, các ngân hàng đang trong tình trạng "không biết cấp vốn cho ai", nhất là khi dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Bởi vậy, trong giai đoạn "chống dịch như chống giặc" hiện nay, nếu áp dụng mọi nguyên tắc như bình thường sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ kịp thời dù đang có các gói tín dụng ưu đãi. Do đó, ngân hàng và doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với nhau để có hướng hỗ trợ cụ thể, thay vì đưa ra một giải pháp chung.
Một số doanh nghiệp khác cũng thừa nhận khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp do ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh, yêu cầu có tài sản thế chấp nếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động...
Cho rằng, cần cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã cần thêm nguồn vốn, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là việc quan trọng nhất hiện nay.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh hỗ trợ tiếp cận tín dụng là giải pháp cơ cấu lại nợ, kể cả nợ gốc và nợ lãi. Theo đó từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ tuyên bố dịch ngày 23-1 cho đến khi Thủ tướng tuyên bố hết dịch và cộng thêm 3 tháng, dự kiến tất cả các khoản nợ gốc, nợ lãi đến hạn thời gian đó sẽ được cơ cấu lại, không chuyển nhóm, không phải trả gốc và lãi trong giai đoạn này. Cùng với giảm lãi suất và điều hành tỷ giá linh hoạt, đây là biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cần chủ động, linh hoạt hơn trong triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, dành nguồn lực kéo dài chính sách hỗ trợ sau khi dịch bệnh kết thúc. Trước mắt, các ngân hàng thương mại tìm hiểu nhu cầu từng nhóm khách hàng để có chính sách hỗ trợ cụ thể, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.