Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Đại án ở BIDV: 'Vận đen' đeo bám nhà băng này đến bao giờ?

TDVN 13:55 09/04/2020

Lãnh đạo đương nhiệm BIDV liên quan gì trong đại án Chăn nuôi Bình Hà?

Nợ xấu khủng

BIDV là ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước quy mô lớn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Song ngân hàng lớn thường gắn liền với khách hàng lớn, nên rủi ro cũng rất lớn.

Theo đó, tính đến cuối năm 2019, BIDV có gần 11.210 tỷ đồng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), đây là nhóm nợ nguy hiểm nhất, tăng gần 4.040 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng nợ xấu của ngân hàng.

Số dư nợ xấu nội bảng của BIDV tăng thêm 650 tỷ đồng lên 19.451 tỷ đồng (tương đương tăng 3,4%). Với số liệu trên, BIDV hiện lại tiếp tục đứng đầu hệ thống ngân hàng về nợ xấu nội bảng trong đó có nợ nhóm 5.

Ông Trần Bắc Hà, Cựu Chủ tịch BIDV


Ngoài nợ nhóm 5, nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) tại BIDV ở mức 3.850 tỷ đồng và nợ nhóm 4 ( nợ nghi ngờ) ở mức 4.393 tỷ đồng cũng thuộc top cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Trong năm 2019, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,4% lên mức kỉ lục 30.885 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng đã phải mạnh tay trích tới hơn 20.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng 6,2% so với năm 2018.

Như vậy, chi phí dự phòng rủi ro đã ăn mòn mất gần 65% lợi nhuận thuần của BIDV và là nguyên nhân chính kéo giảm tốc độ tăng của lợi nhuận trước thuế của nhà băng này.

Với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng như trên, BIDV là ngân hàng có lượng trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất trong số các NHTM đã công bố báo tài chính hợp nhất quý 4/2019. Báo Kinh Doanh phân tích.

Nợ xấu tăng chóng mặt, trong năm 2019, nhà băng này ráo riết rao bán các khoản nợ khổng lồ từ các ông lớn bất động sản, vận tải như Hưng Ngân, Thuận Thảo, Đức Khải,...
Bước sang năm 2020 chưa đầy 2 tháng, các chi nhánh của BIDV tiếp tục phát hành hơn 40 thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, có một số tài sản được rao bán nhiều lần, giá cũng bị giảm mạnh nhưng ngân hàng vẫn chưa xử lý được, khó có người mua.

Đơn cử như khoản nợ của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG). Đơn vị kiểm toán từng nhấn mạnh hầu hết các khoản nợ vay của tập đoàn này đã quá hạn thanh toán, đặc biệt là nợ vay ngân hàng.

Tập đoàn có thể sẽ không có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện kinh doanh bình thường. Và BIDV là chủ nợ lớn nhất của tập đoàn Đức Long Gia Lai với khoản vay 1.781 tỷ đồng, gồm 1.540 tỷ đồng dài hạn và 241 tỷ đồng ngắn hạn. BIDV ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng từ điều này.

Mới đây, Đức Long Gia Lai lại bị BIDV đấu giá lô đất hàng trăm m2 chỉ 57 tỷ, thấp hơn 10 tỷ đồng so với nguyên giá của khu đất.

Thời gian tới, ngoài việc trích lập dự phòng để cải thiện quản lý rủi ro thì có lẽ BIDV còn phải nỗ lực hoạt động để nuôi các khoản nợ có khả năng mất vốn.

Rung lắc thượng tầng

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố đối với 12 bị can về các tội: vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV Việt Nam, Công ty CP chăn nuôi Bình Hà và Công ty Trung Dũng.
Trong đó, 8 bị can bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gồm: ông Trần Lục Lang, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách quản lý rủi ro tín dụng của BIDV; ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó tổng giám đốc BIDV; ông Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh; bà Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh; Nguyễn Xuân Giáp, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành; Phạm Hồng Quang, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp I BIDV - chi nhánh Hà Thành; Đặng Thanh Nam, nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV - chi nhánh Hà Thành; và Ngô Duy Chính, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Thăng Long. Thanh Niên nêu rõ.

Ông Phan Đức Tú, ông Lê Ngọc Lâm và 16 người khác được xác định có liên quan đến vụ án Bình Hà, tuy nhiên xét trên nhiều yếu tố, Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chuyển Ngân hàng Nhà nước xem xét và quyết định xử lý phù hợp.

Trước đó, trong vụ án này vai trò của ông Trần Bắc Hà (62 tuổi, quê quán Bình Định; nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) được xác định là chủ mưu, cầm đầu về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo khoản 4 Điều 206 bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, tháng 7.2019 ông Trần Bắc Hà đã mất trong trại giam vì bệnh hiểm nghèo.
Theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan Công an sẽ tiến hành đình chỉ bị can đối với ông Trần Bắc Hà, còn việc điều tra, truy tố, xét xử sẽ tiếp tục đối với các đồng phạm của ông Trần Bắc Hà. Nếu có bồi thường thiệt hại thì các đồng phạm sẽ liên đới bồi thường.
Theo kết luận điều tra, ông Trần Bắc Hà trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV đã lợi dụng vị trí công tác của mình để thâu tóm, lũng đoạn BIDV, thực hiện một số hoạt động xúc tiến đầu tư tại tỉnh Hà Tĩnh, cam kết tài trợ vốn trái quy định, thành lập công ty sân sau gồm Công ty CP Tập đoàn An Phú và Công ty Bình Hà không có năng lực tài chính để lập dự án đầu tư xin vay vốn tại BIDV. Đồng thời, đã lợi dụng chính sách của Chính phủ, chỉ đạo BIDV thực hiện cấp vốn tín dụng cho công ty sân sau và công ty có quan hệ với mình. Ông Hà đã cấp ưu đãi cho các công ty đó không đúng quy định. Ông Trần Bắc Hà còn sử dụng mục đích vay vốn không đúng dẫn đến BIDV bị mất vốn, không có khả năng thu hồi hơn 1,5 nghìn tỷ đồng.
Đối với 12 bị can nói trên, kết luận điều tra xác định có sai phạm trong việc thực hiện chỉ đạo của Trần Bắc Hà; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất phê duyệt, ký hồ sơ đồng ý cấp tín dụng cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Hà Tĩnh), Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định, vi phạm quy định của ngân hàng, gây thiệt hại cho BIDV hàng ngàn tỉ đồng.

Tờ Nhà đầu tư cho biết: CQĐT xác định 18 cá nhân khác tham gia vào việc thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay và giải ngân, liên quan đến hành vi phạm tội của ông Trần Bắc Hà.

Trong đó, có 9 người thuộc HĐQT và Phân Ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư là các ông/ bà Trần Thanh Vân, Ngô Văn Dũng, Nguyễn Huy Tựa, Lê Đào Nguyên, Phan Thị Chinh, Nguyễn Thị Kim Thanh, Đặng Xuân Sinh, Nguyễn Văn Lộc, Ngô Văn Dũng và ông Phan Đức Tú (riêng bà Phan Thị Chinh chỉ tham gia sửa đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ 6, không gửi ý kiến tham gia phê duyệt cho vay).

Trong đó, ông Phan Đức Tú (hiện là Chủ tịch HĐQT BIDV) trong thời gian xảy ra vụ án là Tổng Giám đốc, thành viên Phân ban QLRRTD,ĐT, chỉ tham gia Phân ban QLRRTD,ĐT để thẩm định, đề xuất phê duyệt cho vay và sửa đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ 6.

7 cá nhân thuộc Tổ thẩm định chung và Ban Khách hàng Doanh nghiệp và Ban Quản lý rủi ro tín dụng Hội sở, là các ông/ bà Lê Ngọc Lâm, Lê Kiên Nghị, Nguyễn Thái Thạch, Dương Thị Quỳnh Phương, Lưu Anh Vũ, Võ Hải Nam và Nguyễn Thị Lệ Thu. Trong đó, ông Lê Ngọc Lâm (hiện là Phó TGĐ phụ trách Ban điều hành BIDV) trong thời gian xảy ra vụ án là Phó TGĐ phụ trách Khách hàng Doanh nghiệp lớn, Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp, Tổ trưởng Tổ thẩm định chung.

Ngoài ra còn 2 cá nhân thuộc BIDV Hà Tĩnh là bà Đặng Thị Tuyết Mai và Lê Thị Lan Dao.

Cũng theo tờ Nhà đầu tư, tường trình của ông Phan Đức Tú (Chủ tịch BIDV hiện tại), vị này thừa nhận với vai trò là Tổng giám đốc đã ký và phê duyệt "Thống nhất" trên Phiếu trình ngày 16/4/2015, của Ban KHDN, về việc hỗ trợ phát hành văn bản chấp thuận cung cấp vốn tín dụng cho Dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống tại Hà Tĩnh, đã được Phó TGĐ Lê Ngọc Lâm phê duyệt; ký phê duyệt "Thống nhất, trình Chủ tịch HĐQT" trên Tờ trình Ban Lãnh đạo ngày 22/4/2016 của Ban QLRRTD, đã có phê duyệt của Phó TGĐ phụ trách Trần Lục Lang, về việc chấp thuận gia hạn thời hạn hoàn thiện hồ sơ pháp lý còn lại của dự án theo lộ trình.

Với vai trò là Thành viên HĐQT, thành viên Phân ban QLRRTD,ĐT, ông Tú đã ký "Tán thành" trên Phiếu lấy ý kiến ngày 19/6/2015 của Phân Ban Rủi ro tín dụng, đầu tư và Phiếu lấy ý kiến ngày 10/7/2015 của HĐQT về việc tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà; ký tán thành trên Phiếu lấy ý kiến ngày 5/2/2016 của Phân ban QLRRTD,ĐT và Phiếu lấy ý kiến ngày 19/2/2016 của HĐQT về việc sửa đổi điều kiện cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà về điều kiện vốn tự có của Công ty Bình Hà đối với L/C nhập khẩu bò (vốn lưu động).

Về phần mình, ông Lê Ngọc Lâm, nguyên Phó TGĐ phụ trách Khách hàng Doanh nghiệp lớn, Tổ trưởng Tổ thẩm định chung, hiện là Phó TGĐ Ban điều hành BIDV khai nhận có hành vi ký phê duyệt Tờ trình Ban lãnh đạo số 315/TT-KHDN ngày 15/4/2015 của Ban Khách hàng Doanh nghiệp, báo cáo việc Công ty Bình Hà là doanh nghiệp mới thành lập ngày 10/4/2015, chưa có Báo cáo tài chính và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cấp phép đầu tư có Công văn số 04/CV-CT ngày 15/4/2015 và Báo cáo Dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt và bò giống của Công ty Bình Hà lập ngày 9/4/2015, đề nghị BIDV có văn bản chấp thuận cung cấp vốn tín dụng cho Dự án.

Ông Lâm thừa nhận phê duyệt các nội dung sau: Chấp thuận chủ trương là đầu mối thu xếp tài chính đối với Dự án; Phát hành văn bản chấp thuận là đầu mối thu xếp tài chính đối với Dự án, để hỗ trợ Công ty Bình Hà hoàn thiện các thủ tục xin cấp Giấy phép đầu tư và Giao Ban KHDN soạn thảo và trình PTGĐ phụ trách thực hiện ký văn bản gửi Công ty Bình Hà với nội dung sau: "BIDV đồng ý là đầu mối thu xếp tài chính đối với Dự án trong trường hợp Công ty Bình Hà đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của Ngân hàng".

Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Lâm còn khai nhận đã ký Văn bản số 2156/BIDV-KHDN ngày 21/4/2015, gửi Công ty Bình Hà thông báo: BIDV đồng ý là đầu mối thu xếp tài chính đối với Dự án trong trường hợp Công ty Bình Hà đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của Ngân hàng; Ký Báo cáo đề xuất tín dụng số 473/BC-KHDN ngày 4/6/2015 của Tổ thẩm định chung với vai trò Tổ trưởng Tổ thẩm định chung.

Ông Phan Đức Tú và ông Lê Ngọc Lâm đều được giao trọng trách mới từ ngày 15/11/2018 (cùng thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án). Theo đó, ông Phan Đức Tú trở thành Chủ tịch HĐQT; còn ông Lê Ngọc Lâm được giao phụ trách Ban điều hành BIDV.

Chỉ ra quá trình tham gia vào các quyết định quan trọng tạo nên đại án BIDV gây mất vốn của ngân hàng lên tới hơn 890 tỷ đồng, nhưng cơ quan CSĐT vẫn xác định rằng: Trách nhiệm chính, cao nhất và xuyên suốt dẫn đến sai phạm trên của BIDV Hội sở và Chi nhánh Hà Tĩnh thuộc về cá nhân ông Trần Bắc Hà.

Đối với 18 cá nhân liên quan, tuy mỗi người có trách nhiệm ở mỗi khâu thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay và giải ngân, nhưng mức độ thứ yếu, cơ bản không trực tiếp thẩm định và tiếp xúc với khách hàng; không bàn bạc và không biết mục đích và bản chất việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà của ông Trần Bắc Hà; bị ông Hà gây áp lực và áp đặt về thời gian, nên chỉ làm theo chức trách nhiệm vụ được giao, thẩm định trên bề mặt hồ sơ do các cấp trình lên.

Cùng với đó, khi phê duyệt các cá nhân này cũng đã đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, đồng thời đã giao chi nhánh quản lý chặt chẽ dòng tiền giải ngân và vốn tự có của Công ty Bình Hà; mong muốn Dự án đạt hiệu quả và không hưởng lợi bất chính.

Trong quá trình điều tra các cá nhân trên đã nhận rõ trách nhiệm và khai rõ hành vi của bản thân; tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án, tìm mọi biện pháp và giải pháp để thu hồi nợ và hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra.

Đồng thời, CQĐT đánh giá trong 18 cá nhân, có người hiện đang nắm giữ vị trí quan trọng, chủ chốt và có nhiều thành tích, cống hiến tại BIDV như: ông Phan Đức Tú, hiện là Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐQT BIDV; ông Trần Thanh Vân, Phó Bí thư Đảng Bộ BIDV, Thành viên HĐQT BIDV, thành viên Phân ban QLRRTD,ĐT và ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV (BIDV chưa có Tổng giám đốc).

Về phía NHNN, cơ quan này từ khi khởi tố vụ án đến nay đã 2 lần có văn bản đề nghị CSĐT Bộ Công an và Viện KSNDTC xác định BIDV là một trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, đang thực hiện Phương án tái cơ cấu lại, nên đề nghị cân nhắc trong vấn đề xử lý các sai phạm liên quan.

"Đặc biệt, BIDV cũng đã tìm được đối tác Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Phát triển Do Holdings, Hoàng Anh Gia Lai và các đối tác tham gia hợp tác với Công ty Bình Hà, để khai thác, chuyển đổi Dự án, trên cơ sở đó đảm nhận toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho BIDV; có thể xem đây là nỗ lực của BIDV để khắc phục tối đa hậu quả của vụ án, khi toàn bộ số nợ mất khả năng thanh toán còn lại của Công ty Bình Hà được các đối tác cam kết nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ thay", bản Kết luận Điều tra dài 316 trang nhấn mạnh.

Với các cơ sở nêu trên, CQĐT đã áp dụng chính sách hình sự vận dụng điểm a và điểm c, khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định về miễn trách nhiệm hình sự, không xem xét xử lý đối với 18 cá nhân trên, chuyển Ngân hàng Nhà nước kiến nghị xem xét và quyết định xử lý phù hợp.

Theo Đầu tư VN/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://dautuvietnam.com.vn/dau-tu/tai-chinh-ngan-hang/dai-an-o-bidv-van-den-deo-bam-nha-bang-nay-den-bao-gio-a6901.html

Bạn đang đọc bài viết Đại án ở BIDV: 'Vận đen' đeo bám nhà băng này đến bao giờ? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng