Thiết bị đeo (wearable) đơn giản là các sản phẩm công nghệ thông minh có thể đeo làm phụ kiện hoặc được gắn vào quần áo, đơn cử như vòng theo dõi thể lực, đồng hồ thông minh, kính thông minh... Các nghiên cứu gần đây cho thấy, wearable đang dần thay thế các phương pháp trị liệu truyền thống và tất nhiên mọi thứ sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh mãn tính như bệnh tim thiếu máu cục bộ (IHD), đột quỵ và tiểu đường đang trở thành những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu thế giới.
Điều này đã làm tăng nhu cầu sử dụng công nghệ thông minh (đặc biệt là các thiết bị đeo thông minh) của các cá nhân để thu thập dữ liệu và theo dõi sức khỏe của họ. Bên cạnh đó, sự bùng phát gần đây của COVID-19 đã dẫn đến những đổi mới trong thiết bị y tế đeo được trên cơ thể người.
Các thiết bị này cho phép theo dõi thông tin sinh lý học, chẳng hạn như thông tin sinh học, quang tuyến đồ (PPG), nhịp tim (HR), huyết áp (BP), độ bão hòa oxy trong máu (SaO2) và hoạt động hô hấp. Hơn nữa, nhận thức ngày càng tăng của người tiêu dùng về thể dục, thể chất đã dẫn đến sự phát triển của các thiết bị đeo được (chẳng hạn như dây đeo thông minh và đồng hồ thông minh theo dõi sức khoẻ).
Với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), đám mây, máy học và phân tích dữ liệu lớn, các thiết bị bị đeo thông minh có thể giúp người dùng theo dõi các thông số thể dục (bao gồm số bước chân, lượng calo đốt cháy và quãng đường đã đi bộ).
Các thiết bị đeo thông minh sẽ được gắn hoặc cấy ghép trên cơ thể để theo dõi tình trạng tâm thần và thể chất. Liệu pháp này có những ưu điểm nổi bật như rẻ tiền, dễ dàng cá nhân hóa và ít xảy ra tác dụng phụ mang tính tiêu cực. Emma là ví dụ tuyệt vời, thiết bị được phát triển bởi nhà nghiên cứu Haiyan Zhang của Microsoft. Vòng đeo tay đơn giản này sử dụng tín hiệu rung ồn để kích thích bàn tay của bệnh nhân Parkinson. Kết quả là nó có thể giúp bệnh nhân thực hiện các thao tác như vẽ, viết hoặc những thao tác đòi hỏi các chuyển động chính xác.
Ảnh minh hoạ
Theo dự báo của chuyên gia, năm 2022, các sản phẩm công nghệ theo dõi sức khỏe sẽ trở nên phong phú về mẫu mã và tính năng, đồng thời kích thước nhỏ gọn và dữ liệu có độ chính xác, tin cậy cao hơn. Tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng 2022 (CES 2022), hãng Movano đã ra mắt chiếc nhẫn thông minh thế hệ thứ 3 với khả năng đo thông số tương tự trên các dòng smartwatch cao cấp. Cũng tại triển lãm này, Abbott đã giới thiệu miếng dán Lingo, tích hợp kim dài 5 mm cùng cảm biến với khả năng đo các chỉ số như nồng độ glucose, xeton và lactate trong máu.
Hãng nghiên cứu Gartner cũng đưa ra dự báo cho rằng, chi tiêu của người dùng toàn cầu cho các thiết bị đeo đạt 81,5 tỉ USD trong năm 2021. Con số này lớn hơn rất nhiều so với mức 69 tỷ USD vào năm ngoái, cũng như bỏ xa mức 46,1 tỷ USD trong năm 2019. Gartner dự báo đến năm 2022, chi tiêu của người dùng cho các thiết bị đeo sẽ lên tới con số 93,8 tỷ USD.
"Việc giới thiệu các biện pháp sức khỏe để tự theo dõi các triệu chứng Covid-19 cùng sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với sức khỏe cá nhân trong thời gian giãn cách toàn cầu mang đến cơ hội đáng kể cho thị trường thiết bị đeo", Ranjit Atwal, Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại Gartner cho biết.
Trong tương lai, thị trường thiết bị đeo sẽ tiếp tục mở rộng với dự báo 189 triệu sản phẩm được bán ra trên toàn cầu vào năm 2022. Trước mắt, Qualcomm, công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ ghi nhận trung bình mỗi 3 giây có 1 thiết bị đeo được bán ra và cứ mỗi tuần lại có sản phẩm mới ra mắt. Trong giai đoạn 2020 - 2021, Qualcomm đã làm việc với hơn 50 công ty startup nhảy vào lĩnh vực sản xuất thiết bị đeo. Về phía Qualcomm đã có hẳn dòng chip Snapdragon Wear dành cho các thiết bị này, cho thấy sự nghiêm túc đầu tư vào ngành.
Theo Công ty nghiên cứu GlobalData, xu hướng phổ biến thời hậu đại dịch là doanh số đồng hồ thông minh sẽ tăng do chức năng của thiết bị này đang được các công ty phát triển hơn nữa, chẳng hạn như không còn cần phụ thuộc vào kết nối với điện thoại; trong khi chức năng hạn chế sẽ khiến doanh số thiết bị theo dõi luyện tập chuyên dụng giảm xuống. Công ty cũng cho rằng thị trường wearable sẽ mở rộng ra các thiết bị khác ngoài đồng hồ.
"Wearable bao gồm nhiều thiết bị hơn là các sản phẩm đeo cổ tay. Tai nghe thông minh cũng trở thành một thiết bị được chú ý gần đây với việc kết hợp trợ lý ảo kích hoạt bằng giọng nói như Siri của Apple và Assistant của Google. Tai nghe thông minh thậm chí có khả năng vượt xa hiệu suất của đồng hồ thông minh trong việc theo dõi sức khỏe", Ed Thomas, nhà phân tích của GlobalData cho hay.
Trước đó, theo thống kê, các thiết bị đeo tai được quan tâm đặc biệt khi tăng từ 32,7 tỷ USD vào năm 2020 lên 39,2 tỷ USD vào năm 2021. Hãng Gartner nhận định, các yếu tố chính dẫn đến sự tăng trưởng này có thể do nhu cầu nâng cấp tai nghe của những người làm việc từ xa cho mục đích gọi điện video.
Với xu hướng cải tiến cảm biến trong vài năm qua, các cảm biến được tích hợp trong thiết bị đeo sẽ hoạt động ngày càng chính xác hơn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong 3 - 5 năm tới. Khi độ chính xác của cảm biến được cải thiện, khoảng cách giữa thiết bị đeo y tế và phi y tế sẽ được thu hẹp.
Về lâu dài, một số chuyên gia rất hào hứng về tiềm năng của việc sử dụng thiết bị đeo giúp phát hiện bệnh sớm. Tiến sĩ Paul Friedman, một bác sĩ tim mạch của phòng khám Mayo cho biết, một vài năm trước hầu hết bác sĩ sẽ không tin tưởng vào dữ liệu từ các máy theo dõi sức khỏe để giúp thông báo phương pháp điều trị y tế, nhưng điều đó giờ đang thay đổi. Tiến sĩ Paul tin rằng các thiết bị wearable sẽ tiếp tục trở nên thông minh hơn trong những năm tới. Ông hy vọng các nhà sản xuất sẽ thêm trí tuệ nhân tạo và thực tế tăng cường vào các thiết bị này.