Lãnh đạo TP.HCM đánh giá rất cao vai trò của HCMC C4IR với sự phát triển của TP nói riêng, Việt Nam nói chung - Ảnh: ĐỨC THIỆN |
Chiều 22-12, lãnh đạo TP.HCM đã có buổi gặp gỡ các thành viên hội đồng quản lý, thành viên sáng lập, thành viên mạng lưới HCMC C4IR.
Đánh giá cao vai trò của HCMC C4IR, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn các thành viên sáng lập, hội đồng quản lý và các thành viên. "Các bạn đã góp phần làm nên một tổ chức đáp ứng nhu cầu phát triển của TP”, ông nói.
Đồng quan điểm, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết UBND TP sẽ quan tâm dành các nguồn lực đầy đủ để trung tâm hoạt động tốt ngay từ ban đầu. Ngược lại, TP cũng mong trung tâm nhanh chóng ổn định đội hình, đội ngũ để tập trung thực hiện ngay các kế hoạch hoạt động đã đề ra.
“Mong các đồng chí sát sao với hoạt động trung tâm, nhất là ở giai đoạn ban đầu. UBND TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành để làm sao phối hợp chặt chẽ, tức là một mặt đồng hành, hỗ trợ cho hoạt động trung tâm, mặt khác nhận được những kết quả từ các hoạt động của trung tâm”, ông Mãi kỳ vọng.
Trình bày với lãnh đạo TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP, chủ tịch Hội đồng quản lý HCMC C4IR, cho biết trung tâm đang đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia của WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới). Đồng thời tranh thủ tinh hoa tri thức, kinh nghiệm từ mạng lưới C4IR toàn cầu và các đối tác để nghiên cứu và soạn thảo Báo cáo chính sách số 1. Nội dung chính tập trung vào cách để Việt Nam có thể tích cực tham gia vào Cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Riêng trong năm 2025, trung tâm đã xác định gần 20 hoạt động tiêu biểu, trong đó phải kể đến chiến lược phủ kín mạng 5G cho TP.HCM do Tập đoàn Viettel phụ trách; đào tạo 1.000 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và bán dẫn…”, ông Hoan chia sẻ.
Cũng tại cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM, các thành viên hội đồng quản lý, thành viên sáng lập và thành viên mạng lưới trung tâm HCMC C4IR đã chia sẻ về định hướng hợp tác, các sáng kiến, hoạt động cụ thể trong thời gian tới.
Một số nội dung trọng tâm được đem ra thảo luận gồm: kế hoạch cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo; ứng dụng AI trong lĩnh vực vận tải hàng không; nghiên cứu phát triển bán dẫn và hệ sinh thái bán dẫn; lộ trình phủ kín mạng 5G cho TP; các vấn đề như thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững, tài chính xanh cho TP…
Trước đó, trong gần 3 tháng từ lúc thành lập (tháng 9-2024), Viet Nam C4IR đã gấp rút xây dựng các nền tảng ban đầu về cơ sở vật chất, bộ máy nhân sự, cách thức vận hành và lên kế hoạch, định hướng hoạt động cho các năm.
Đó là cơ sở để trung tâm thực hiện sứ mệnh quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho TP.HCM mà còn là quy mô, tầm vóc và nội hàm phục vụ cho cả nước dưới sự theo dõi, quan tâm sâu sát Thủ tướng Chính phủ.
HCMC C4IR đóng vai trò rất quan trọng
Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM được thành lập trên cơ sở triển khai biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) giai đoạn 2023 - 2026 và thỏa thuận hợp tác thành lập được ký kết giữa UBND TP.HCM và WEF.
Sứ mệnh của trung tâm là thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình công nghiệp của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, hướng tới nền kinh tế giá trị cao dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Đồng thời, trung tâm sẽ hợp tác với mạng lưới C4IR toàn cầu, hỗ trợ đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách, nghiên cứu các lĩnh vực đột phá của TP và vùng Đông Nam Bộ, phù hợp định hướng quốc gia và xu thế quốc tế; huy động nguồn lực, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, dẫn dắt Việt Nam tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một cách mạnh mẽ, tạo đà phát triển kinh tế bền vững và toàn diện.
Theo Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh