Về cơ bản, R5 vẫn giữ nguyên triết lý thiết kế đặc trưng trên các máy ảnh DSLR của Canon với báng cầm kích thước lớn, nhô hẳn lên khỏi thân máy giúp việc cầm nắm dễ dàng, kể cả bằng một tay. Đồng thời, phần kính ngắm EVF cũng được làm lồi lên ngang với tầm mắt để thuận tiện cho việc ngắm chụp. Các đường nét thân máy vẫn được bo cong nhẹ theo hướng mềm mại, thay vì vuông vắn, góc cạnh như các đối thủ.
Thiết kế này khiến R5 trông không thời trang hay có phong cách dạng retro, hoài cổ đang thịnh hành trên các máy ảnh thế hệ mới nhưng lại dễ thao tác, làm quen, đặc biệt với những ai đã từng dùng qua các máy ảnh DSLR của Canon đều có thể sử dụng ngay EOS R5 mà không gặp nhiều bỡ ngỡ.
Phần nóc của R5 được thừa hưởng trọn vẹn từ EOS R với màn hình kích thước lớn, cách bố trí các nút bấm, vòng xoay đều tương tự "đàn anh".
Màn hình lớn trên nóc máy là một trong tính năng được đánh giá cao trên EOS R, giúp thao tác nhanh chóng mà không cần nhìn vào EVF hay màn hình chính. Gần như mọi thông số quan trọng đều được hiển thị ở đây như ISO, khẩu, tốc, mức pin, chế độ chụp hay thời gian quay video...
Mặt sau là nơi EOS R5 được "đại tu" hoàn toàn so với EOS R. Thực tế, mặt sau của R5 được thừa hưởng từ dòng 5D Mark IV với rất nhiều nút bấm, vòng xoay chuyên dụng, phù hợp với đối tượng người dùng chuyên nghiệp, giúp thao tác nhanh mà không cần nhìn bởi các nút bấm đều sẵn sàng ở các vị trí ngón cái hay ngón trỏ.
Thanh cảm ứng Multi-function trên EOS R đã được thay thế bằng cần Joystick. Đây là điểm cải tiến đáng khen của Canon bởi thanh cảm ứng của EOS R dù mới mẻ nhưng lại kém tiện dụng trong những tình huống cần thao tác nhanh với độ tin cậy cao. Cần Joystick giúp việc chọn điểm nét trên R5 nhanh chóng hơn hẳn.
Một thay đổi khác so với EOS R là hệ thống phím điều khiển 4 chiều được đổi thành bánh xe xoay trên R5. Đây là chi tiết quen thuộc trên các dòng DSLR từ 2 số trở lên của Canon. Bánh xe xoay kết hợp cùng 2 vòng xoay trên nóc máy tạo cho R5 một combo 3 vòng xoay "lợi hại" để tinh chỉnh nhanh 3 thiết lập quan trọng nhất khi chụp ảnh là: khẩu độ, tốc độ màn trập, ISO.
Nút Rate từng xuất hiện trên 5D Mark IV cũng được mang lên R5, bổ sung thêm khả năng ghi chú bằng âm thanh vào từng ảnh, hữu dụng cho các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã hay thời trang, thường chụp hàng nghìn tấm ảnh trong một buổi tác nghiệp.
EVF OLED trên R5 được nâng cấp lớn với độ phân giải cao 5.76 MP, tần số quét 120Hz, đây là bước tiến đáng kể từ EVF chỉ 3.69 MP 60Hz của EOS R. EVF sắc nét, mượt mà giúp trải nghiệm ngắm chụp trên R5 gần ngang ngửa với OVF quang học trên các máy ảnh DSLR.
Khả năng quay video 8K RAW 30fps là điểm nổi trội của R5. Đây hiện là mẫu máy ảnh đầu tiên trên thế giới có thể quay video 8K, đón đầu trào lưu độ phân giải siêu cao đang dần xuất hiện ngày một rộng rãi trên TV, smartphone.
EOS R5 cũng có thể quay video 4K HDR 10-bit 4:2:2 lên đến 120fps, cùng khả năng chụp ảnh độ phân giải đầy đủ với tốc độ 20fps bằng màn trập điện tử hoặc 12fps bằng màn trập cơ.
R5 sử dụng toàn bộ cảm biến, không bị crop khi quay video, kể cả khi quay 8K, chế độ lấy nét Dual Pixel cũng hoạt động cả khi quay video. Dẫu vậy, quay RAW không có sẵn trong những chế độ 4K.
"Đôi mắt" của R5 là cảm biến CMOS 45MP hoàn toàn mới của Canon, cùng với bộ xử lý DIGIC X có trên EOS 1DX Mark III kết hợp với hệ thống lấy nét "Dual Pixel CMOS AF II" hoàn toàn mới của Canon, giúp phủ 100% khu vực lấy nét, được tạo thành từ 1.053 vùng AF chọn tự động.
Hệ thống lấy nét được trang bị các thuật toán theo dõi AF học máy mới, kết hợp cùng với cảm biến mới và bộ xử lý DIGIC X nhanh hơn mang lại hiệu năng tốt cả khi lấy nét thủ công hay sử dụng chế độ nhận diện đầu và mắt (hiện cũng đã hỗ trợ chó, mèo và chim).
Điều thú vị là EOS R5 có hệ thống chống rung 5 trục trong thân máy (IBIS). Đây là chiếc máy ảnh Canon đầu tiên có tính năng này. Được phát triển để hoạt động cùng với tính năng chống rung trong ống kính trên một số ống kính ngàm RF, hệ thống này sẽ điều chỉnh rung lắc cho bạn "tối đa 8 stop".
Số lượng cổng kết nối trên R5 đủ đáp ứng gần như mọi nhu cầu quay chụp chuyên nghiệp với cổng mic, tai nghe riêng biệt. Cổng USB Type C hỗ trợ truyền dữ liệu tốc độ cao, cổng mini HDMI để xuất hình ảnh, hỗ trợ bộ ghi rời, cổng điều khiển đèn flash rời.
R5 còn tích hợp sẵn kết nối WiFi và Bluetooth đi kèm khả năng chống chịu thời tiết cũng như nước và bụi ngang với dòng máy ảnh 5D của Canon.
Để đảm bảo khả năng quay video 8K và chụp ảnh tốc độ cao, R5 được trang bị 2 khe cắm thẻ nhớ. Trong đó, 1 khe là loại thẻ CFExpress và 1 khe là SD UHS-II.
Những chiếc thẻ CFExpress với tộc độ ghi lên tới 1400MB/s, ngang ngửa các SSD PCIe NVMe tốc độ cực cao trên máy tính, mới đủ sức đảm đương việc quay 8K RAW trên R5. Đại diện Canon cho biết thẻ CFExpress với tốc độ nhanh hơn giúp giải quyết vấn đề quá nhiệt khi quay 8K bởi không mất thời gian chờ buffer vào bộ nhớ đệm. Tuy nhiên, khi quay 8K trên 20 phút, R5 vẫn có thể nóng hoặc treo.
R5 tiếp tục được sản xuất tại các nhà máy Canon đặt tại Nhật Bản do sự phức tạp trong các chi tiết quang học.
Trong khe pin của R5 xuất hiện thêm một cổng để lắp grip pin BG-R10, tương thích với cả EOS R5 và EOS R6. Grip này có thể chứa 2 pin và tương thích với những viên pin LP-E6NH, LP-E6N và LP-E6.
Pin LP-E6NH mới trên R5 với dung lượng 2130mAh 16Wh, cho phép R5 có thể hoạt động lâu hơn so với pin LPE6-N trên EOS R. Hiện người dùng tại Việt Nam đã có thể đặt trước EOS R5 và Canon sẽ bắt đầu giao máy vào cuối tháng 8. EOS R5 hiện có giá 119,35 triệu đồng cho riêng body.
Canon EOS R6: "quân bài" chiến lược
Với EOS R6, kiểu dáng mặt trước không quá khác biệt so với R5 và EOS R cũng như các dòng DSLR của Canon nhưng đây lại là "quân bài chiến lược" giúp Canon tiếp cận đối tượng người dùng chuyên nghiệp nhưng có hầu bao vừa phải, chưa cần đến tính năng quay video 8K.
R6 vẫn được thừa hưởng báng cầm kích thước lớn, các đường nét bo cong mềm mại, phần kính ngắm nhô cao, bề mặt bọc da.
Tuy nhiên, nóc máy không có màn hình kích thước lớn như R5 mà chỉ được trang bị bánh xe xoay để chuyển đổi giữa các chế độ chụp và quay.
Bánh xe xoay là chi tiết giúp phân biệt R5 và R6 cũng như định vị R6 ở phân khúc mirrorless thấp hơn so với R5.
Mặt sau của R6 vẫn được trang bị tương tự như R5 với cần điều khiển Joystick, bánh xe xoay thay cho các phím điều hướng.
R6 không có tính năng quay phim 8K như R5 nhưng vẫn hỗ trợ quay phim 4K 60fps HDR 10-bit 4:2:2 lên đến 60fps cùng slow motion 1080p 120fps. Máy cũng có khả năng chụp ảnh độ phân giải đầy đủ với tốc độ 20fps (màn trập điện tử) hoặc 12fps (màn trập cơ). Tất cả những khả năng trên đều không có bất kỳ sự cắt xén hay giới hạn nào về cảm biến, lấy nét.
Cảm biến của R6 chỉ là CMOS 20.1MP nhưng vẫn có bộ xử lý DIGIC X có trên EOS 1DX Mark III tương tự R5. EOS R6 không có khả năng quay video RAW, thế nhưng, nó vẫn có hệ thống "Dual Pixel CMOS AF II" và chống rung thân máy IBIS tân tiến như EOS R5.
R6 vẫn có đầy đủ các cổng kết nối tương tự R5 hỗ trợ đối tượng người dùng quay phim, chụp ảnh chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, R6 không có khe thẻ CFExpress mà chỉ được trang bị 2 khe thẻ SD UHS-II. Khả năng chống chịu thời tiết của R6 cũng chỉ ngang 6D. |
R6 sử dụng pin LP-E6NH tương tự R5 và tương thích với cả pin LP-E6N. Máy cũng được trang bị cổng kết nối với grip để tăng dung lượng pin, hỗ trợ việc cầm máy theo chiều dọc tốt hơn |
Hiện tại, người dùng tại Việt Nam có thể đặt trước EOS R6 và đến cuối tháng 9, Canon sẽ giao máy. So với EOS R5, EOS R6 rẻ hơn một chút, cụ thể là 77,88 triệu đồng đối với thân máy. |
Theo Vnreview