Có một – và chỉ một – lý do duy nhất để bạn chọn mua mẫu laptop Asus ZenBook Duo. Nếu đã nhìn hình ảnh ở đầu bài viết, chắc bạn cũng đã đoán ra: mẫu laptop này có hai màn hình.
Cụ thể hơn, màn hình hiển thị chính là một màn hình phủ một lớp mờ với kích thước 14 inch, độ phân giải 1080p. Bên cạnh đó, còn một màn hình phụ khác sử dụng tấm nền IPS, kích thước 12.6 inch gọi là ScreenPad 2.0, được tích hợp vào phần phía trên của mặt bàn phím. Cả hai màn hình đều là màn hình cảm ứng, và đều hỗ trợ bút stylus của Asus. Khá khó để mô tả kiểu dáng của chiếc laptop này – bạn đọc cứ nhìn hình là sẽ hình dung ra.
Chiếc laptop ZenBook Duo có giá 1.499 USD (khoảng 34,9 triệu đồng) không phải là chiếc laptop đầu tiên sở hữu thiết kế như thế này – mẫu ZenBook Pro Duo của năm ngoái là một chiếc laptop workstation cũng có hai màn hình như thế này và giá là 2.500 USD (khoảng 58,2 triệu đồng). Các hãng sản xuất laptop khác cũng có những model với kiểu dáng thiết kế tương tự, chẳng hạn như dòng laptop Lenovo ThinkPad X1 Fold, được lên kế hoạch tung ra thị trường vào cuối năm nay. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, có thể nói ZenBook Duo là chiếc laptop tốt nhất dành cho những người dùng nào muốn sở hữu một mẫu máy tính xách tay có hai màn hình.
Sở dĩ chúng tôi phải nhấn mạnh việc "bạn muốn có màn hình phụ thứ hai", bởi lẽ để có được đặc điểm này, sự đánh đổi mà bạn cần phải thoả hiệp là khá đáng kể!
Khác với Touch Bar của MacBook Pro hay những mẫu ZenBook trước đó, chẳng hạn như model Pro 15 được tích hợp màn hình phụ luôn vào touchpad, màn hình phụ ScreenPad của ZenBook Duo có những giá trị và mục đích sử dụng khá rõ rệt trong một số tình huống cụ thể, và nó hoạt động đúng như kỳ vọng của người dùng.
Người thử nghiệm thường đặt các cửa sổ ứng dụng "gây mất tập trung" như Slack, Twitter và Spotify ở màn hình phụ, để chúng không ảnh hưởng khi họ đang làm công việc chính trên màn hình chính; tuy nhiên trong một số trường hợp, người thử nghiệm cũng đặt một số ghi chú hoặc các thông tin liên quan khác xuống màn hình này để tiện tham khảo. Bạn có thể dễ dàng nhắn tin cho bạn bè ngay khi đang xem Netflix, đặt thanh timeline xuống màn hình phụ khi đang biên tập video, hay stream YouTube ở màn hình phụ song song với việc chơi game trên màn hình chính.
Chúng tôi không chắc chắn việc bạn có thể dễ dàng tìm ra "công dụng" của màn hình phụ một cách dễ dàng như thế; cảm giác giống như kiểu bạn có thêm một màn hình thu nhỏ, được tích hợp luôn vào chiếc máy mình đang dùng vậy. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng ScreenPad là một màn hình nhỏ và có tỷ lệ khung hình rất hẹp, do đó phù hợp để stream dưới nền hay thỉnh thoảng liếc qua mạng xã hội trong lúc bạn đang làm việc, không phù hợp để làm các công việc chính hoặc nếu có, thì trải nghiệm cũng rất tệ.
Trong menu Launcher của Asus (bạn có thể mở bằng cách chạm nhẹ vào cạnh trái của màn hình ScreenPad), bạn có thể sử dụng một số các tính năng hữu ích tận dụng được thiết kế hai màn hình của Duo (ngoài ra bạn còn có thể thay đổi độ sáng màn hình ScreenPad, khoá hoặc mở khoá bàn phím từ menu này). Có một số ứng dụng, chẳng hạn như Quick Key (truy cập nhanh các phím tắt của các tác vụ như sao chép, cắt và dán), Number Key (hiển thị bàn phím số ảo trên màn hình) và Handwriting (cho phép người dùng viết bằng bút stylus và tự động chuyển đổi chữ viết tay thành văn bản ở bất cứ vị trí con trỏ chuột nào – tính năng này hoạt động khá chuẩn xác).
Bạn có thể tạo các "nhóm công việc" (task group) bao gồm tối đa 5 ứng dụng hoặc tab (2 trên màn hình chính và 3 trên màn hình ScreenPad), và sau đó bạn có thể mở chúng lên nhanh chỉ với một cú click chuột. Bạn cũng có thể thêm bất kỳ ứng dụng nào mình muốn vào menu chính của Launcher, nhờ đó màn hình ScreenPad có thể hoạt động như một màn hình thứ hai thực thụ.
Asus ZenBook Duo thiếu cổng Thunderbolt 3 – một thiếu sót rất đáng trách ở thời điểm hiện tại |
Việc di chuyển ứng dụng từ màn hình này sang màn hình khác rất dễ dàng, giống hệt như việc bạn kéo thả các cửa sổ giữa màn hình laptop và một màn hình rời gắn ngoài khác. Tuy nhiên, còn có một số thủ thuật khá hữu ích. Chẳng hạn, bất cứu khi nào bạn kéo thả một cửa sổ, một menu nhỏ sẽ hiện ra với các tuỳ chọn như: di chuyển cửa sổ sang màn hình còn lại, "ghim" (pin) cửa sổ vào Launcher, hay mở rộng cửa sổ ứng dụng để cửa sổ đó hiển thị "tràn" ra cả hai màn hình. Ngoài ra, còn có một nút bấm được đặt ngay trên touchpad cho phép bạn ngay lập tức "hoán đổi" nội dung hiển thị giữa màn hình chính và màn hình phụ, đồng thời thay đổi kích thước của các cửa sổ cho phù hợp.
Tính năng ScreenPad duy nhất mà người thử nghiệm sử dụng thường xuyên là tính năng task group – họ tạo ra một nhóm gồm các tab "công việc" để mở vào buổi sáng và một nhóm các tab "giải trí" để mở vào buổi đêm. Tuy nhiên, mọi tính năng còn lại đều hoạt động tốt đúng như quảng cáo. ScreenPad không chỉ là một tính năng "để đó cho vui", nó thực sự hoạt động hiệu quả và có tác dụng.
Dù vậy, vẫn còn đó những vấn đề.
Đầu tiên phải kể đến việc bàn phím laptop không phải là vị trí tốt nhất để đặt thêm một màn hình nữa. Bạn sẽ phải vươn đầu mình về phía trước để đọc các nội dung đang hiển thị trên màn hình ScreenPad – do đó, phần gáy của người thử nghiệm đã nhanh chóng bị đau mỏi sau một ngày sử dụng Duo.
Bên cạnh đó, còn nhiều thứ khác mà bạn phải đánh đổi để có được thiết kế hai màn hình như của ZenBook Duo. Chẳng hạn, người thử nghiệm chưa bao giờ cảm nhận được giá trị của phần kê tay trên bàn phím laptop cho tới khi sử dụng chiếc máy tính này – không hề có phần kê tay do diện tích đã phải để dành cho màn hình phụ thứ hai. Khi đặt chiếc máy này lên đùi để làm việc, phần khuỷu tay của người thử nghiệm gần như bị chọc thẳng vào bụng khá khó chịu. Asus đã thiết kế thêm phần bản lề ErgoLift ở bên dưới đế máy để giúp nâng cao phần bàn phím chứa màn hình phụ ScreenPad lên so với mặt phẳng mặt bàn; tuy nhiên khi để máy lên đùi để làm việc, phần chân đế sắc này chọc thẳng vào đùi của người thử nghiệm. Do đó, có thể đánh giá rằng chiếc máy này cực kỳ không phù hợp để làm việc khi đang ngồi trên ghế. Chính vì vậy, người thử nghiệm đã quyết định khi ngồi trên ghế sofa phòng khách, sẽ giữ chiếc máy bằng hai đầu gối để đảm bảo sự thoải mái. Nhưng nhìn chung, chúng tôi khuyên bạn chỉ nên dùng chiếc máy này khi có bàn làm việc "hẳn hoi" mà thôi.
Tiếp đến, phải nói đến bàn chuột từ (touchpad). "Nhờ" có màn hình ScreenPad, mà phần touchpad này đã Asus chuyển xuống góc dưới bên phải bàn phím. Điều này khiến touchpad trở nên vô dụng. Touchpad có kích thước quá nhỏ (chỉ khoảng 5,3 x 6,9cm) nên không thể sử dụng để điều hướng con trỏ chuột một cách chuẩn xác hay cuộn nhanh một trang văn bản được (vì bạn mới chỉ kéo được một đoạn ngắn thì đã chạm xuống cạnh dưới của touchpad rồi). Đồng thời, nếu bạn thuận tay trái, thì touchpad này đúng là một thảm hoạ. Khi dùng thử Duo, người thử nghiệm đã ngay lập tức phải cắm thêm một con chuột quang vào và không bao giờ động đến touchpad của máy thêm một lần nào nữa. Sau đó, người thử nghiệm quyết định chuyển sang sử dụng bút stylus tương thích với máy cho các công việc hàng ngày và nhất là đa số các thao tác cuộn trang. Chúng tôi tự hỏi liệu có cần thiết phải cố "nhồi nhét" touchpad vào cái máy này không nhỉ, không thì bỏ luôn cũng được, chứ ai lại dùng touchpad này thường xuyên được cơ chứ!
Đánh giá về khía cạnh hiệu năng của một chiếc laptop thông thường, Duo là một chiếc máy tính mạnh, hoàn thành tốt được các tác vụ mà bạn mong đợi ở nó, nhưng không có điểm nào nổi trội hẳn lên hay để lại ấn tượng cả. Một lần nữa, màn hình phụ ScreenPad vẫn là lý do chính để bạn "rút hầu bao" cho chiếc máy này.
Người thử nghiệm có trên tay cấu hình duy nhất của chiếc máy này, với giá 1.499 USD (khoảng 34,9 triệu đồng), bao gồm CPU Intel Core i7-10510U bốn nhân, bộ nhớ RAM 16GB, GPU Nvidia GeForce MX250. Cấu hình này vừa đủ cho công việc hàng ngày của tôi, bao gồm mở các tab duyệt web trên Google Chrome, nghe nhạc trên Spotify, Slack, YouTube cùng một số tác vụ khác. CPU Comet Lake tầm trung không phải là lựa chọn tốt nhất cho các tác vụ mã hoá (encode) video hay các tác vụ sáng tạo đòi hỏi sức mạnh xử lý cao. Tuy nhiên, người dùng cao cấp có thể sẽ hài lòng hơn với ZenBook Pro Duo, model sở hữu CPU Core i9-9980HK tám nhân và bộ xử lý đồ hoạ (GPU) mạnh mẽ hơn. Thời lượng pin của Duo đặc biệt tốt, nhất là xét trong bối cảnh chiếc máy này có đến hai màn hình. Người thử nghiệm có thể lướt web đến 10 tiếng ở thiết lập năng lượng Battery Saver (tiết kiệm pin) với cả hai màn hình đều được cài đặt ở mức độ sáng trung bình. Trong quá trình thử nghiệm, chiếc máy cũng duy trì được nhiệt độ vừa phải (chỉ thỉnh thoảng phần đế máy có bị nóng lên đôi chút). Quạt tản nhiệt chỉ hoạt động chi chúng tôi chơi game, và bạn có thể kích hoạt chế độ Silent (Yên lặng) trong phần mềm điều khiển của Asus nếu tiếng quạt chạy làm phiền bạn.
Về cổng cắm, đây lại là một đặc điểm có nhiều thiếu sót của Asus ZenBook Duo. Chiếc máy này có 1 cổng USB 3.1 Type-A, một khe cắm thẻ nhớ microSD và một jack cắm tai nghe 3,5mm ở phần cạnh phải. Ở cạnh trái, có một cổng HDMI, một cổng USB 3.1 Type-A khác, và một cổng USB-C. Tuy nhiên, không có cổng Thunderbolt 3 nào cả - một thiếu sót lớn đối với một chiếc máy tính đã có giá lên tới gần 1.500 USD, dù có xét đến việc nó có 1 hay 2 màn hình đi chăng nữa.
Cuối cùng, Duo chắc chắn còn lâu mới có thể trở thành một chiếc laptop chơi game. Về bộ xử lý đồ hoạ (GPU), dòng card MX250 gần như là model đứng cuối bảng xếp hạng. Ngay cả những bộ xử lý đồ hoạ tích hợp có trên các bộ vi xử lý hiện đại (bao gồm GPU tích hợp Intel Iris Plus có trong các CPU dòng Ice Lake, và GPU tích hợp Vega có trong dòng chip di động AMD Ryzen 4000) cũng cho hiệu năng tương tự. Do đó, việc bỏ tiền ra mua một chiếc laptop hầm hố nhưng lại sở hữu card đồ hoạ hiệu năng kém cỏi như vậy thật không đáng chút nào.
Chiếc máy được trang bị khe cắm thẻ nhớ microSD chứ không phải thẻ SD kích thước đầy đủ - một chi tiết đáng tiếc khác. |
Điều này đã được thể hiện trong các bài thử nghiệm của chúng tôi. Laptop ZenBook Duo chỉ có thể duy trì được số khung hình trung bình 26fps trong bài thử nghiệm chơi game Civilization VI ở thiết lập cao nhất (mức đỉnh điểm là 40fps). Tốc độ khung hình này có tốt hơn đôi chút so với các bộ xử lý đồ hoạ tích hợp; tuy nhiên vẫn là mức không thể chấp nhận được. MX250 là dòng GPU nằm ở mức "giữa giữa", tức là: nếu bạn không muốn có GPU rời, thì bạn cũng chẳng cần đến MX250, nhưng nếu bạn muốn có, thì bạn cũng chẳng thể hài lòng với chiếc card này được.
Màn hình ScreenPad rất phù hợp cho việc chơi game, nhất là trong trường hợp bạn muốn đặt thêm một cửa sổ hướng dẫn hay thông tin về trò chơi, hoặc xem một đoạn video YouTube trong lúc đang chơi game. Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng nếu bạn nhấn vào màn hình bên dưới, trò chơi bạn đang chơi ở màn hình chính sẽ dừng lại – bạn cần phải nhấn nút "resume playing" nếu muốn chơi tiếp. Do đó, nếu bạn dùng màn hình ScreenPad cho việc dùng mạng xã hội, streaming hay chat với bạn bè trong lúc chơi game thì cũng không phải là một lựa chọn tối ưu.
Nếu muốn chơi game trên các mẫu laptop hai màn hình, bạn có thể chờ chiếc máy Asus ROG Zephyrus Duo 15, dòng máy hai màn hình được thiết kế riêng cho việc chơi game sẽ ra mắt cuối năm nay và có thể nâng cấp được lên card đồ hoạ RTX 2080 Super. Asus cho biết họ đang hợp tác với các nhà phát triển để tạo ra các giao diện điều khiển đặc biệt để phù hợp với kiểu máy hai màn hình này.
Sự thật là: Người thử nghiệm không thấy có lý do gì để mua chiếc máy tính này. Touchpad hạn chế, bản lề sắc nhọn, và thiếu chỗ kê tay khiến cho việc sử dụng chiếc máy này trở nên rất không thoải mái. Chưa kể, card đồ hoạ MX250 với hiệu năng chỉ nhỉnh hơn đồ hoạ tích hợp một chút cũng không thể đủ để bù lại những ưu điểm của chiếc máy này.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu của bạn là tìm kiếm một chiếc laptop có hai màn hình, thì chiếc máy này có thể là một lựa chọn hợp lý. Màn hình phụ ở đây không chỉ là một nét hào nhoáng trong thiết kế; nó khá hữu dụng và bạn có thể làm nhiều việc với nó. Tuy nhiên, kiểu thiết kế này có lẽ sẽ phù hợp hơn với các dạng máy workstation (chẳng hạn như ZenBook Pro Duo), được đặt cố định trên mặt bàn làm việc chứ không cần phải di động nhiều. Không rõ liệu có cách nào để tối ưu hoá chiếc máy này cho việc di chuyển hay không. Hoặc nếu có, có lẽ Asus đã chưa làm tới.
Thông số kỹ thuật của Asus ZenBook Duo:
- Bộ vi xử lý (CPU): Intel Core i7-10510U
- Bộ nhớ RAM: 16GB
- Ổ cứng: 2 ổ cứng dung lượng 1TB, giao tiếp PCIe Gen3
- Bộ xử lý đồ hoạ (GPU): Nvidia GeForce MX250
- Màn hình: màn hình chính cảm ứng 14-inch độ phân giải 1920 x 1080; màn hình phụ cảm ứng 12,6 inch
- Cổng kết nối: 1 cổng USB 3.1 thế hệ thứ 2 Type-C, một cổng USB 3.1 thế hệ thứ 2 Type-A, một cổng USB 3.1 thế hệ thứ 1 Type-A, một cổng HDMI, một cổng cắm tai nghe 3,5mm, một khe đọc thẻ nhớ microSD, một cổng nguồn
- Camera: webcam hồng ngoại độ phân giải 720p
- Khối lượng: 1,5kg.
- Kích thước: 32,3 x 22,3 x 1,9cm.
- Hệ điều hành: Windows 10 Pro
Điểm đánh giá của phóng viên chuyên trang The Verge: 7/10
Ưu điểm:
- Màn hình phụ hữu ích.
- Thời lượng pin lên đến 10 tiếng.
- Hỗ trợ bút cảm ứng stylus.
Nhược điểm:
- Bản lề gập hơi sắc nhọn.
- Bàn chuột từ (touchpad) cứng, khó sử dụng.
- Không có cổng Thunderbolt 3.
- Bộ xử lý đồ hoạ (GPU) yếu, không xứng đáng với model này.
Theo VN Review