Theo ước tính của Cục Hàng không, dịch Covid-19 có thể khiến các hãng hàng không Việt hụt 30.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020. Con số này đang dần hiện thực hóa khi kết quả kinh doanh quý I của các hãng đã được thể hiện qua báo cáo tài chính ghi nhận lỗ.
Trong nhiều năm liền, hàng không Việt luôn tăng trưởng ở mức 2 con số phần trăm. Các chỉ số của ngành như lượng khách, số máy bay, số chuyến bay, doanh thu và lợi nhuận của các hãng hàng không đều chỉ ghi nhận tăng trong 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành và đặt hàng không Việt vào khủng hoảng.
-- |
Cac hang hang khong Viet kinh doanh ra sao trong dai dich? hinh anh 1 DSC_5214_1.jpg
Hàng không Việt có quý kinh doanh khó khăn nhất trong lịch sử do dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam và thế giới. Ảnh: Hoàng Hà.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I của Vietnam Airlines, hãng ghi nhận lỗ 2.600 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.500 tỷ của cả năm 2019. Tính riêng về doanh thu so với quý I/2019, Vietnam Airlines đã hụt 6.700 tỷ đồng vì dịch Covid-19.
Hãng hàng không quốc gia cũng gặp khó khăn lớn về dòng tiền khi doanh thu đình trệ vì dịch Covid-19 trong khi vẫn phải chi trả các chi phí phát sinh. Dù đã tiết giảm 40% tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Vietnam Airlines vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 2.700 tỷ đồng.
Mức lỗ lớn cộng với việc khó khăn trong việc huy động dòng tiền bổ sung, dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines âm 3.800 tỷ đồng. Để bổ sung dòng tiền nhằm vượt qua khủng hoảng Covid-19, Vietnam Airlines đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Vietjet Air cũng ghi nhận mức lỗ 989 tỷ đồng trong quý I. Đây là lần đầu tiên hãng ghi nhận lỗ trong quý kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Tính riêng về doanh thu vận tải hàng không, Vietjet Air hụt khoảng 2.800 tỷ đồng vì đại dịch Covid-19 trong 3 tháng đầu năm 2020.
Nếu như quý I/2019 hãng ghi nhận doanh thu từ hoạt động vận tải hàng không đạt 10.071 tỷ đồng thì do dịch bệnh, con số này cùng kỳ năm 2020 chỉ còn 7.222 tỷ đồng, giảm 29,6%.
Theo Vietjet Air đánh giá, đây là mức lỗ thấp hơn dự kiến của hãng và thấp hơn trung bình hàng không thế giới trong thời điểm đại dịch. Con số thiệt hại của các hãng bay trong quý I cũng đã phần nào được giảm bớt do dịch bệnh bùng phát khi hàng không Việt vừa khai thác xong cao điểm Tết Nguyên đán 2020, thời điểm bổ sung doanh thu quan trọng bậc nhất trong năm.
Jetstar Pacific Airlines cũng rơi vào tình cảnh gần như đóng băng vì dịch Covid-19. Theo số liệu từ Cục Hàng không, Hãng này hầu như ở trạng thái ngủ đông trong giai đoạn 19/3-18/4 khi số chuyến bay giảm tới 97,2% so với cùng kỳ. Trong 30 ngày, hãng chỉ thực hiện 79 chuyến bay, tương đương hơn 2 chuyến bay mỗi ngày, mức thấp chưa từng có trong lịch sử khai thác của Jetstar Pacific.
Tình trạng bi đát của Jetstar Pacific Airlines còn thể hiện rõ hơn qua thống kê của Planespotters, hãng đang "nằm sân" hoàn toàn 15 chiếc, không có chiếc nào được đưa vào khai thác. Toàn bộ chuyến bay của hãng đều đang thực hiện dưới dạng đồng thương hiệu với Vietnam Airlines.
Cũng theo Planespotters, tính tới đầu tháng 5, đội bay của Bamboo Airways vẫn đang nằm sân hơn một nửa. Hãng hiện có 22 chiếc trong đội bay thì có 10 chiếc đang được khai thác và 12 chiếc nằm sân. Theo số liệu thống kê từ Cục Hàng không, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng chuyến bay của Bamboo Airways đã giảm từ 4.000 chuyến/tháng vào cao điểm Tết xuống còn 238 chuyến trong giai đoạn tháng 4 "cách ly xã hội".
-- |
Cac hang hang khong Viet kinh doanh ra sao trong dai dich? hinh anh 2 DSC_3255.jpg
Nhiều dấu hiệu cho thấy triển vọng phục hồi sau dịch của các hãng hàng không Việt là có cơ sở. Ảnh: Hoàng Hà.
Hàng không Việt vừa có 3 tháng gian nan với Covid-19. Lãnh đạo Cục Hàng không chia sẻ, tính tới đầu tháng 5 các đường bay nội địa mới được khôi phục một phần và còn khoảng 70-80% đội tàu bay vẫn đang “nằm đất”. Cũng theo vị này, phải tới giữa năm 2021 thị trường hàng không Việt mới có thể khôi phục hoàn toàn như mức trước dịch Covid-19.
Tuy nhiên nhà chức trách hàng không Việt Nam vẫn nhìn nhận có những điểm sáng về cơ hội phục hồi sau dịch của ngành. Theo cơ quan này, trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, các hãng hàng không vận chuyển trên 150.000 hành khách. Chỉ trong thời gian ngắn khôi phục 35-40% thị phần nội địa.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không cùng Bộ GTVT đang tiếp tục kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành có các gói giảm giá, giãn giá, thậm chí là miễn giá hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khôi phục.
Đến chiều 6/5, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc cho phép tất cả loại hình vận tải hành khách, trong đó có hàng không bỏ giãn cách ghế ngồi từ 0h ngày 7/5. Đây là tác động tích cực cho các hãng hàng không phục hồi khai thác.
Số liệu từ Flightradar24 cho thấy số chuyến bay trên trục TP.HCM - Hà Nội vào đầu tháng 5 đã lên con số 754 chuyến/tuần, dần phục hồi để hướng về mức 1.000 chuyến/tuần vào cuối năm 2019. Con số này cho thấy dù chịu thiệt hại nặng nề trong 3 tháng đối đầu Covid-19 nhưng với các hãng hàng không, rất có thể đỉnh dịch đã qua đi.
Theo Zingnew