Hành khách phản ánh sau khi mua vé trên chuyến bay VJ387 từ Quy Nhơn đi TP.HCM ngày 17/4, chuyến bay này đã bị hủy với lý do phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hành khách bức xúc khi toàn bộ tiền mua vé đã bị Vietjet Air "giam" trong tài khoản bảo lưu và chỉ được sử dụng để tiếp tục mua vé máy bay cũng như các dịch vụ khác của hãng.
"Mình đã gọi lên hotline Vietjet Air hơn 30 lần để yêu cầu đổi vé nhưng không gặp được tổng đài viên. Các cuộc gọi đủ khung giờ trong ngày ngay cả 1h sáng. Mình email cho hãng theo hướng dẫn trong email, sau 3 ngày vẫn chưa được phúc đáp ngoại trừ email trả lời tự động chúng tôi đã nhận lại thông tin", hành khách cho hay.
Cũng theo hành khách phản ánh, tiền mua sẽ trong tài khoản bảo lưu được hãng hướng dẫn có thể sử dụng trong 360 ngày để đặt chuyến bay khác và sẽ phải đóng thêm phí chênh lệch nếu chuyến bay mới có giá vé đắt hơn.
Bảo lưu tiền vé của hành khách với chuyến bay bị hủy vì Covid-19 đang là lựa chọn của nhiều hãng hàng không Việt Nam và thế giới. Ảnh: Khánh Huyền. |
Trường hợp không được hoàn tiền vé khi chuyến bay bị hủy do dịch Covid-19 không phải là hiếm gặp. Trên mạng xã hội 2 ngày qua cũng có nhiều phản ánh về việc này. Nhiều người còn đặt vấn đề có hay không việc hãng bay cố tình chiếm dụng vốn của khách hàng bằng việc mở chuyến bay, sau đó hủy chuyến, và buộc hành khách phải sử dụng hình thức bồi hoàn bằng bảo lưu tiền vé.
Hiện nay, cả Vietjet Air, Bamboo Airways và Jetstar Pacific đều chỉ áp dụng hình thức bảo lưu tiền vé của khách hàng khi chuyến bay bị hủy để phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Riêng hãng hàng không quốc gia có thêm lựa chọn bồi hoàn tiền vé với phương thức thanh toán tiền cho khách hàng và được thực hiện sau 90 ngày kể từ thời điểm chuyến bay bị hủy.
Theo thống kê từ Cục Hàng không, các hãng hàng không Việt Nam đã hủy tổng cộng 74 chuyến bay trong giai đoạn tháng 4, phần lớn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trên thế giới, các hãng hàng không cũng đang đau đầu xử lý việc bồi hoàn cho khách hàng bị hủy chuyến vì dịch Covid 19.
Theo tính toán của các nhà lập pháp Mỹ, các hãng hàng không nước này đang có hơn 10 tỷ USD tiền vé bị hủy và được bồi hoàn dưới dạng vouchers cho khách hàng. Hầu hết hãng hàng không, bao gồm các hãng bay giá rẻ, thực hiện bồi hoàn cho hành khách dưới dạng đổi vé miễn phí hoặc sử dụng tài khoản bảo lưu, voucher có giá trị tương đương tiền vé chuyến bay đã hủy.
Trao đổi với báo giới, CEO của AirAsia, ông Tony Ferrnandes cho biết chính sách bồi hoàn dạng bảo lưu tương đồng với nhiều hãng khác trong ngành. "Hơn 80% hành khách của chúng tôi đã chấp nhận bồi hoàn dạng bảo lưu", ông cho biết.
Liên quan phản ánh của khách hàng tại Vietjet Air, Zing đã liên hệ và đang đợi phản hồi của hãng. Nguồn tin tại doanh nghiệp thì khẳng định không thể có chuyện các hãng bay mở và hủy chuyến để chiếm dụng vốn thông qua việc giam tiền vé của khách.
"Quá trình mở và hủy chuyến bay của bất kỳ hãng nào đều phải được cấp phép từ nhà chức trách hàng không, không phải là điều doanh nghiệp có thể tự thực hiện", vị này nói.
Theo Zingnew