Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Thủ tướng chưa đồng ý lập hãng hàng không Kite Air

TDVN 15:45 17/04/2020

Liên quan đến việc xin thành lập hãng hàng không Kite Air (Cánh diều), Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập hãng hàng không mới, đảm bảo tốt nhất quản lý nhà nước về hàng không

Cho ý kiến về đề nghị của Bộ KH-ĐT về chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Cánh diều, Văn phòng Chính phủ hôm nay (17/4) vừa có văn bản 3040 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập hãng hàng không mới, làm sao đảm bảo tốt nhất quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, quyết định.

Theo hồ sơ thành lập hãng hàng không Kite Air của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, tổng vốn đầu tư của hãng là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng.

Kite Air chọn sân bay Chu Lai (Quảng Nam) làm sân bay căn cứ.

Thủ tướng chưa đồng ý lập hãng hàng không Kite Air
Hãng hàng không Kite Air dự định khai thác dòng máy bay ATR 72 mà VASCO đang khai thác

Nếu được Thủ tướng chấp thuận, Kite Air sẽ hoàn tất các thủ tục để bắt đầu khai thác từ quý 2/2020.

Hàng không Cánh diều tập trung khai thác dòng máy bay tầm ngắn ATR-72 nhằm kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa phát triển. Trong năm đầu tiên, Kite Air sẽ khai thác 6 chiếc ATR-72. Từ năm thứ 3 trở đi, hãng dự định sẽ thuê khô hoặc thuê mua thêm máy bay thân hẹp A320/A321 hoặc tương đương để bay quốc tế. Đội bay sẽ tăng dần qua các năm và nâng lên 25 chiếc ở năm thứ 6.

Ban đầum hãng chỉ khai thác các đường bay nội địa từ Nội Bài, Chu Lai, Đà Nẵng đi đến các cảng hàng không địa phương như Điện Biên, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá và chỉ khai thác đường bay từ Tân Sơn Nhất đi Côn Đảo.

Cho tới đầu tháng 3/2020, mặc dù dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động hàng không, lãnh đạo Công ty CP Hàng không Thiên Minh vẫn khẳng định với báo giới dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng gì đến kế hoạch bay của hãng, nếu dự án được chấp thuận. Lý do là hãng khai thác phân khúc máy bay nhỏ và thị trường vẫn còn nhu cầu.

Trước đó, tại Quyết định 457/QĐ-TTg ngày 3/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký phê duyệt Chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Đây là hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế.

Với tổng số vốn đầu tư 700 tỷ đồng, ban đầu hãng có 3 tàu bay A320/321, B737 hoặc tương đương, sau đó tăng dần lên 8 tàu bay trong vòng 5 năm đầu tiên. Thời hạn hoạt động dự án 50 năm.

Như vậy, trong số các hãng bay mới xin gia nhập thị trường hàng không, chỉ có Vietravel Airlines là mới được đồng ý về chủ trương đầu tư. Kite Air và Vietstar Air còn chờ được xem xét, trong khi Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã rút lui từ giữa tháng 1.

Theo Vietnamnet

Link gốc : https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/chua-dong-y-lap-hang-hang-khong-kite-air-634305.html

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng chưa đồng ý lập hãng hàng không Kite Air tại chuyên mục Dịch vụ hàng không. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dịch vụ hàng không