Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 quy định về quản lý thực phẩm chức năng.
Cụ thể, sửa đổi Khoản 1 Điều 1 như sau: “1. Thông tư này quy định các hoạt động liên quan đến công bố sản phẩm, ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học, kể cả thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt”.
Dự thảo đề xuất sửa đổi Khoản 2, 4 Điều 4 yêu cầu về báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng như sau: “2. Việc thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người phải được thực hiện tại các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học về y học hoặc bệnh viện tuyến tỉnh trở lên;
4. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố có trách nhiệm thành lập Hội đồng khoa học gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực phù hợp để tham gia thẩm định báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng sản phẩm và các bằng chứng khoa học được công bố. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học được thực hiện theo quy định của pháp luật. Kết luận của Hội đồng là căn cứ để cơ quan quản lý xem xét quyết định.”
Công bố hàm lượng chất dinh dưỡng của thực phẩm bổ sung
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi Khoản 1 Công bố hàm lượng chất dinh dưỡng (Nutrient content claims) Điều 8 yêu cầu về nội dung công bố đối với thực phẩm bổ sung. Cụ thể, khoản 1 về công bố hàm lượng các vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic hoặc chất có hoạt tính sinh học khác được quy định như sau:
a) Khi hàm lượng các vitamin, khoáng chất nhỏ hơn 10% RNI; hàm lượng các axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic hoặc chất có hoạt tính sinh học khác nhỏ hơn 10% lượng sử dụng thành phần đó đã nêu trong bằng chứng khoa học chứng minh thì không được ghi công bố về chất đó;
Ảnh minh họa |
b) Khi hàm lượng các vitamin, khoáng chất lớn hơn hoặc bằng 10% RNI; hàm lượng các axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic hoặc chất có hoạt tính sinh học khác lớn hơn hoặc bằng 10% lượng sử dụng thành phần đó đã nêu trong bằng chứng khoa học chứng minh thì được công bố cụ thể tên, hàm lượng của các chất đó cho mỗi khẩu phần ăn hoặc trên 100 g sản phẩm;
c) Hàm lượng tối đa của vitamin, khoáng chất có trong thực phẩm tính theo liều khuyên dùng hằng ngày của nhà sản xuất không được vượt quá mức tiêu thụ tối đa của các vitamin và khoáng chất khuyến nghị cho người Việt Nam;
d) Trong trường hợp Việt Nam chưa có mức RNI và mức tiêu thụ tối đa thì áp dụng theo quy định của CODEX hoặc các tổ chức quốc tế có liên quan”.
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi Điểm a, b Khoản 2 công bố khuyến cáo về sức khỏe (Health claims) Điều 8 như sau: “a) Các khuyến cáo về sức khỏe chỉ được công bố khi hàm lượng các vitamin, khoáng chất lớn hơn hoặc bằng 10% RNI; hàm lượng các axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic hoặc chất có hoạt tính sinh học khác lớn hơn hoặc bằng 10% lượng sử dụng thành phần đó đã nêu trong bằng chứng khoa học chứng minh.
b) Đối với vitamin và khoáng chất chưa có quy định về RNI và mức tiêu thụ tối đa thì đối tượng và liều sử dụng phải phù hợp với bằng chứng khoa học chứng minh”.
Liên quan tới vấn đề trên, theo đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thực phẩm chức năng xuất hiện và bắt đầu được sử dụng tại Việt Nam từ những năm 2000. Khi đó, hầu hết sản phẩm lưu thông trên thị trường ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ các nước khác. Đến nay, hơn 70% số thực phẩm chức năng được tiêu thụ ở nước ta là hàng sản xuất trong nước. Hơn 20% còn lại là hàng nhập khẩu từ các thị trường nổi tiếng như Mỹ, Đức, Canada, Hàn, Nhật...
Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng và số sản phẩm được lưu hành trên thị trường là 63 sản phẩm. Đến năm 2017, có tới gần 4.190 công ty đăng ký sản xuất - kinh doanh thực phẩm chức năng và số lượng sản phẩm được lưu hành cũng lên tới hơn 10.930 sản phẩm.
Có thể nói những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng đã cố tình làm ăn chụp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang và dư luận hết sức bức xúc.
Mặc dù thời gian qua Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, tuy nhiên, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày một tinh vi. Các hình thức vi phạm phổ biến là sử dụng hình ảnh, bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh, là trái quy định pháp luật.
Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, lừa dối người tiêu dùng về công dụng của các thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, thực tế các thống kê cho thấy doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vi phạm vấn đề quảng cáo không quá nhiều, tuy nhiên, những tổ chức, cá nhân mua lại sản phẩm và tự quảng cáo trên thị trường lại rất lớn. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận người tiêu dùng.
Chẳng hạn, đối tượng mở tên miền để quảng cáo nhưng nếu vi phạm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện và yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền đó thì ngay lập tức họ sẽ mở tên miền khác. Hoặc họ đặt máy chủ ở Việt Nam nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài.
Một trong những hành vi khác sẽ rất khó khăn cho cơ quan quản lý là quảng cáo xuyên biên giới, tức những công ty nước ngoài mua "đất quảng cáo" trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website của các cơ quan truyền thông và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết", bà Nga cho biết thêm.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện trên nhiều trang quảng cáo các sản phẩm vi phạm quy định. Điều đáng nói là các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm lại chối bỏ việc quảng cáo các sản phẩm trên những website đó.
Theo VietQ