Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX (Mã chứng khoán: GEX) trước đây là Tổng CTCP thiết bị điện Việt Nam do doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1984) làm Tổng Giám đốc, kiêm thành viên HĐQT. Ông Tuấn được mệnh danh là “ông trùm” M&A với hai thương vụ nổi tiếng nhất là thâu tóm lượng lớn cổ phần tại các tổng công ty có “gốc” Nhà nước, là Gelex (HOSE: GEX) và Viglacera (HOSE: VGC).
Hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến Gelex còn có Chứng khoán VIX (VIX), Tổng Công ty IDICO (IDC), Marina Holdings (MHC), và CTCP Thiết bị điện Gelex (GEE), Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW), và CTCP Đầu tư Và phát triển KCN Dầu khí Long Sơn (PXL).
Ông Nguyễn Văn Tuấn được biết đến với biệt danh Tuấn “mượt”, có bằng cử nhân Tài chính – Ngân hàng, cử nhân Luật kinh tế. |
Ngân hàng nào cho GELEX vay nhiều nhất?
Việc sở hữu nhiều doanh nghiệp có “gốc” Nhà nước không chỉ giúp vị thế của GELEX tăng cao mà còn "biến" GELEX trở thành một trong những tập đoàn đa ngành ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc tham gia nhiều lĩnh vực cũng khiến cho GELEX có tổng nợ rất lớn.
Theo đó, kết thúc 2021, Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của GELEX ghi nhận tổng tài sản hơn 61.189 tỷ đồng nhưng tổng nợ của tập đoàn lên tới hơn 40.691 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần từ mức 18.936 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ hơn 10.831 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên gần 23.000 tỷ đồng cuối năm 2021. Còn nợ dài hạn cũng tăng từ hơn 8.105 tỷ đồng lên thành hơn 17.717 tỷ đồng.
(Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán của GELEX) |
Điều đáng nói, những khoản nợ mà GELEX phải trả đều tăng vọt, trong đó có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 8.372 tỷ đồng, tăng hơn 4.044 tỷ đồng so với số nợ đầu kỳ; nợ phải trả ngắn hạn khác cũng từ hơn 2.624 tỷ đồng tăng lên hơn 4.642 tỷ đồng.
Còn vay và nợ tài chính dài hạn cũng tăng đột biến từ hơn 7.752 tỷ đồng lên thành hơn 13.749 tỷ đồng, tức mức tăng lên gần 6.000 tỷ đồng; trong đó 8.896 tỷ đồng nợ ngân hàng và 6.383 tỷ đồng nợ trái phiếu.
Những "chủ nợ" lớn của GELEX gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank – Mã: CTG) gần 2.900 tỷ đồng; Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg cho vay hơn 1.627 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) cho GELEX vay 1.090 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) hơn 815 tỷ đồng,…
Kết thúc năm 2021, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của GELEX cũng chỉ ở mức hơn 1.666 tỷ đồng, đây được xem là mức lãi có vẻ khiêm tốn đối với một tập đoàn có quy mô tổng tài sản lên tới hơn 61.189 tỷ đồng.
Cổ phiếu họ Gelex tăng sốc – giảm sâu
Có thể thấy, hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến GELEX khá đa dạng, bao gồm chứng khoán, bất động sản, thiết bị điện, kinh doanh nước sạch. Trong đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn hiện chỉ trực tiếp nắm giữ cổ phiếu tại 2 doanh nghiệp là Chứng khoán VIX và Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX (GEX).
Cụ thể, ông Tuấn nắm giữ hơn 58 triệu cổ phiếu VIX, tỷ lệ 10,56% vốn điều lệ công ty; hơn 192 triệu cổ phiếu GEX, tỷ lệ 22,58%. Ngoài ra, thông qua Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex, ông Tuấn còn gián tiếp sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu nước sạch sông Đà (VCW) và PVC-Idico (PXL).
Nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái GEX từng có diễn biến giá tương tự nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC của ông Trịnh Văn Quyết, cũng như nhóm cổ phiếu “họ” Louis của ông Đỗ Thành Nhân. Điển hình như cổ phiếu GEX từng tăng giá 150% trong năm 2021. Cùng thời gian này, VIX tăng giá 124%, VGC tăng giá 98%, PXL tăng 96%,…
Diễn biến giá một số cổ phiếu thuộc nhóm liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn (Nguồn: TradingView) |
Giai đoạn tháng 10/2021 có thể coi là thời kỳ thử thách cảm xúc mạnh mẽ nhất đối với cổ đông và các nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu trong hệ sinh thái GELEX.
Thị giá cổ phiếu GEX vào ngày 1/10/2021 chỉ ở mức 22.400 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng dựng đứng và cán đỉnh 46.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 19/11/2021, theo đó tỷ suất tăng giá đạt gấp hơn 2 lần chỉ trong chưa đầy 2 tháng. Sau một giai đoạn cầm cự, giằng co, quả bóng đã có trạng thái “xì hơi” mạnh.
Diễn biến 2 tháng đó của cổ phiếu GEX có thể coi là giai đoạn nhiều kịch tính nhất, bởi trong suốt mấy năm vừa qua, thị giá cổ phiếu này không có nhiều biến động. Từ đầu năm 2018 cho đến giữa năm 2021, cổ phiếu này vẫn loanh quanh trong biên độ khoảng từ 15.000 đồng/cổ phiếu đến dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.
Bắt đầu từ tháng 6/2021, cổ phiếu GEX mới đi vào xu hướng tăng, nhưng nhịp độ tăng trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10 cũng chỉ ở mức vừa phải và chỉ “nóng” lên bắt đầu tư đầu tháng 10 như đề cập ở trên.
Sức hút của cổ phiếu GEX có được phần nào nhờ sự vào cuộc của lãnh đạo doanh nghiệp, khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn đăng ký và mua vào lượng lớn cổ phiếu của GELEX.
Sau giai đoạn tăng mạnh – giảm mạnh hồi cuối năm 2021, GEX cùng nhiều mã trong hệ sinh thái bước vào trạng thái lình xình, đi ngang. Cho đến 3 phiên trở lại đây cổ phiếu trong nhóm này xuất hiện diễn biến lạ khi bị nhà đầu tư bán rất mạnh.
Đặc biệt, trong phiên 6/4/2022, mã GEX thậm chí giảm cận sàn (hơn 6,5%) về mức 37.400 đồng cùng thanh khoản tăng bất ngờ lên hơn 47 triệu đơn vị. Đây là khối lượng giao dịch cao thứ hai trong lịch sử của GEX, chỉ xếp sau phiên 25/12/2015 với hơn 122 triệu đơn vị khớp lệnh.
Những cổ phiếu trong cùng hệ sinh thái liên tiếp giảm mạnh diễn ra trong bối cảnh tâm lý lo ngại của giới đầu tư về việc Cơ quan Quản lý Nhà nước sẽ thực hiện biện pháp mạnh liên quan đến các “đội lái”. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi mới đây ông Trịnh Văn Quyết đã bị bắt giam về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Theo Kinh tế Chứng khoán