Một doanh nghiệp mà liên tục bị khách hàng tố cáo, treo băng rôn, báo chí phản ánh sai phạm chất chồng… tuy nhiên vẫn liên tục “ẵm” các giải thưởng lớn. Liệu rằng Tập đoàn Đất Xanh có phải một trò huề trong làng bất động sản?
Vay nợ của Đất Xanh tăng vọt, tồn kho cũng chất đống
Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa công bố BCTC quý IV/2019. Trong đó, doanh thu gần 2.017 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 532 tỷ đồng, giảm hơn 24%; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 309,58 tỷ đồng, giảm tới gần 120 tỷ đồng, tương ứng giảm 27,71% so với quý IV/2018.
Dính nhiều "lùm xùm" nhưng ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh vừa đón nhận danh hiệu “Doanh nhân Bất động sản của năm” |
Tập đoàn Đất Xanh cho rằng nguyên nhân khiến lơi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm mạnh là do giá vốn hàng bán tăng mạnh, gấp hơn 2,7 lần lên 1.965 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm 6,67%, xuống 951 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quý IV/2019, công ty còn phải khấu trừ khoản chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 154 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, phần lợi nhuận đóng góp từ công ty liên doanh, liên kết của Đất Xanh giảm mạnh gần 80% với quí IV/2018 khi chỉ ghi nhận 27 tỉ đồng.
Tổng kết cả năm, doanh thu thuần của công ty đạt 5.814 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ tăng nhẹ 3% lên 1.217 tỉ đồng. Theo đó, Đất Xanh vượt 16% kế hoạch doanh thu và vượt 57% kế hoạch lợi nhuận năm.
Mặc dù kết quả kinh doanh của Đất Xanh ghi nhận lãi nhưng dòng tiền thuần trong năm vẫn ghi nhận âm hơn 365 tỉ đồng. Riêng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm đến 1.800 tỉ đồng.
Hàng tồn kho cũng tăng 47%, lên con số 6.791 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các bất động sản dở dang từ các kỳ trước như Gemriverside, Opal Skyview, Tuyên Sơn, Opal City, Sunshine Resident... và phát sinh trong kỳ này là Opal Skyline, La maison và các dự án khác.
Về tình hình vay nợ, tại thời điểm 31/12/2019, Đất Xanh tăng mạnh nợ vay tài chính ngắn hạn từ mức 471 tỷ đồng của đầu kỳ lên tới 1.163 tỷ đồng, tức tăng vọt 146%. Vay nợ tài chính dài hạn cũng tăng lên con số 3.337 tỷ đồng, tức tăng 38%.
Nhiều lùm xùm nhưng vẫn bội thực giải thưởng?
Có thể nói trong năm 2018, 2019, Tập đoàn Đất Xanh là đơn vị dính nhiều lùm xùm nhất trong làng bất động sản tại TP.HCM. Các vụ tai tiếng của Đất Xanh Group liên quan đến pháp lý các dự án, huy động vốn trái phép, “phù phép” đất công. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn vượt qua mọi tâm bão để đem về cho mình hàng loạt giải thưởng. Nhiều người trong giới bất động sản bất ngờ khi một doanh nghiệp siêu lầy lội như Tập đoàn Đất Xanh mà nhận được các giải thưởng uy tín như: “Doanh nghiệp bất động sản của năm”; “Nhà phát triển bất động sản tiêu biểu”…
Đơn cử như việc bàn giao căn hộ tại dự án Opal Riverside và dọa phạt khách hàng trả chậm khi dự án này còn ngổn ngang. Hay việc nhận chuyển nhượng khu đất công 9.125m2 tại phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM từ Công ty Cổ phần Kim khí TP.HCM để xây Dự án Lux Garden không đúng trình tự phê duyệt.
Dự án Luxgarden của Tập đoàn Đất Xanh (DXG) do ông Lương Trí Thìn làm Chủ tịch HĐQT dính vào lùm xùm mua đất công với giá rẻ từ Công ty CP Kim khí TP.HCM. Trong khi khái toán dự án có tổng mức đầu tư là 974 tỷ đồng thì Tập đoàn Đất Xanh chỉ phải mua với giá 102 tỷ. Mức giá này được cho là rẻ so với giá thị trường. Văn phòng UBND thành phố cho rằng việc chuyển nhượng khu đất này không thông qua đấu giá, có dấu hiệu bán đất công của Nhà nước với giá rẻ.
Theo đó, ngày 5/7, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản số 7059/VP gửi Công an TP, Thanh tra TP, các sở, ngành liên quan đề nghị làm rõ thông tin việc chuyển nhượng đất của Công ty cổ phần Kim Khí TP.HCM và sai phạm tại khu dân cư Bắc Rạch Chiếc.
Ngoài ra, dự án Gem Riverside do Đất Xanh Group làm chủ đầu tư cũng dính nghi vấn “Tự thay đổi quy hoạch, “đẻ” thêm đất dự án để bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng”.
Theo tìm hiểu, vào ngày 8/7/2018, Đất Xanh cùng đơn vị phân phối là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Khang Hưng đã tổ chức mở bán dự án Gem Riverside dưới hình thức “giới thiệu dự án”.
Theo thông tin phía công ty tại buổi giới thiệu này, đã có gần 98% số căn hộ đã được bán cho khách hàng. Hình thức mua bán được ký kết dưới dạng các hợp đồng “thoả thuận tư vấn bất động sản” với khách hàng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công trường dự án Gem Riverside vẫn chỉ là bãi đất trống, không hề có dấu hiệu xây dựng.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, qua kiểm tra, đến nay Sở chưa tiếp nhận và chưa giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán, thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Gem Riverside của Tập đoàn Đất Xanh.
Như vậy, có nghĩa rằng đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư dự án Gem Riverside hoàn toàn không có khả năng ký kết hợp đồng mua bán với khách hàng như cam kết của một số sàn môi giới.
Tại dự án Golden Hill (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cũng nhiều phốt khiến khách hàng lo lắng. Theo đó, khách hàng bỏ tiền mua dự án Gold Hill đã căng băng rôn đòi sổ đỏ khi đã mua đất đã gần 3 năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Đất Xanh của ông Lương Trí Thìn còn nhận được "biên bản công bố công khai quyết định thanh tra của Tổng cục Thuế về việc xử lý vi phạm về thuế qua thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế, thời kỳ thanh tra năm 2017".
Theo quyết định, tổng số tiền truy thu thuế, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo doanh thu trừ chi phí, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế hơn 3 tỷ đồng.
Qua một số lùm xùm đã nêu trên, nhưng Đất Xanh vẫn vượt mặt nhiều “anh tài” trong làng bất động sản để nhận các giải thưởng “uy tín”. Nhiều người cho rằng, hiện nay các giải thưởng cho doanh nghiệp rất dễ dàng nhận được. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đang có vấn đề bất ổn, vi phạm pháp luật nhưng vẫn được xướng tên và nhận thưởng. Phải chăng cơ chế các giải thưởng cho doanh nghiệp quá “dễ dãi” trong khâu chọn lọc, xét duyệt?