CTCP Thực phẩm Quốc tế (Interfood, mã IFS) vừa công bố BCTC quý 2/2023, ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 507 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu, mảng nước giải khát đem lại 417 tỷ đồng doanh thu và là nguồn thu chính; song song, doanh thu từ thực phẩm đóng hộp cũng đem lại 89 tỷ đồng, tăng 8 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, sản phẩm chủ đạo của mảng thực phẩm đóng hộp là nước cốt dừa.
Trừ các khoản giảm trừ, Interfood ghi nhận doanh thu thuần gần 477 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 178 tỷ đồng, tăng 25% so với quý 2/2022. Nhờ đó, biên lãi gộp được cải thiện mạnh từ 31% lên mức 37% trong quý 2/2023.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh lên 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận 5 tỷ đồng, do lãi tiền gửi ngân hàng tăng gấp đôi.
Khấu trừ các chi phí khác, IFS báo lãi trước thuế đạt gần 86 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần IFS tăng 11% lên mức 872 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 50% lên mức 128 tỷ đồng. Ngoài ra, biên lãi gộp 6 tháng đầu 2023 tăng mạnh lên mức 54% từ mức 47% trong nửa đầu năm 2022.
Interfood đặt mục tổng doanh thu năm 2023 đạt 1.974 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận trước thuế đạt 137 tỷ đồng. Như vậy sau 2 quý đầu năm, dù mới hoàn thành được 26% mục tiêu tổng doanh thu, song kế hoạch lãi trước thuế của IFS đã hoàn thành tới 93%.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Interfood tăng gần 70 tỷ so với đầu năm, ghi nhận 1.512 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty có tới 1.073 tỷ đồng lượng tiền và tiền gửi chiếm tới 71% tổng tài sản, doanh nghiệp này duy trì khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn 700 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đạt 1.300 tỷ đồng chiếm tới 86% tổng nguồn vốn. Điều đặc biệt của Interfood là doanh nghiệp không ghi nhận nợ vay tài chính.
Theo Nhịp sống thị trường