Năm 2021 là một năm đầy sóng gió với ngành cao su Việt Nam. Mặc dù dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến từ hoạt động sản xuất mủ cao su, đến chế biến gỗ cao su, nhưng ngành cao su Việt Nam đã nỗ lực khắc phục và tiếp tục tiến đến mục tiêu phát triển bền vững đề ra trong năm 2022.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của nước ta đã đạt 1,7 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, tăng 11,9% về lượng và 40,8% về trị giá so với cùng kỳ 2020. Như vậy, có thể khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn lớn do làn sóng Covid-19 thứ 4, nhưng năm 2021 vẫn là một năm thành công của ngành cao su.
Trong quý 3/2021 là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cao su gặp khó khăn nhất vì dịch bệnh COVID-19, khiến sản lượng bán hàng suy giảm dù giá bán ở mức cao. Đến quý 4, khi dịch bệnh được kiểm soát và giá bán mủ tiếp tục neo cao đã giúp nhiều doanh nghiệp cao su ghi nhận doanh thu đi lên so với cùng kỳ.
Đơn cử, trong quý 4/2021, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) ước tính doanh thu tăng gần 37% lên 12.379 tỷ đồng, nhưng lại lợi nhuận sau thuế còn 1.363 tỷ đồng, giảm đến 57% về lợi nhuận. Cả năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của GVR ước đạt 29.091 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước khoảng 5.179 tỷ đồng, tăng gần 38% và tăng 2% so với cùng kỳ 2020.
So với kế hoạch năm đề ra, GVR đã vượt lần lượt 8% chỉ tiêu doanh thu và 13% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của năm. Trước đó, ngay trước giờ chốt sổ cuối năm, GVR đã điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2021 của công ty mẹ còn chỉ tiêu hợp nhất không đổi.
Cùng cảnh ngộ, trong quý 4, nhờ sản lượng tiêu thụ mủ cao su và chuối đều tăng nên doanh thu thuần của Cao su Thống nhất (TNC) đạt gần 32 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ. Lãi gộp ghi nhận gần 7 tỷ đồng, gấp 2,3 lần. Biên lãi gộp nhích nhẹ từ 21% lên 22%.
Sau khi trừ chi phí, TNC báo lãi sau thuế đạt xấp xỉ 6 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với quý 4/2020.
Tuy nhiên, lũy kế năm 2021, lợi nhuận sau thuế của TNC lại giảm 27% so với năm trước, còn hơn 40 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là doanh thu tài chính của Công ty đi lùi 30%, chỉ còn hơn 37 tỷ đồng, do trong nửa đầu năm, TNC không thanh lý cây cao su cũng như nhận cổ tức từ công ty liên kết - CTCP Xuất Nhập khẩu Nông lâm sản và Phân bón Bà Rịa.
Tương tự, Cao su Phước Hòa (PHR) cũng không là trường hợp ngoại lệ khi giá bán cao su khởi sắc đã giúp doanh thu quý tăng trưởng. Ngoài ra, khoản thu từ cổ tức cũng đóng góp vào lợi nhuận doanh nghiệp.
Tuy nhiên cả quý, lãi sau thuế công ty mẹ của PHR chỉ còn 209 tỷ, giảm một nửa so với cùng kỳ, Nguyên do là tiền thu từ thanh lý cao su sụt giảm và không có ghi nhận tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất cho dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.
Dẫu vậy, con số lợi nhuận quý IV này cũng đã ở mức cao nhất so với ba quý trước đó đồng thời vượt kế hoạch quý đề ra.
Cả năm, doanh thu thuần của PHR đạt hơn 1.463 tỷ đồng, tăng gần 38%. Lợi nhuận sau thuế giảm 65% còn 331 tỷ đồng và thực hiện chưa tới một nửa kế hoạch năm.
Một trường hợp khác, dù doanh thu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận ròng của CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) trong quý 4/2021 vẫn đi lùi do ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá.
Cụ thể, doanh thu thuần của DRI ghi nhận gần 201 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn, DRI báo lãi gộp đạt gần 100 tỷ đồng, tăng 47%. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Công ty lại giảm 57%, về gần 16 tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng của DRI bị kéo lùi chủ yếu do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 43 tỷ đồng trong kỳ, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập gần 2 tỷ đồng. Từ đó, dẫn đến chi phí tài chính cao gấp 9 lần so với quý 4/2020, với gần 49 tỷ đồng.
Tuy kết quả lợi nhuận quý cuối năm bị kéo giảm nhưng nhờ kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm, doanh thu cùng lãi ròng lũy kế của DRI trong năm 2021 vẫn lần lượt tăng 36% và gấp 3 lần so với kết quả năm 2020, đạt 600 tỷ đồng và 77 tỷ đồng.
Chiều hướng ngược lại, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) ghi nhận sản lượng tiêu thụ mủ cao su giảm nhưng nhờ giá bán bình quân cao hơn năm trước, doanh thu của DPR vẫn tăng trưởng ở mức 7%, đạt gần 1.214 tỷ đồng. Do giá vốn ngược chiều doanh thu, lãi gộp của Công ty tăng đến 35%, vượt hơn 433 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 28% lên gần 36%.
Trong năm, DPR ghi nhận khoản lợi nhuận khác gần 226 tỷ đồng, trong khi năm trước khoản mục này chỉ gần 11 tỷ đồng. Nhờ khoản lợi nhuận đột biến, DPR báo lãi ròng năm 2021 đạt gần 449 tỷ đồng, gấp 2.5 lần kết quả năm 2020.
Xét chỉ tiêu lãi trước thuế, Công ty ghi nhận hơn 594 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm trước, đồng thời vượt hơn 41% kế hoạch đề ra cho năm 2021.
DPR có thể vượt kế hoạch năm chủ yếu nhờ vào kết quả kinh doanh của quý 4 khi trong quý cuối năm, lãi trước thuế của Công ty đạt gần 399 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ, dù doanh thu giảm 3%. Trước đó, mức thực hiện kế hoạch của DPR chỉ đạt gần 47% sau 9 tháng đầu năm. Nhân tố thúc đẩy chủ yếu là khoản lợi nhuận khác gần 209 tỷ đồng được ghi nhận trong quý 4 (cùng kỳ lỗ khác gần 2 tỷ đồng).
Tại Cao su Hòa Bình (HRC) cho biết, quý 4/2021 sản lượng cao su khai thác tăng đã giúp giảm chi phí và giá bán tăng đẩy lợi nhuận lên cao, tăng tới 251%. Cả năm, lợi nhuậncủa công ty này gấp 2,4 lần năm 2020.
Theo dự báo của các chuyên gia, triển vọng nhu cầu về cao su tự nhiên của thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới. Việc mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng cao su trong năm 2022.
Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ vẫn rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.