Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Vòng vèo sở hữu tại TPBank, rủi ro khi lãnh đạo 'xả hàng'?

vietq.vn 09:28 25/01/2022

FPT và DOJI hiện là 2 cổ đông lớn nhất tại TPBank, bên cạnh đó, nhiều cá nhân cũng đang sở hữu lượng cổ phiếu khủng tại nhà băng này.

CTCP FPT từng được coi là “cha đẻ” của TPBank khi là một trong 3 tổ chức đồng sáng lập cùng với MobiFone và Vinare. Thời điểm đó, chỉ cần nhìn logo của TPBank cũng có thể biết tầm ảnh hưởng của FPT tới ngân hàng này lớn như thế nào. Trong số 7 thành viên HĐQT thì có 2 thành viên đến từ FPT là ông Lê Quang Tiến giữ chức Chủ tịch HĐQT TPBank và ông Trương Gia Bình là thành viên HĐQT.

Tuy nhiên, lợi thế về công nghệ thông tin dường đã không phát huy hiệu quả như người ta kỳ vọng đến sự phát triển và khẳng định tên tuổi của TPBank. Chỉ sau 4 năm đi vào hoạt động, TPBank đã rơi vào tình trạng yếu kém, thu nhập lãi thuần giảm dần theo hàng năm, thậm chí tới năm 2011 thu nhập lãi thuần của TPBank còn âm qua các quý. Thời điểm đó, TPBank thậm chí còn bị NHNN xét vào diện ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu với mức lỗ tương đương 1/2 vốn điều lệ, nợ xấu lên trên 6%.

Tính cho tới quý 1/2016, FPT chỉ còn nắm giữ 9,1% vốn chủ sở hữu tại TPBank và hầu như không có bất kỳ tác động gì tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Dù đã không còn quá thiết tha với lĩnh vực ngân hàng nữa nhưng FPT vẫn không có ý định sẽ thoái vốn khỏi TPBank.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

TPBank hiện có 3 cổ đông tổ chức nắm giữ từ 5% vốn cổ phần trở lên. Trong đó, Công ty Cổ phần FPT nắm hơn 50 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 8,68% vốn điều lệ. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI nắm 44,4 triệu cổ phiếu, chiếm 7,6% vốn điều lệ. Công ty cổ phần tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare – VNR) nắm 5,14% vốn điều lệ với 30 triệu cổ phiếu.

Trong số các cổ đông sáng lập, bên cạnh FPT và DOJI hiện vẫn nắm nhiều tỷ lệ thì MobiFone đã giảm xuống còn 0,95% vốn điều lệ (5,5 triệu cổ phiếu).

Danh sách cổ đông sáng lập còn 3 cá nhân khác. Trong đó, ông Lê Quang Tiến (từng là thành viên HĐQT FPT và hiện là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank) nắm giữ hơn 4,6% vốn cổ phần với 27 triệu cổ phiếu. Ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT) cũng đang nắm hơn 1,1 triệu cổ phiếu TPB tương đương 0,188% vốn điệu lệ. Ông Vũ Quốc Khánh (đồng thời là cổ đông sáng lập FPT) hiện nắm giữ 432 nghìn cổ phiếu TPB, tương đương 0,074% vốn cổ điều lệ ngân hàng.

Sở hữu TPB hiện có 593 cá nhân và 18 tổ chức. Trong đó, cổ đông trong nước nắm 75,11% vốn cổ phần, 24,89% còn lại của nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây nhất, nhóm công ty liên quan lãnh đạo TPBank muốn mua 28,4 triệu cổ phiếu TPB. Đó là các pháp nhân Công ty TNHH JB, Công ty TNHH SP, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital), SBI Ven Holdings Pte Ltd. Bốn công ty này đăng ký mua vào 28,4 triệu cổ phiếu TPB.

Cụ thể, Công ty TNHH JB (JB) đăng ký mua vào 8,2 triệu cổ phiếu TPB của TPBank qua phương thức khớp lệnh và thoả thuận từ ngày 5/10 – 3/11/2021. Nếu thực hiện giao dịch thành công, JB sẽ sở hữu 48,1 triệu cổ phiếu TPB, tương đương với tỉ lệ sở hữu 4,11%. Tương tự, Công ty TNHH SP (SP) cũng đăng ký mua vào 8,2 triệu cổ phiếu TPB, nhằm nâng tỉ lệ sở hữu lên 4,11% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) và SBI Ven Holdings Pte. Ltd (SBI) đều đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu TPB. Sau giao dịch này, FPT Capital sẽ sở hữu khoảng 0,51% vốn TPBank, trong khi SBI sẽ tăng tỉ lệ sở hữu lên 4,65% vốn điều lệ.

Trừ FPT Capital, tất cả giao dịch nêu trên đều được thực hiện với mục đích cơ cấu lại danh mục. Tạm tính theo giá đóng cửa phiên 1/10 (là 42.600 đồng/cp), giá trị thị trường của số cổ phiếu nêu trên đạt khoảng 1.209,8 tỉ đồng. Được biết, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt là Chủ tịch HĐQT SP và JP, đồng thời cũng là Tổng Giám đốc FPT Capital. Ở TPBank, bà Nguyệt đang nắm giữ vai trò thành viên ban kiểm soát.

Trong khi đó, ông Shuzo Shikata – Phó Chủ tịch HĐQT TPBank – hiện là Thành viên HĐQT FPT Capital cũng là người đại diện phần vốn của SBI tại TPBank.

Ảnh minh họa.

Việc đăng ký giao dịch của nhóm cổ đông nêu trên diễn ra trong bối cảnh TPBank vừa hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Cũng liên quan cổ phiếu TPB, ông Lê Hồng Nam, Phó Tổng giám đốc TPBank mới đây đã bán xong 45.000 cổ phiếu TPB theo phương thức khớp lệnh trong ngày 8/12.

Sau giao dịch, ông Nam đã giảm sở hữu tại TPBank xuống còn 180.000 cổ phiếu. Trong khi bà Đỗ Quỳnh Anh, con gái của ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank đã mua xong 1 triệu cổ phiếu TPB. Giao dịch được thực hiện trong ngày 17/12/2021 theo phương thức thoả thuận.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, ông Phạm Đông Anh, Phó Tổng giám đốc - Giám đốc khối Vận hành TPBank cũng đăng ký bán 45.000 cổ phiếu TPB nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ 13/12/2021 đến 11/1/2022 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Các giao dịch cổ phiếu trên diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu TPB liên tục tăng giá mạnh. Theo đó, TPB đóng cửa ngày 5/1 ở mức 42.000 đồng/cp, tăng gấp đôi trong 1 năm qua và là một trong những mã có diễn biến giá tốt nhất ngành ngân hàng năm 2021.

Nói đến sở hữu tại TPBank không thể không nói đến ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Tuy cá nhân không sở hữu cổ phiếu TPB nào nhưng ông đại diện cho DOJI (nơi ông làm Chủ tịch) nắm giữ 44 triệu cổ phiếu. Các thành viên trong gia đình ông Phú cũng nắm lượng cổ phiếu tương đối lớn tại ngân hàng.

Nhìn vào những giao dịch của các nhóm lãnh đạo liên quan đến TPBank và FPT không khó để nhận ra họ mua cổ phiếu công khai nhưng đường đi sở hữu lại rất vòng vèo. Và nhà đầu tư cũng mong muốn rằng, lịch sử mua vào - bán ra của TPB sẽ không đi theo vết xe đổ như họ nhà “Q-Index” vừa qua, khi họ nhà FLC khiến thị trường một phen chao đảo.

Các chuyên gia cho rằng, động thái “xả hàng” hoặc mua vào cổ phiếu của cổ đông lớn, lãnh đạo ngân hàng ít nhiều tác động đến giá trị cổ phiếu. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn nên có biện pháp phòng vệ bằng cách hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ. Nhìn một cách đơn giản, khi thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cùng người thân vung tiền mua vào lượng lớn cổ phiếu. Lúc giá cổ phiếu được đẩy tăng cao, họ lại đồng loạt bán ra, thu về hàng trăm tỷ đồng.

Loạt người nhà lãnh đạo TPBank vi phạm giao dịch cổ phiếu

Ngày 25/8/2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 218/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Hảo (địa chỉ: 20 ngõ 107 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Thị Hảo là người có liên quan của ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong).

Theo đó, bà Hảo bị phạt tiền 30 triệu đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3, Điểm đ Khoản 4 và Khoản 6 Điều 27 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 108/2013/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 và Khoản 35 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

Hành vi vi phạm hành chính: Bà Hảo đã không báo cáo UBCKNN, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc dự kiến giao dịch mua và bán 30.510 cổ phiếu TPB từ ngày 28/02/2019 đến ngày 02/4/2019).

Ngày 13/10/2021, Thanh tra UBCKNN cũng ra quyết định xử phạt đối với ông Lê Sỹ Hối (Địa chỉ: P501 DDN1 nhà 15/17 Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội) 10 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Theo đó, ông Lê Sỹ Hối là người có liên quan (bố đẻ) của bà Lê Cẩm Tú - Kế toán trưởng TPBank thực hiện mua 20.000 cổ phiếu TPB (tương ứng với 200 triệu đồng tính theo mệnh giá) vào ngày 29/1/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Link gốc : https://vietq.vn/vong-veo-so-huu-tai-tpbank-rui-ro-khi-lanh-dao-xa-hang-d196551.html

Bạn đang đọc bài viết Vòng vèo sở hữu tại TPBank, rủi ro khi lãnh đạo 'xả hàng'? tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân