Sau một thời gian tìm kiếm và chuẩn bị, tập đoàn Hòa Phát đã đặt bước chân chắc chắn đầu tiên vào thị trường có nguồn cung quặng sắt lớn nhất thế giới là Australia.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài Liên bang Australia (FIRB) đã chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần Dự án mỏ quặng sắt Roper Valley của công ty con tại Australia thuộc Tập đoàn Hòa Phát.
Mỏ quặng sắt Roper Valley mà Hòa Phát vừa mua tại Australia. |
Nguyên liệu cấu thành đến 30% giá thép là than luyện cốc hiện được Hòa Phát nhập khẩu từ Australia - thị trường cung cấp than luyện cốc lớn nhất thế giới.
Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại nước này, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm).
Tuy nhiên, điều khiến công chúng tò mò là giá trị giao dịch thì hiện vẫn là 1 ẩn số lớn. Mỏ Roper Valley liệu có đem lại cho Hòa Phát "núi tiền" trong tương lai?
Mỏ quặng sắt Roper Valley được biết đến với tên gọi Roper River của Công ty Al Rawda Resources của UAE.
Mỏ Roper Valley nằm ở phía Bắc Australia,có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn. Nhiều nguồn tin cho hay, trước kia, các chủ sở hữu của mỏ Roper Valley đã phải vật lộn để duy trì sản xuất ở mức chi phí tương đối cao trong khi hoạt động ở mức thấp.
Nguyên nhân 1 phần do ảnh hưởng bởi thị trường đang biến động mạnh, trong khi đó, một số mỏ than cốc được rao bán với giá rẻ hơn do lệnh cấm nhập khẩu than Australia của Trung Quốc.
Năm 2016, công ty Al Rawda đã mua lại dự án Roper River từ các nhà quản lý từ thông qua công ty con tại Australia là Northern Territory Iron Ore.
Năm 2018, công ty này đã nộp đơn lên chính quyền để mở lại mỏ, song từ đó đến nay, mỏ này vẫn chưa được hoạt động trở lại.
Chủ sở hữu trước của mỏ này là Sherwin Iron - một trong những công ty khai thác các mỏ quặng sắt nhỏ đầu tiên tại Australia.
Roper River khi đi vào hoạt động được ước tính có trữ lượng 488 triệu tấn. Trong khi đó, Sherwin Iron dự báo mỏ có tiềm năng sản xuất được 81 triệu tấn quặng chứa trung bình 57% sắt.
Hiện chi phí sản xuất ở Australia đã thấp hơn nhiều so với năm 2014. Tuy nhiên, mức chi phí này đang bắt đầu tăng lên khi việc đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 khiến cho việc thu hút lao động có tay nghề cao trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, giá quặng sắt đang tiến sát mức cao kỷ lục khiến cho nhiều dự án đang nằm im lâu nay rục rịch sản xuất trở lại.
Hiện nay Hòa Phát đang vận hành 2 khu liên hợp sản xuất gang thép bằng lò cao ở Hải Dương và Dung Quất, tổng công suất khoảng 7,5 triệu tấn/năm. Theo các chuyên gia trong ngành, để sản xuất 1 tấn thép bằng lò cao sẽ cần dùng khoảng 1,6 tấn quặng sắt.
Ở diễn biến khác, vào ngày 11/6 tới đây, tập đoàn Hòa Phát chốt thời gian trả hơn 1.656 tỷ đồng cổ tức năm 2020.
Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% cho các cổ đông (1 cổ phiếu được nhận 500 đồng) đối với hơn 3,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35%, cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận 7 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu Hòa Phát sẽ phát hành để chia cổ tức là gần 1,16 tỷ đơn vị.
Sau khi hoàn tất phát hành, dự kiến vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng từ 33.132 tỷ đồng lên 44.729 tỷ đồng. Như vậy, tổng tỷ lệ phân phối lợi nhuận năm 2020 của Tập đoàn Hòa Phát là 40%.
Đầu phiên giao dịch ngày 3/6, thị giá cổ phiếu HPG hiện ở mức giá 54.400 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa trị trường ước tính khoảng 200.000 tỷ đồng.
Theo Người đưa tin