Theo số liệu công bố mới đây từ Tổng cục Thống kê, tháng 7/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước,… Tuy nhiên, tính chung 7 tháng, tình hình tương đối khả quan – được coi là nền tảng tốt, dù mục tiêu “tăng trưởng kỳ vọng” là thách thức.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, bên cạnh việc duy trì năng lực sản xuất, cần chú ý nhiều hơn đến lưu thông hàng hóa, không chỉ là lưu thông đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân hàng ngày mà lưu thông từ nơi sản xuất đến thị trường toàn cầu, bởi một lẽ GDP của Việt Nam bản chất vẫn phụ thuộc phần lớn vào xuất nhập khẩu.
Bên cạnh việc duy trì năng lực sản xuất, cần chú ý nhiều hơn đến lưu thông hàng hóa. Ảnh minh họa. |
Nếu không duy trì được lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến tăng trường kinh tế những tháng cuối năm, thậm chí là một vài năm sau. Điều này không hề khó hiểu, bởi việc duy trì được xuất khẩu chính là duy trì được niềm tin của khách hàng quốc tế - là duy trì đơn hàng cho các doanh nghiệp Việt đang sản xuất nhằm vào mục tiêu xuất khẩu.
Ông Hiếu cũng cho biết, “mục tiêu kép” là hợp lý, tuy nhiên, ở thời điểm này giữa chống dịch và phát triển kinh tế, việc chống dịch quan trọng hơn vì nếu chúng ta chống dịch không tốt, không thể nào nỗ lực phát triển kinh tế được. Và trong 3 lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, hiện cả 3 ngành đều bị ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng nhiều nhất là công nghiệp và dịch vụ.
“Chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt để giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của dịch bệnh. Những thủ tục hành chính còn nhiêu khê, ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa. Hàng hóa tiêu dùng không thiếu nhưng vì vấn đề lưu chuyển đang bị ách tắc, trở ngại không đến được tay người tiêu dùng. Do đó, làm sao vận chuyển được sớm hàng hóa tới tay người tiêu dùng là vấn đề cần thiết nhất và cần giảm thiểu một số giấy tờ, thủ tục, trừ chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm âm tính”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, không chỉ cần nỗ lực từ Chính phủ, từ lực lượng tuyến đầu, từ phía doanh nhân, doanh nghiệp, mà còn rất cần nỗ lực từ người dân-người lao động nói chung. Các chuyên gia khẳng định, những giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động yếu thế để người lao động vực dậy năng lực sản xuất, sáng tạo, an sinh cần tiếp tục được tăng cường. Nghị quyết 68, Quyết định số 23 càng kịp thời, hiệu quả và minh bạch, càng mang lại những động lực quan trọng cho hành trình tiến tới mục tiêu đề ra.
Theo VietQ