Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Công ty CP Dược liệu T.Ư 2: Nợ lớn, vi phạm nhiều vẫn liên tiếp trúng thầu

KHĐS 06:38 21/08/2020

Hàng loạt sản phẩm của Công ty CP Dược liệu T.Ư 2 (Phytopharma) bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thu hồi, đình chỉ lưu hành.

Năm 2019, nhiều đơn vị có công văn gửi Cục Quản lý Dược về vi phạm hợp đồng thầu cung ứng thuốc của Phytopharma. Mới đây, ghế nóng CEO Phytopharma cũng đổi chủ…
Nhiều sản phẩm bị thu hồi, đình chỉ lưu hành

Nhưng trong nhiều năm liên tiếp, một số loại thuốc của Phytopharma đã bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đình chỉ lưu hành và thu hồi, do không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

Điển hình, đầu năm 2019, căn cứ công văn của Văn phòng đại diện Les Laboratories Servier về việc đề nghị thu hồi thuốc Pneumorel do có nguy cơ gây rối loạn nhịp tim, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành toàn quốc tất cả các lô thuốc Pneumorel (Fenspiride hydrochloride 80mg) do Công ty Les Laboratories sản xuất, Phytopharrma nhập khẩu.

Kho GSP của Phytopharma. (Ảnh: Phytopharma.vn)

Tiếp đó, ngày 29/8/2019, Cục Quản lý Dược ban hành công văn số 14936/QLD-CL, nội dung bị đình chỉ và thu hồi thuốc viên nén SEBEMIN (Betamethason 0,25mg và d-Chlorpheniramin maleat 2mg), SĐK: VN-14320-11, số lô: SDM1711, ngày SX: 24/10/2017, HD: 23/10/2020 do Công ty Crown Pharm.Co Ltd (Korea) sản xuất, Phytopharma nhập khẩu. Lý do, thuốc này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Hàm lượng Betamethasone (chất làm giảm phản ứng phòng vệ tự nhiên của cơ thể và các triệu chứng như sưng tấy và dị ứng) và vi phạm chất lượng mức độ 2.

Tới ngày 18/10/2019, Cục Quản lý Dược phát công văn số 18023/QLD-CL, thông báo tạm dừng nhập khẩu, phân phối, sử dụng mặt hàng thuốc viên nén LIVz Tablets (Levocetirizine dihydrochloride 5mg) SĐK: VN-18014-14, số lô: YTHB1801, NSX: 06/03/2018, HD: 05/03/2020 do Công ty Maxtar Bio-Genics - India sản xuất, Phytopharma phân phối tại Việt Nam.

Trước đó, Phytopharma đã nhiều lần bị Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi, ngừng sản xuất lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Năm 2015, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn bộ lô thuốc viên nén Youngil Captopril (Captopril 25mg), SĐK: VN8978-09, số lô: 1405, NSX: 16/4/2014, HD 15/4/2017 do Công ty Youngil-il Pharm, Korea sản xuất, Phytopharma nhập khẩu, do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng.

Năm 2014, Phytopharma cũng từng bị “tuýt còi” vì không kê khai giá thuốc Oflacin Eye Drops SĐK VN-5540-10, thuốc Flotaxime SĐK VN-10484-10. Trong năm 2014, công ty này cũng bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng và buộc phải tái xuất hoặc hủy toàn bộ lô thuốc Paracetamol infusion, SĐK VN-14902-12, số lô 14830318, HD 19/8/2015 do Công ty Marck Biosciences sản xuất kém chất lượng. Và lô thuốc tiêm Union Dexamethason, SĐK VN-15114-12, số lô 3003, HD 12/9/2016 do Công ty Union Korea Pharm Co.Ltd., Korea sản xuất, do không đạt yêu cầu chất lượng mức độ 3.

Đối tác phản ứng

Mới đây, ngày 14/7/2020 Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa công bố danh sách vi phạm thực hiện hợp đồng của nhà thầu trong quá trình cung ứng thuốc, trong đó có Phytopharma.

Cụ thể, theo báo cáo số 07/BC-SYT ngày 13/01/2020 của Sở Y tế Hà Giang, Phytopharma đã vi phạm khi “Cung cấp gián đoạn hoặc không cung cấp đủ số lượng theo hợp đồng với các bệnh viện” đối với các loại thuốc (tên mặt hàng): 5-Fluorouracil “Ebewe”, DBL Cisplatin Injection 50mg/50ml, Flixonase, Human Albumin Baxter 200g/l.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Giang còn cho biết, Phytopharma chỉ giao hàng cố định 1 lần/tuần không đáp ứng được yêu cầu dự trù đột xuất phục vụ công tác cấp cứu chậm nhất trong vòng 48 giờ.

Danh sách vi phạm hợp đồng cung ứng thuốc của Phytopharma vừa được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) công bố.

Ngày 09/1/2020, Sở Y tế An Giang có Báo cáo số 80/BC-SYT gửi Bộ Y tế, liệt kê một loạt vi phạm của Phytopharma. Như mặt hàng Marcaine Spinal Heavy không giao hàng từ tháng 5 đến tháng 12/2019; Fresofol 1% MCT/LCT, 4.2% w/v Sodium Bicarbonate, DBL Octreodtide 0.1mg/ml không giao hàng tháng 12/2019, Azopt không giao hàng đến tháng 12/2019. Một loạt thuốc như Medrol (không giao từ tháng 7), Ciprobay 500 (không giao từ tháng 8/2019), Adalat LA 30mg (không giao từ tháng 5/2019), Onglyza và Seretide Evohaler DC 25/125mcg (không giao hàng từ tháng 8/2019)... đến thời điểm báo cáo.

Ngày 13/1/2020, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ cũng có báo cáo số 46/BC-BVTWCT gửi Bộ Y tế, nội dung cho biết Phytopharma đã vi phạm khi “không giao hàng từ khi ký hợp đồng đến nay” đối với mặt hàng Xylocaine Jelly trong gói thầu “cung ứng thuốc năm 2018 - 2019”.

Ngày 14/1/2020, Sở Y tế Đăk Nông cũng có Báo cáo số 13/BC-SYT gửi Bộ Y tế với nội dung, Phytopharma đã vi phạm hợp đồng khi không có hàng cung ứng đối với loại thuốc Kaleorid.

Ngày 16/01/2020, Sở Y tế Đăk Lăk có Báo cáo số 15/BC-SYT gửi Bộ Y tế phản ánh, Phytopharma không cung cấp thuốc Forane (thuốc xịt gây mê) theo thỏa thuận hợp đồng đã ký khi đấu thầu. Theo Bộ Y tế, trước vi phạm của Phytopharma, Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột đã xử lý yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại và chấm dứt phần hợp đồng không thực hiện.

Không thực hiện hợp đồng

Phytopharma hiện do ông Nguyễn Công Chiến làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Quyền Tổng Giám đốc. Trước đó, ngày 05/8/2020, ông Nguyễn Công Chiến rời vị trí CEO Phytopharma, để chuyển giao lại cho ông Nguyễn Thanh Long.

Cổ đông lớn nhất của Phytopharma là Công ty TNHH Phytopharco (sở hữu 62,53%), Tổng Công ty Dược Việt Nam (sở hữu 9,9%), cá nhân ông Nguyễn Công Chiến (sở hữu 5,19%). Tuy nhiên, cá nhân ông Chiến lại đang sở hữu tới 99% vốn điều lệ của Công ty TNHH Phytopharma (219 tỷ đồng). Như vậy, có thể nói, ông Chiến hiện đang sở hữu gần 68% cổ phần tại Phytopharma.

Quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm CEO Phytopharma.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2020, vốn chủ sở hữu của Phytopharma hiện là 439 tỷ đồng (trong đó vốn góp của chủ sở hữu 254 tỷ đồng). Tổng tài sản của công ty là 4.638 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 4.198 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 4.194 tỷ đồng. Tức là, nợ phải trả của Phytopharma đang gấp 16 lần vốn góp của chủ sở hữu. Phytopharma hiện giữ của “người bán” khoảng 4.000 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tại doanh nghiệp này hiện lên đến 3.665 tỷ đồng.

Được biết, trong 2 ngày 17 và 18/08/2020, Phytopharma liên tiếp trúng 3 gói thầu. Gồm thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị thuộc dự án Mua sắm thuốc bổ sung trong năm 2019 của bệnh viện Mắt với giá trúng thầu 590.252.000đ. Thứ hai là gói thầu mua văcxin phòng bệnh bạch hầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre với giá trúng thầu 598.000.000đ.
Ba là gói thầu mua thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị năm 2020 thuộc danh mục thuốc cấp cơ sở với giá trúng thầu là 429.352.890đ, bên mời thầu là Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ.
Trong đó có 2 gói thầu được chỉ định thầu rút gọn và 1 gói lựa chọn nhà thầu bằng hình thức mua sắm trực tiếp.

Link gốc : https://khoahocdoisong.vn/cong-ty-cp-duoc-lieu-t-u-2-no-lon-vi-pham-nhieu-van-lien-tiep-trung-thau-148328.html

Bạn đang đọc bài viết Công ty CP Dược liệu T.Ư 2: Nợ lớn, vi phạm nhiều vẫn liên tiếp trúng thầu tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Vietnam Airlines, hội đồng quản trị doanh nghiệp đã bầu ông Đặng Ngọc Hoà, Phó tổng giám đốc của hãng, giữ chức chủ tịch từ ngày 10/8.