Hàng loạt các gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh, đường tuần tra biên giới, đường thủy nội địa và hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt, các điểm đón trả khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (năm 2020 - 2022) được Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa phê duyệt với mức “siêu tiết kiệm” cho ngân sách Nhà nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, từ cuối tháng 11/2019 đến đầu tháng 12/2019, Ban Quản lý dự án giao thông III Thanh Hóa (đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa) thông báo mời thầu 17 gói thầu bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh, đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các tuyến đường thủy nội địa và hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt, các điểm đón trả khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các năm 2020 - 2022.
Sau khi có thông báo mời thầu, các đơn vị nhà thầu đã tham gia dự thầu 17 gói thầu trên. Không có gì đáng nói, nếu hàng loạt gói thầu có giá trị nhiều tỷ đồng sau khi tổ chức đấu thầu, lựa chọn ra được những nhà thầu đủ năng lực và đạt tỷ lệ tiết kiệm lớn cho ngân sách Nhà nước.
Thay vì điều đó, ngày 26/12/2019, ông Nguyễn Tiến Hiệu - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đã ký hàng loạt quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với giá “sát nút”, cùng với đó là sự góp mặt các nhà thầu quen thuộc như: Công ty cổ phần quản lý đường bộ II Thanh Hóa; Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ I Thanh Hóa; Công ty cổ phần xây dựng giao thông I.
Gói thầu số 02: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh ĐT.530, ĐT.530B, ĐT.516B đoạn Km45+00 - Km59+00 (các năm 2020 - 2022) giá thầu 12.524.597.000, giá trúng thầu của Công ty cổ phần quản lý đường bộ II Thanh Hóa là 12.522.534.000 tiết kiệm hơn 2 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, cũng còn hàng loạt các gói thầu trong số 17 gói thầu cũng được ông Hiệu phê duyệt kết quả trúng với giá “siêu tiết kiệm” cho ngân sách.Điển hình như gói thầu số 01: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh ĐT.521, ĐT.521D, ĐT.521E và đường Na Tao, Pù Nhi đi bản Chai, Mường Chanh, huyện Mường Lát (các năm 2020 - 2022) giá gói thầu chủ đầu tư đưa ra 13.246.364.000, giá trúng thầu của Công ty cổ phần quản lý đường bộ II Thanh Hóa là 13.244.425.297 tiết kiệm được hơn 1,9 triệu đồng.
Để làm rõ một số “uẩn khúc” vì sao nhiều gói thầu có giá trị cao nhưng mức tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước “nhỏ”, cũng như một số câu hỏi mà dư luận đang băn khoăn, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ với ông Nguyễn Tiến Hiệu - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, được ông Hiệu giới thiệu sang gặp ông Phạm Văn Chung - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính.
Trao đổi với ông Phạm Văn Chung - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính cho hay: Tất cả các gói thầu trên đều được đấu thầu qua mạng, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, khi được hỏi tổng giá trị của 17 gói thầu trên có giá bao nhiêu, sau khi tổ chức đấu thầu đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước là bao nhiêu? Ông Chung đề nghị phóng viên ghi lại địa chỉ có gì sẽ thông tin sau.
Nhiều ngày trôi qua phóng viên vẫn không nhận được sự hồi âm từ phía ông Chung, tiếp tục liên hệ lại thì nhận được câu trả lời của ông Chung “chưa tổng hợp được...”.
Theo số liệu của phóng viên có được, giá trị của 17 gói thầu trên có tổng mức là hơn 200 tỷ đồng, nguồn vốn từ quỹ bảo trì đường bộ tỉnh.