Theo báo cáo "Định vị DNNN trong công nghiệp 4.0" của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong 20 ngành hàng, lĩnh vực, DNNN chỉ vượt trội hơn khu vực tư nhân ở 3 ngành là tài chính và ngân hàng; sản xuất phân phối điện-khí-ga và giải trí.
Ngoại trừ một số DNNN quy mô lớn và ngân hàng quốc doanh quy mô lớn hiện đã đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của CMCN 4.0, nhìn chung các DNNN đều chỉ mới ở ngưỡng bắt đầu của hành trình số hóa.
Không thể phủ nhận rằng các DNNN đang thua kém hơn so với khu vực tư nhân ở mức độ ứng dụng số hóa. Vì sao lại như vậy?
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực được coi là nguồn lực “nội sinh” chi phối quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (DN) nói riêng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của khu vực DNNN còn nhiều hạn chế. Có thể khái quát một số hạn chế chủ yếu như:
Đội ngũ nhân lực chất lượng cao, công nhân lành nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu xã hội để phát triển các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, nhất là để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như nâng cấp vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị đó. Chất lượng đào tạo, cơ cấu theo ngành nghề, lĩnh vực của nguồn nhân lực khu vực DNNN chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội; Năng suất lao động thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nhóm có trình độ chuyên môn cao có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp; Khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ là công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn nhân lực còn hạn chế. Trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài, ngoại ngữ, hiểu biết văn hoá thế giới luôn là điểm yếu của lao động Việt Nam.
Nguồn lực tài chính cho phát triển nhân lực còn hạn chế; chưa huy động được nhiều các nguồn lực trong xã hội để phát triển nhân lực.
Nguồn lực tài chính cho phát triển nhân lực còn hạn chế; chưa huy động được nhiều các nguồn lực trong xã hội để phát triển nhân lực. |
Trong khi đó, việc ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 không còn là xu hướng mà đã được các doanh nghiệp khối tư nhân hiện thực hóa với công nghệ quản trị điện tử, áp dung trí tuệ nhân tạo, tự động hóa sản xuất…
Phần lớn tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực của Việt Nam hiện nay hầu như đều dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, than đá, khoáng sản, rừng..., tập trung nhiều sức lao động chất lượng trung bình hoặc thấp là yếu tố tăng trưởng có giới hạn…
Ngoài ra, CMCN 4.0 cũng yêu cầu các DN cần phải có mô hình quản trị hiện đại, có tính chủ động, linh hoạt cao, đặc biệt trong thời đại CMCN 4.0 với sự ứng dụng phổ biến của công nghệ thông tin trong nhiều khâu của quá trình kinh doanh, bao gồm cả việc ra quyết định (họp trực tuyến, quản lý theo thời gian thực,…).
Tuy nhiên, việc quản trị tại DNNN Việt Nam chưa thực sự áp dụng các quy tắc quản trị hiện đại, việc ra quyết định vẫn thông qua nhiều tầng nấc đã dẫn đến nhiều hạn chế. Do đó, các DNNN đứng trước thách thức cần nhanh chóng thay đổi mô hình vận hành, quản trị để tăng tính chủ động, tích cực.
Để DNNN không còn chậm chân trong cuộc đua này, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần triển khai một cách cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, cần có cơ chế cho DNNN thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tồn tại nhiều bất cập về cơ chế, chính sách
Báo cáo chỉ ra chủ yếu là do những bất cập về cơ chế, chính sách. Theo đó, DNNN không thể, hoặc không dám đầu tư vào CMCN 4.0 bởi nguồn vốn đầu tư quá lớn nhưng lợi ích mang lại có thể thành công hoặc không thành công và cho dù thành công cũng có thể trong một giai đoạn rất dài, và điều này rất rủi ro với doanh nghiệp.
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng bày tỏ, cơ chế cho phép DNNN trích 3-10% của thu nhập tính thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ nhưng việc triển khai lại rất khó, thậm chí không thể áp dụng được.
Hơn nữa, vì là cơ chế sở hữu nhà nước nên khi đầu tư vào các dự án công nghệ, người phê duyệt dự án sẽ gặp rủi ro cao nếu dự án không có lãi, trong khi chưa có chính sách nào được đưa ra để khắc phục 100%.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, bản chất của cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng thể chế. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số tạo ra mô hình mới, lực lượng lao động mới, nhanh chóng, bùng nổ… khiến khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp, mà nếu duy trì sẽ kìm hãm phát triển.
Mai Hương(T/H)/Theo VietQ