Đấu thầu là một hình thức giúp các chủ đầu tư tìm được các nhà thầu đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu và cũng là một hình thức để tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, theo tài liệu mà phóng viên có được, tại Công ty điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa) cuối năm 2019 đến nay, nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm qua đấu thầu “nhỏ” kỷ lục khiến dư luận hoài nghi.
Ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc PC Thanh Hóa cho ông Hoàng Thanh Sơn. Ông Sơn trước đây là Phó trưởng ban kế hoạch, trợ lý chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNNPC |
Ngày 27/4/2020, ông Lê Thanh Bình, Phó giám đốc PC Thanh Hóa ký thay giám đốc văn bản số 1286 phê duyệt kết quả Về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Xây lắp dự án: SCL Đường dây 110kV Ba Chè - Nghi Sơn (171,174 E9.2-174,173 E9.10). Theo đó, Công ty CP tư vấn và xây dựng Trường Thi trúng gói thầu này với giá 1.380.006.515 đồng. Trong khi đó, giá gói thầu này là 1.380.293.752 đồng. Qua đấu thầu, gói thầu này chỉ tiết kiệm được hơn 280.000 đồng tương đương với 0,02%.
Tương tự, cuối năm 2019, Công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Lam Sơn đã trúng gói thầu: Xây lắp - dự án: Giảm tổn thất các TBA > 10% ĐL Bá Thước – tỉnh Thanh Hóa do PC Thanh Hóa làm chủ đầu tư với giá 1.485.282.761 đồng. Trong khi đó, gói thầu này có giá 1.485.936.724 đồng. Như vậy, qua đấu thầu, PC Thanh Hóa chỉ tiết kiệm được hơn 600.000 đồng tương đương với 0,04%.
Ngày 22/1/2020, ông Hoàng Thanh Sơn, Giám đốc PC Thanh Hóa đã ký quyết định số 258/QĐ-PCTH về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói mua sắm thiết bị phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện tỉnh Thanh Hóa. Giá cói thầu này 5.369.000.000 đồng. Công ty TNHH thiết bị đo lường và kiểm nghiệm đã trúng thầu với giá : 5.356.890.000 đồng tỉ lệ tiết kiệm khá khiêm tốn, chỉ 0,22%.
Tại gói thầu Xây lắp dự án: SCL Đường dây 110kV Ba Chè - Nghi Sơn (đoạn do chi nhánh Nam Thanh - Bắc Nghệ quản lý) cũng do PC Thanh Hóa làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần phát triển hệ thống công nghiệp Thăng Long đã trúng gói thầu này với giá 3.816.064.300 đồng. Trong khi đó, gói thầu này có giá 3.823.892.909 đồng (tỉ lệ tiết kiệm chỉ đạt 0,29%).
Theo các chuyên gia đấu thầu, cần lưu ý đến các gói thầu đấu thầu rông rãi nhưng chỉ tiết kiệm được 1%. Còn đố với những gói thầu chỉ tiết kiệm được 0,02% hoặc 0,04% thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét.
Công ty điện lực Thanh Hóa do ông Hoàng Thanh Sơn làm giám đốc. Trước đây, ông Sơn từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam, Phó trưởng ban kế hoạch, trợ lý chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNNPC. Ngày 1/7/2019, ông Hoàng Thanh Sơn được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Công ty điện lực Thanh Hóa. Đến ngày 30/9/2019, tại Thanh Hóa, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã công bố Quyết định và bổ nhiệm Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa đối với ông Hoàng Thanh Sơn. Như vậy, chỉ sau 2 tháng, ông Sơn từ Phó trưởng ban kế hoạch, trợ lý của Chủ tịch kiêm giám đốc EVNNPC đã liên tiếp giữ chức vụ Phó giám đốc rồi Giám đốc PC Thanh Hóa.
Về nghi vấn khuất tất tại Công ty điện lực Thanh Hóa, Tổng công ty điện lực Miền Bắc sẽ nói gì, Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin ở những bài sau.
Bài 2: Có hay không doanh nghiệp “thân quen” tại Điện lực Thanh Hóa?
Điện lực Thanh Hóa từng bị doanh nghiệp tố “chống lệnh chính phủ” Theo phản ánh của doanh nghiệp, với lý do chậm trả 20,4 tỷ đồng tiền điện, ngày 28/3, PC Thanh Hóa đã cắt điện đối với Công ty Xi măng Công Thanh khiến hoạt động kinh doanh sản xuất bị ngưng trệ, doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. Cụ thể, Công Thanh còn nợ Điện lực tỉnh Thanh Hóa 3 kỳ gồm: Kỳ 3 của tháng 2/2020 là 9,8 tỷ đồng; kỳ 1 của tháng 3/2020 là 7,3 tỷ đồng; kỳ 2 của tháng 3/2020 là 3.3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Công Thanh khu vực phía Bắc chia sẻ, ngày 27/3, chúng tôi có họp với UBND tỉnh Thanh Hoá, Tổng công ty điện lực Miền Bắc và các đơn vị có liên quan để xin giãn thời gian nộp tiền điện cho Công Thanh vì những khó khăn khách quan khi đại dịch Covid -19 hoành hành. "Số tiền chúng tôi nợ chỉ từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2020, trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đặc biệt, Doanh nghiệp sản xuất xi măng chịu ảnh hưởng rất lớn do đối tác chủ yếu là bên Trung Quốc, hàng hóa sản xuất ra không bán được. Vì thế, rất mong muốn các đơn vị hỗ trợ cho doanh nghiệp". "Với lý do bất khả kháng trên, Công Thanh chưa thanh toán đúng hạn tiền điện cho Điện lực Thanh Hoá theo khoản 2 điều 10 hợp đồng mua bán điện cho mục đích sản xuất xi măng số 18/000012 ngày 6/4/2018 được ký giữa Tổng công ty điện lực miền Bắc và Công ty CP xi măng Công Thanh có quy định về trường hợp bất khả kháng. Vì thế, Công ty đề nghị gia hạn thanh toán tiền điện sau 2 tháng kể từ khi hết dịch Covid19", ông Tài cho biết. Tuy nhiên, đề nghị này của Công Thanh không được chấp nhận, ngày 28/3, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đã cắt điện khiến một loạt các hoạt động sản xuất của đơn vị ảnh hưởng, thiệt hại tới hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. Sau đó, doanh nghiệp đã phải cầu cứu Tổng bí thư, Thủ tướng Chính phủ. |