Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán chao đảo vì hành vi tạo thanh khoản giả, “thổi giá” cổ phiếu FLC của nhóm chủ tịch Trịnh Văn Quyết để thu lợi bất chính. Ngày 29-3, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trịnh Văn Quyết để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã vào cuộc kịp thời
Sau khi hành vi bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu của chủ tịch FLC gây chấn động dư luận hồi tháng 1 năm 2022, ông Quyết vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi sai phạm khác đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Cụ thể, sau khi bị phát hiện, để đối phó với cơ quan chức năng, bị can Quyết đã giao cho người thân sử dụng các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu FLC với số lượng lớn để đẩy giá cổ phiếu, tạo thanh khoản giả. Giá cổ phiếu FLC đã được "thổi" từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên 14.500 đồng/cổ phiếu (ngày 22-3).
Công ty CP Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết được thành lập từ năm 2008 với ngành nghề kinh doanh là bất động sản, chứng khoán, du lịch, giáo dục, công nghệ pháp lý, hàng không…
Tập đoàn FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết do Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch HĐQT nắm giữ hơn 215 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 30% cổ phần. Bà Bùi Hải Huyền làm tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của tập đoàn.
Tổng số tiền bị can Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỉ đồng. Tuy nhiên ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn lại tiền.
Sau khi viện kiểm sát phê chuẩn lệnh khởi tố, trong tối 29-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện khám xét trụ sở Tập đoàn FLC và nhà riêng của ông Trịnh Văn Quyết. Tại trụ sở Công ty CP Tập đoàn FLC trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, tổ công tác của cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết.
Cùng với đó, cơ quan điều tra cũng thực hiện khám xét 21 địa điểm là chỗ ở, nơi làm việc của nhiều người liên quan đến hành vi thao túng chứng khoán của chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ hành vi đồng phạm, giúp sức của nhiều người khác trong vụ việc chủ tịch FLC thao túng giá chứng khoán.
Cơ quan điều tra Công an tiến hành khám xét nhà riêng ông Trịnh Văn Quyết |
Hành vi thao túng thị trường chứng khoán là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Và đối với hành vi này, cá nhân hay tập thể sẽ bị xử phạt thế nào?
Thao túng thị trường chứng khoán là gì?
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:
- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
- Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý ra sao?
Về hình sự
Cá nhân, pháp nhân thương mại nào có hành vi thao túng thị trường chứng khoán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thao túng thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự, cụ thể:
Cá nhân phạm tội
- Người nào thực hiện một trong các hành vi tại mục (1) thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội bị phạt như sau:
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Về hành chính
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 36 Nghị định 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP), cụ thể:
- Phạt tiền:
Phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân;
Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, thấp hơn 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân thì áp dụng mức phạt tiền là 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm;
+ Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Nhà đầu tư cần sự bình tĩnh, không nên hoảng loạn
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện cơ quan quản lý đang phối hợp với cơ quan điều tra của Bộ Công an để cung cấp thông tin theo yêu cầu. Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu phía các doanh nghiệp liên quan công bố thông tin bất thường để nhà đầu tư và cổ đông nắm bắt thông tin.
Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan tới sự vụ này. Theo đó, căn cứ vào thông tin và kết quả từ Cơ quan cảnh sát điều tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiến hành các công việc theo trình tự thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ.
“Theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo tính công bằng, minh bạch của thị trường chứng khoán”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.
Đồng thời ông Trần Văn Dũng cũng khuyến nghị, nhà đầu tư nên bình tĩnh và không nên hoảng loạn. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.
Hôm nay, Tổng cục Thông kê đã công bố chính thức, các số liệu về kinh tế vĩ mô vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chinh sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Về phía tập đoàn FLC, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn tích cực, bên cạnh đó là các yếu tố hỗ trợ khác như dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh ...
Phương Pylie (t/h)