Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có dấu hiệu vi phạm luật đấu thầu?

TDVN 13:54 09/04/2020

Hàng năm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành nhiều tỷ đồng thực hiện mua sắm hàng hoá phục vụ cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đang có nhiều vấn đề cần làm rõ...

Khó hiểu yêu cầu kỹ thuật?

Khoản 3 Điều 65 Luật Đấu thầu quy định, hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với hồ sơ yêu cầu (HSYC), Hồ sơ đề xuất (HSDX), quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, tại mục 3 chương II tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật tại mẫu HSYC ban hành kèm Thông tư 11/2015/TT-BKHDT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định, bên mời thầu căn cứ vào tính chất gói thầu phải cụ thể hoá các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật, trong đó bao gồm đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hoá, tiêu chuẩn sản xuất...

Quy định pháp luật đấu thầu rõ ràng như vậy thế nhưng hàng loạt chi nhánh trong hệ thống BIDV lại không tuân thủ pháp luật khi tổ chức lựa chọn nhà thầu mua sắm in ấn ấn phẩm xuân năm 2020.

Cụ thể: Gói thầu in ấn phẩm xuân 2020 của BIDV chi nhánh Bến Nghé; Gói thầu Mua sắm ấn phẩm chúc mừng Xuân năm 2020 của BIDV chi nhánh Nhà Bè; Gói thầu in ấn phẩm chúc mừng năm mới 2020 của BIDV chi nhánh Mỹ Đình.

Đơn cử như đối với Gói thầu in ấn phẩm xuân 2020 của BIDV chi nhánh Bến Nghé. Tại yêu cầu kỹ thuật của 2 chủng loại hàng hoá gồm lịch block siêu đại và lịch block 54 tuần mà chi nhánh tổ chức lựa chọn nhà thầu thấy có một số điểm khó hiểu.

Cụ thể, đối với hạng mục vật tư MDF phải yêu cầu xuất xứ ngoại nhập mà không cụ thể hoá nội hàm của yêu cầu này tại HSYC theo quy định pháp luật.

Kịch bản này cũng diễn ra tương tự đối với Gói thầu in ấn phẩm chúc mừng năm mới 2020 của BIDV chi nhánh Mỹ Đình cũng vừa được Chi nhánh này tổ chức đấu thầu. Yêu cầu kỹ thuật của 2 chủng loại hàng hoá gồm lịch block siêu đại và lịch block 54 Tuần đối với hạng mục MDF phải yêu cầu xuất xứ ngoại nhập.

Tương tự, đối với Gói thầu Mua sắm ấn phẩm chúc mừng Xuân năm 2020 của BIDV chi nhánh Nhà Bè. Yêu cầu kỹ thuật của 2 chủng loại hàng hoá gồm lịch Block siêu đại và lịch block 54 Tuần đối với hạng mục MDF phải yêu cầu xuất xứ ngoại nhập.

Điều trùng hợp, yêu cầu này cũng không được làm rõ ngay cả đối với hàng hoá được 03 chi nhánh này và nhiều chi nhánh khác trong hệ thống của BIDV phê duyệt trúng thầu dù vật tư hàng hoá chào thầu không rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định về pháp luật đấu thầu.

Dự luận đang đặt câu hỏi, với tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật không rõ ràng như vậy căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để đánh giá hồ sơ đề xuất của các nhà thầu tham gia đấu thầu?

Một điều trùng hợp nữa là 03 gói thầu trên đều Công ty Cổ phần Thương mại In Phương Nam trúng thầu lần lượt tại các Quyết định số 483/QĐ – BIDV.BNE; QĐ số 99B/ QĐ – BIDV.NB; QĐ số 2055/QĐ – BIDV.MĐ;

Vì sao chào vật tư MDF ngoại nhập?

Một trong những nội dung quan trọng tại Chỉ thị 13 /CT-TTg ngày 04/04/2017của Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động mua sắm thường xuyên của các doanh nghiệp sản xuất trong nước là việc ưu tiên sử dụng vật liệu, vật tư trong nước. Cụ thể, điểm 4 Chỉ thị 13 của Thủ tướng nêu rõ, đối với vật tư, hàng hoá trong nước đã sản xuất được, không được yêu cầu nhà thầu chào hàng hoá nhập khẩu trong hồ sơ yêu cầu. Đồng thời, nghiêm cấm việc nêu xuất xứ trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu có tính chất định hướng cho một số nhà thầu cung cấp.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam Online, vật liệu MDF đã được sản xuất rộng rãi trong nước. Vậy, không hiểu vì lý gì BIDV lại yêu cầu các nhà thầu tham gia phải cung cấp vật tư MDF nhập khẩu mà không cho phép nhà thầu chào vật tư MDF có xuất xứ trong nước?

Đơn cử như tại 03 gói thầu trên của 3 chi nhánh trong hệ thống BIDV đều yêu cầu nhà thầu phải chào vật tư MDF ngoại nhập trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu khi tham gia các gói thầu in ấn phẩm lịch.

Không công khai nhà thầu trượt?

Chưa dừng lại ở những bất thường nói trên, tại một số gói thầu khác do các chi nhánh và Ngân hàng BIDV làm chủ đầu tư, sau khi có Kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) chủ đầu tư đã không đăng tải công khai lý do các nhà thầu trượt.

Đáng lưu ý, các gói in ấn do Công ty cổ phần thương mại in Phương Nam trúng thầu cũng không nêu lý do nhà thầu trượt.

Cụ thể: Gói thầu in ấn phẩm chúc mừng năm mới 2019 – Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Ninh giá trúng thầu 370.062.000 VNĐ; Gói thầu: In ấn ấn phẩm chúc mừng năm mới 2019 của chi nhánh Tây Sài Gòn giá trúng thầu 384.989.000 VNĐ; Gói thầu: ấn phẩm chúc mừng năm mới 2019 – Chi nhánh Bình Tây Sài Gòn giá trúng thầu 334.042.000 VNĐ.

Bên cạnh đó, việc thiết kế mẫu ấn phẩm lịch cho hệ thống BIDV do công ty TNHH Tiếp thị thương hiệu Mark & B Việt Nam trúng thầu cũng không nêu lý do các nhà thầu khác bị trượt mặc dù gói thầu này áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh thông thường.

Tại gói thầu thiết kế mẫu ấn phẩm lịch cho hệ thống BIDV 2020, Công ty TNHH Tiếp thị thương hiệu Mark & B Việt Nam trúng thầu với giá trúng: 511.500.000 VNĐ.

Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu, KQLCNT là một trong những thông tin phải đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu; Đối với trường hợp tự đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, chủ đầu tư/bên mời thầu phải bảo đảm thời điểm tự đăng tải KQLCNT trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản phê duyệt KQLCNT được ban hành (theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015).

Nội dung thông báo KQLCNT được quy định tại Điều 20 Nghị định 63/2014/NĐ-CP bao gồm: tên nhà thầu trúng thầu, giá trúng thầu, loại hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng; danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu; kế hoạch hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn; các nội dung cần lưu ý (nếu có).

Ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, mục đích của việc đưa ra thời hạn đăng tải công khai KQLCNT là để thông báo cho các nhà thầu khác biết là họ trượt thầu, nếu có thắc mắc thì còn kịp thời có văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư (CĐT), bên mời thầu (BMT) trong vòng 10 ngày. CĐT/BMT phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu. Sau đó, CĐT/BMT mới được ký hợp đồng. Nếu đã thực hiện xong rồi mới đăng tải thông tin thì cố tình đưa các nhà thầu vào tình thế “việc đã rồi”, không đảm bảo công khai, minh bạch, không tạo điều kiện cho các nhà thầu khác, cơ quan khác có ý kiến. Đó là một hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.

Vậy lý do tại sao ngân hàng BIDV chỉ công bố kết quả nhà thầu trúng, không công khai nhà thầu trượt, lý do trượt thế nào đều không được rõ?

Đó là một câu hỏi lớn mà các nhà thầu trong nước đang đặt ra với mong muốn minh bạch trong công tác đấu thầu nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước, tránh lãng phí, thất thoát…?

Theo Đầu tư Việt Nam/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://dautuvietnam.com.vn/dau-tu/tai-chinh-ngan-hang/ngan-hang-tmcp-dau-tu-va-phat-trien-viet-nam-bidv-co-dau-hieu-vi-pham-luat-dau-thau-a6897.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có dấu hiệu vi phạm luật đấu thầu? tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật