Nên nhớ, kết quả có được từ nguồn vốn nội tại chỉ hơn 10 tỷ đồng.
Gói thầu giảm giá '0 đồng' tại Bệnh viện Việt Đức
Thời gian qua, dư luận xã hội xôn xao về việc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu "Thuốc biệt dược số 4: Cung cấp thuốc Prograf 1mg hoặc tương đương điều trị năm 2022".
Được biết, Prograf 1mg là loại thuốc có thành phần chính là Tacrolimus, có tác dụng ức chế Calcineurin, ức chế sự hình thành các tế bào lympho gây độc tế bào và ngăn chặn sự hoạt hóa của tế bào T, sự hoạt hóa tế bào B và các tế bào lympho khác.
Vì thế, thuốc Prograf 1mg được chỉ định cho các trường hợp ngăn ngừa thải ghép ở những người ghép thận, gan hoặc tim. Thuốc Prograf 1mg do Ireland sản xuất.
Gói thầu "Thuốc biệt dược số 4: Cung cấp thuốc Prograf 1mg hoặc tương đương điều trị năm 2022" do Bệnh viện Việt Đức là chủ đầu tư và trực tiếp mời thầu, theo hình thức hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện trong 6 tháng.
Đáng nói, theo Quyết định số 1241/QĐ-VĐ do Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức Đinh Hồng thái (ký thay Giám đốc) ký ban hành, thì Công ty TNHH MTV Dược liệu Tw2 (viết tắt là Dược liệu Tw2) đã được chọn là nhà thầu thực hiện với giá trúng thầu 41.738.400.000 đồng, bằng với giá gói thầu, cũng như giá dự toán mà Bệnh viện Việt Đức đưa ra.
Đi sâu vào chi tiết, theo bản hợp đồng mua bán trên, Dược liệu Tw2 sẽ cung cấp cho Bệnh viện Việt Đức 800.000 viên thuốc Prograf 1mg với giá 51.173 đồng/viên. Mặc dù gói thầu giảm giá "0 đồng", song từ thống kê trên một số trang web cung cấp mặt hàng tương tự, thì mức giá trúng thầu của Dược liệu Tw2 có dấu hiệu cao hơn đáng kể mặt bằng chung.
Điển hình như trang https://centralpharmacy.vn của Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư An Huy đang chào bán 1 hộp thuốc Prograf 1mg 50 viên nén với giá 950.000 đồng, tương ứng 19.000 đồng/viên. Thậm chí nếu đặt mua số lượng lớn, nhà thuốc này sẵn sàng chiết khấu thêm cho khách hàng từ 4-5% tổng giá trị. Một số trang web bán hàng khác cũng thể hiện mức giá trên 1 triệu đồng cho hộp 50 viên, tức khoảng trên dưới 25.000 đồng/viên. Như vậy, dễ dàng nhận thấy giá trúng thầu của Dược liệu Tw2 tại Bệnh viện Việt Đức là quá cao so với mức giá trung bình của thị trường.
Điều này dấy lên quan điểm cho rằng có sự "ưu ái" nào từ phía Bệnh viện Việt Đức dành cho Dược liệu Tw2 hay không? Hơn nữa, việc giao một gói thầu với tỷ lệ giảm giá 0%, tức không giảm 1 đồng nào cho nguồn vốn, Bệnh viện Việt Đức đã hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong nhiệm vụ tiết kiệm ngân sách nhà nước hay chưa? Trước những nghi ngờ của dư luận, có lẽ các cơ quan thanh tra của Bộ Y tế cần vào cuộc, kiểm tra toàn diện để trả lời bạn đọc trong và ngoài nước.
Cũng cần lưu ý rằng, Dược liệu Tw2 là một trong số nhà thầu "thân thiết" nhất với Bệnh viện Việt Đức. Thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, từ năm 2020 đến nay, Dược liệu Tw2 đã tham gia và trúng toàn bộ 19 gói thầu do Bệnh viện Việt Đức tổ chức mời thầu với tổng giá trị trên 440 tỷ đồng. Trong đó, tiêu biểu là gói thầu "Thuốc Biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị" thuộc dự án "Dự toán mua sắm cung cấp thuốc năm 2019" có giá 165.481.259.300 đồng.
Đã vậy, cũng không ít lần Dược liệu Tw2 giành chiến thắng ngoạn mục ở những gói thầu "0 đồng" tại Bệnh viện Việt Đức. Ví dụ như gói thầu số 2 "Mua sắm trực tiếp thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị năm 2021" (giá trúng thầu 6.220.185.580 đồng); gói thầu số 6 "Thuốc Generic năm 2022 - cung cấp thuốc Gadobutrol" (có giá 4.368.000.000 đồng); gói thầu thuốc biệt dược số 3 "Cung cấp thuốc Advagraf 5mg hoặc tương đương điều trị năm 2022" (1.690.500.000 đồng).
Phát lộ 'chiếc máy làm tiền' của Phytopharma
Công ty TNHH MTV Dược liệu Tw2 có mã số thuế 0103053042, địa chỉ ở phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Doanh nghiệp được thành lập ngày 3/12/2008, là công ty con của Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 - Phytopharma. Người đại diện pháp luật là ông Trần Thọ Thành, thành viên HĐQT Phytopharma.
Tiền thân của Phytopharma là Công ty thuốc dân tộc Trung ương, tập hợp từ một số cơ sở thuốc Nam, thuốc Bắc sau năm 1975. Phytopharma sau đó đổi tên thành Công ty Dược liệu cấp I TP.HCM, rồi thành Công ty Dược liệu Trung ương 2.
Năm 2002, Phytopharma tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 14 tỷ đồng, và đặt trụ sở chính ở số 24 Nguyễn Thị Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Giai đoạn 2008-2018, Phytopharma thực hiện 5 lần tăng vốn, nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 254,61 tỷ đồng và duy trì đến thời điểm hiện tại.
Tính đến hết năm 2021, Phytopharma có 5 cổ đông lớn là Công ty TNHH Phytopharco Việt Nam (sở hữu 42,53% vốn điều lệ), ông Nguyễn Công Chiến - chủ tịch HĐQT (5,18%), ông Nguyễn Thiện Đức - phó tổng giám đốc (13,49%), bà Võ Thị Tuấn Anh - phó tổng giám đốc (10%), Tổng công ty Dược Việt Nam (9,89%). Còn lại 18,88% vốn điều lệ được các cổ đông khác nắm giữ.
Được biết khi đó, không chỉ giữ cương vị cao nhất tại Phytopharma, ông Nguyễn Công Chiến (1967) cũng đảm nhiệm vai trò chủ tịch HĐTV tại Công ty TNHH Phytopharco Việt Nam và sở hữu lượng cổ phần chi phối (99% vốn điều lệ, tương ứng 219 tỷ đồng). Ngoài Dược liệu Tw2, 3 công ty con khác của Phytopharma là: Công ty TNHH Dược liệu Tw 2 Phytopharma Sài Gòn, Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung và Công ty TNHH Phyto Land.
Tuy chỉ có vốn điều lệ khiêm tốn 10,5 tỷ đồng, nhưng Dược liệu Tw2 thực sự là "chiếc máy làm tiền" cho Phytopharma, khi mang về doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, doanh thu thuần lần lượt đạt 2.926 tỷ đồng, 3.426 tỷ đồng, 3.524 tỷ đồng, 3.804 tỷ đồng và 4.182 tỷ đồng.
Xét trong năm 2020, Dược liệu Tw2 đã đóng góp 27,5% tổng doanh thu thuần hợp nhất, và bằng 36% doanh thu thuần của công ty mẹ, dù quy mô vốn thấp hơn hàng chục lần. Đem lại nguồn thu lớn cho Dược liệu Tw2 là những gói thầu cung cấp thuốc giàu giá trị của Bệnh viện Việt Đức như vừa đề cập, hay tại Bệnh viện K cũng có nhiều nét tương đồng...
Tuy nhiên, Dược liệu Tw2 ghi nhận chi phí giá vốn hàng năm rất cao, chẳng hạn năm 2016-2017 lên đến 99,7%, khiến lợi nhuận sau thuế cuối cùng không còn lại là bao, lần lượt vẻn vẹn 1,9 tỷ đồng (2016), 3 tỷ đồng (2017), 3,1 tỷ đồng (2018), 2,3 tỷ đồng (2019) và 2 tỷ đồng (2020). Mức lợi nhuận báo cáo này mang đậm tính "tượng trưng", chỉ vừa đủ để doanh nghiệp tránh khỏi thua lỗ.
Phần lớn tài sản của doanh nghiệp đến từ nợ phải trả với 1.155 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng tài sản thời điểm 31/12/2020. Đồng nghĩa với đó là hệ số nợ ròng trên vốn là hơn 62 lần, cho thấy rủi ro thanh toán là rất lớn, đặc biệt đối với các nhà cung cấp của Dược liệu Tw2.