CTCP Tập đoàn Apec Group vừa phát hành thành công hơn 43,6 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 9/12/2026.
Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, bổ sung nguồn vốn cho công ty để đấu giá, mở rộng quỹ đất trên thị trường. Song song đó nhằm đầu tư phát triển các dự án bất động sản tiềm năng, tăng cơ hội đầu tư và M&A với các công ty tiềm năng, có quỹ đất tốt.
Kết quả, số trái phiếu trên được mua bởi một tổ chức trong nước (mua 16,9 tỷ trái phiếu) và 4 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp (mua 26,7 tỷ đồng trái phiếu). Bên đứng ra sắp xếp thương vụ tiếp tục là CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS).
Trước đó, Apec Group đã huy động thành công gần 500 tỷ đồng từ ngày 18/1 đến 6/8/2021 ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Do đó, hôm 6/12, UBCKNN đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Apec Group với số tiền 600 triệu đồng.
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Apec Group là buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) trong 11 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành với 187.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng giá trị phát hành.
Theo Bộ Tài chính, trong số 300 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, 207 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.
Mặc dù, tỉ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các chuyên gia tư vấn, các thành viên thị trường và lấy ý kiến rộng rãi công chúng trên website Chính phủ và website Bộ Tài chính từ ngày 09/12/2021 để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ.