Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Câu chuyện về giá thép tăng đột biến: Doanh nghiệp cần có hạch toán tài chính dự trù

người đưa tin 14:15 31/05/2021

Theo các chuyên gia, chính các nhà thầu xây dựng, đơn bị bán buôn VLXD phải có hiểu biết về giá cả thế giới, có tầm nhìn xa hơn để chủ động ứng biến với thị trường.

Giá thép tăng chóng mặt vài tháng trở lại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo số liệu của tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất của nhóm sản phẩm kim loại bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 7,7%. Trong đó, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 23%.

“Các nhà thầu, doanh nghiệp ngành xây dựng, người dân đang xây nhà cũng phải đối mặt với giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, chưa có dấu hiệu giảm”, tổng cục Thống kê nhận định.

Theo lý giải của bộ Công Thương, nguyên nhân giá thép tăng mạnh trong thời gian qua là giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới cùng với việc ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Lượng phôi thép sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị phần, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phôi để điều chỉnh tăng giá, điều này khiến các nước nhập khẩu trong đó có Việt Nam bị động về nguyên liệu.

Đà tăng giá thép không chỉ đến từ giá nguyên vật liệu tăng cao mà còn đến từ việc thiếu nguồn cung, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, tình hình thương mại căng thẳng giữa các nước trên thế giới, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại cũng là những nguyên nhân tác động đến giá thép.

Giá thép trong nước tăng mạnh do giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc.

Nguy cơ lạm phát tăng cao

Từ những nguyên nhân nêu trên, phía bộ Công Thương đã khẳng định không có chuyện “bắt tay” nâng giá giữa các doanh nghiệp ngành thép trong nước. Phía bộ này cũng cho hay đang phối hợp để có những điều chỉnh giá thép trong thời gian tới.

Giới chuyên gia lại nhìn nhận, việc giá thép tăng kéo dài trong thời gian tới thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của cả đất nước. Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính) - đánh giá: Mặt hàng sắt thép chiếm khoảng 20% tỷ trọng xây dựng, việc tăng giá thép lên đến 50 - 60% khiến cả thị trường vật liệu xây dựng nói chung và ngành xây dựng nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, xây dựng là ngành kinh tế có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, luôn đóng góp trên 5% vào GDP mỗi năm. Việc giá thép tăng mạnh và bất thường khiến hoạt động xây dựng bị trì trệ, doanh nghiệp bị lỗ nặng. Nếu việc tăng giá thép kéo dài, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng sẽ ảnh hưởng, kéo theo đó là việc đóng góp vào GDP nhóm ngành này sẽ giảm theo.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, thị trường cung - cầu giá thép trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Vị chuyên gia cũng nhận định, nguy cơ lạm phát xảy ra là rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam nếu giá cả vật liệu xây dựng cùng nguyên vật liệu khác tăng nhanh.

Ông cho rằng, giá thép ảnh hưởng bởi sự cung - cầu. Thời điểm này, giá thép trên thị trường Trung Quốc có giảm, nhưng giá thép ở thị trường trong nước vẫn đứng yên bởi vì cung cầu vẫn chưa giải quyết được. Hoặc có thể, người bán, người sản xuất giá thép vẫn muốn giữ mức giá đó.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đánh giá, không phải chỉ trong một thời gian ngắn mà các quốc gia có thể ồ ạt đầu tư xây dựng đến nỗi khan hiếm thép dẫn đến tăng giá nhanh chóng như hiện nay.

Giá thép tăng mạnh chủ yếu do thiếu cân đối trong vấn đề sản xuất, đối ứng cung - cầu thép của Việt Nam. Chính điều này buộc phải có sự can thiệp của Nhà nước, của các Bộ ngành có liên quan để làm sao để nhanh chóng điều tiết, cân đối nhập khẩu để điều chỉnh giá thép trên thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nếu chậm trễ sẽ vô tình tạo đầu cơ thép, gây khan hiếm hàng, ảnh hưởng chung cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp phải có dự báo dài hơi

Về mặt nguyên lý thị trường thì khi giá một mặt hàng nào đó tăng thì đem ngay lại lợi ích cho chính ngành đó, do có nguồn lực tài chính thì mới có thể tái đầu tư mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong hoạt động kinh doanh, chính các nhà thầu xây dựng phải có hiểu biết giá cả thế giới và có dự báo dài hạn hơn. Nắm bắt được tình hình giá nguyên vật liệu xây dựng, việc lựa chọn các gói thầu ngắn hạn cũng như dài hạn cần phải có sự đánh giá, nhìn nhận từ chính những doanh nghiệp này.

Cũng trao đổi với phóng viên, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, trong ngắn hạn, tình hình giá vật liệu xây dựng vẫn còn rất căng thẳng. Có thể phải tới giữa năm, thậm chí cuối năm, giá các loại nguyên vật liệu phục vụ xây dựng mới có thể giảm xuống và duy trì ổn định.

“Do vậy, cả các doanh nghiệp bán buôn vật liệu xây dựng lẫn các chủ thầu, nhà đầu tư vẫn phải tự tìm các giải pháp để khắc phục trước tình huống tiến thoái lưỡng nan. Hướng đi dài hơi cho các doanh nghiệp xây dựng là chính bản thân doanh nghiệp đó phải tự nhìn nhận vấn đề, có tầm nhìn xa hơn để chủ động ứng biến”, ông Doanh nhìn nhận.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, các doanh nghiệp xây dựng luôn phải tự tìm giải pháp thay vì để rơi vào tình thế bị động.

Cũng theo ông Doanh, các Bộ ngành cũng không nên can thiệp thị trường bằng chính sách hạn chế xuất khẩu bởi điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bởi nếu đầu ra bị ngăn chặn, doanh nghiệp sẽ dần thu hẹp sản xuất, Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc sâu vào doanh nghiệp nước ngoài.

Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia hội nhập với 14 FTA đang có hiệu lực, là nền kinh tế thị trường, mở cửa với thế giới, doanh nghiệp, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận để thị trường điều tiết giá cả sản phẩm hàng hóa.

Giá thép tăng bất thường có thể đẩy giá nhà lên cao

Giới chuyên môn cũng phân tích, trong trường hợp đầu vào của cả nền kinh tế đã bị tăng giá do ảnh hưởng trực tiếp của giá thép tăng, sẽ khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến giá sản xuất của nền kinh tế ở chu kỳ sản xuất sau, ảnh hưởng này khiến chỉ số giá sản xuất (PPI) của toàn nền kinh tế tăng và giá thành xây nhà sẽ tăng.Như vậy, giá thép tăng một cách bất thường sẽ có tác động lên giá bán nhà.

Về việc này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, giá thép tăng đến có tác động lên giá bán nhà không nhỏ.

“Có nhiều chi phí hình thành nên giá thành của một dự án nhà ở cao tầng, trong đó có chi phí lãi vay trên dưới 10%, chi phí đất cho dự án nhà cao tầng chiếm 15 - 20%, chi phí xây dựng lớn nhất, chiếm 60%, ngoài ra còn có chi phí không tên đặc thù của ngành địa ốc”, ông Châu nói.

Nhìn tổng thể tỷ trọng các loại chi phí một dự án nhà ở để thấy rằng giá thép tăng mạnh trong những tháng qua, cộng với giá các vật liệu xây dựng khác cũng tăng cao sẽ tác động lập tức đến giá nhà. Điều này dẫn đến kịch bản các chi phí bị tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/gia-thep-tang-bat-thuong-doanh-nghiep-xay-dung-can-co-du-bao-dai-hoi-a515915.html

Bạn đang đọc bài viết Câu chuyện về giá thép tăng đột biến: Doanh nghiệp cần có hạch toán tài chính dự trù tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân