Danh tính các nạn nhân được xác định là L.Đ.T. (43 tuổi, quê ở Bắc Kạn) và P.V.L. (28 tuổi, quê ở Hà Giang).
Do dịch Covid-19 và hoàn cảnh gia đình 2 nạn nhân khó khăn nên huyện đã yêu cầu chủ đầu tư công trình có trách nhiệm đưa thi thể nạn nhân về quê để tổ chức mai táng và hỗ trợ gia đình các nạn nhân.
Dự án nhà máy thủy điện Nậm Củm 3 (Mường Tè – Lai Châu) đang trong giai đoạn thi công có quy mô 45MW, tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng do Tập đoàn Amaccao làm chủ đầu tư và được thi công bởi CTCP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic). Đáng chú ý, Vinadic cũng chính là công ty con nằm trong hệ sinh thái hàng chục doanh nghiệp thuộc tập đoàn Amaccao.
Đây là một trong 3 công trình thủy điện do Amaccao đầu tư trên địa bàn huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu gồm: Nhà máy thủy điện Nậm Lần, quy mô 15MW, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, Nhà máy thủy điện Nậm Củm 2, và Nậm Củm 3.
Amaccao Tập đoàn có trụ sở tại 689 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội. Dù thành lập từ năm 1995 nhưng phải sau năm 2010 tập đoàn mới được nhiều người biết đến rộng rãi thông qua các dự án đầu tư.
Trong lịch sử phát triển gần 30 năm, Tập đoàn Amaccao vẫn được xem như một tập đoàn đầu tư thầm lặng hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Sau chặng đường dài miệt mài "chinh chiến" trên thương trường đến nay Amaccao thành một tập đoàn đầu tư đa ngành với doanh thu hàng nghìn tỷ.
Amaccao được biết tới chủ yếu là Tập đoàn sản xuất đa ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu ngành điện, vật liệu ngành nước, đồ uống, vật liệu bê tông cốt thép. Hay mới đây, công chúng còn biết đến Amaccao ở lĩnh vực xây dựng, tổng thầu và giáo dục. Những năm gần đây, Amaccao luôn kết thúc năm bằng doanh thu tăng 50% - con số mà không phải tập đoàn nào cũng làm được.
Theo dữ liệu chỉ trong năm 2019, tập đoàn này đã tham gia các dự án đầu tư năng lượng tái tạo và môi trường như: Nhà máy điện gió Tân Liên (Quảng Trị); nhà máy điện gió Hướng Lộc (Quảng Trị); 3 dự án nhà máy thủy điện tại Lai Châu là Nhà máy thủy điện Nậm Lằn, Nhà máy thủy điện Nậm Củm 2, Nậm Củm 3; và đặc biệt đầu tư các dự án nhà máy điện rác như Nhà máy điện rác Xuân Sơn (Sơn Tây – Hà Nội) và Nhà máy điện rác Châu Can (Phú Xuyên – Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn này hiện có 5 cụm công nghiệp, 16 nhà máy được đặt tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Lai Châu và 21 Công ty thành viên. Đáng chú ý những công ty này đều là những pháp nhân độc lập, hoạt động kinh doanh và hạch toán kế toán độc lập và điều hành dưới chung một sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tô Văn Năm (sinh năm 1969).
Đây có thể coi là một công ty gia đình theo đúng nghĩa của những doanh nhân họ Tô, họ đều là anh chị em. Theo số liệu trên Infonet, năm 2018 Amaccao có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Tô Văn Năm sở hữu 90% cổ phần. Ngoài doanh nhân Tô Văn Năm ra thì bà Tô Anh Minh cũng sở hữu 9%. Hai cá nhân là ông Tô Văn Nhật và bà Tô Thị Đường mỗi người nắm giữ 0,5% còn lại.
Ngoài ra, doanh nhân Tô Văn Năm còn là đại diện pháp luật của nhiều công ty khác có thể kể đến như: Công ty TNHH cửa Novodoor Việt Nam, CTCP dịch vụ và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh, CTCP công thương và dịch vụ Việt Nam, CTCP đầu tư môi trường xanh Hà Nội, Công ty TNHH Giáo dục Archimedes Đông Anh và CTCP AVINAA Hà Nam.
Người luôn đồng hành giúp đỡ cho ông Năm không ai khác chính là em trai ông, doanh nhân Tô Văn Nhật. Ông Nhật hiện đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao.
Ông Nhật còn là người đại diện theo pháp luật kiêm chủ tịch của nhiều công ty khác là Công ty TNHH Vật liệu Bata, Công ty TNHH Châu Âu Xanh, Công ty TNHH đào tạo và tư vấn Âu Mỹ, CTCP đào tạo Success Business Việt Nam và CTCP Sản xuất và thương mại Bona Việt Nam…
Trước đó, trong một lần hiếm hoi xuất hiện trên truyền thông, ông Tô Văn Nhật chia sẻ gia đình hồi xưa rất nghèo. Mẹ ông là con một cụ đồ nho nên rất thích các con mình học ngành sư phạm. Chủ tịch HĐQT Amaccao, anh Tô Văn Năm, anh trai ông Nhật, cũng theo nguyện vọng của mẹ học sư phạm sau mới chuyển sang học xây dựng. Vợ ông và chị dâu cũng theo nghề giáo.
Xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn, gia đình đông anh chị em, năm 15 tuổi hai anh em ông Năm và ông Nhật quyết tâm thoát nghèo nên đã đi buôn rượu từ Bắc Ninh về Đông Anh, Hà Nội bán để đỡ đần thêm cho bố mẹ. Rồi sau này buôn pháo Bình Đà, nông sản từ Đông Anh sang các chợ ở nội thành để bán rồi từ đó xây dựng sự nghiệp.
Hiện tập đoàn của anh em nhà họ Tô có gần 4.000 nhân sự, những người thân quen cũng giữ nhiều vị trí quan trọng trong công ty. Cũng theo ông Nhật quan điểm người nhà làm việc trong công ty rất rõ ràng, "con cái chúng tôi cứ ra ngoài làm thoải mái, nếu giỏi thì về quản lý công ty của bố, bác. Nhưng mà đừng nghĩ "chắc suất". Tiếp quản là phải có khả năng dẫn dắt, tiếp tục con đường đi lên", ông Nhật chia sẻ trên Công Nghệ và Đời Sống.