Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Bài 3: 'Ông lớn' Hưng Thịnh 'năng' huy động trái phiếu giữa làn sóng cảnh báo rủi ro?

Doanh nhân Việt Nam 15:48 05/10/2021

Nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ về khủng hoảng thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp rất có thể xảy ra khi nhiều doanh nghiệp BĐS lớn đang “chạy đua” huy động trái phiếu một cách khốc liệt.

Sự sụp đổ của Evergande - một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu thế giới

Hưng Thịnh Land năng suất trên “mặt trận” trái phiếu

Vừa qua, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đứng ra thu xếp cho Hưng Thịnh Land phát hành 300.000 trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản. Lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng này cho 67 nhà đầu tư trong nước.

Số trái phiếu trên có mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào ngày 4/8/2022. Lãi suất cố định 11%/năm, trả lãi định kỳ 3 tháng/lần, được đảm bảo bằng biện pháp thế chấp 50 triệu cổ phần trong Hưng Thịnh Land thuộc sở hữu của bên thứ ba.

Số tiền thu được từ đợt phát hành này ngoài việc bổ sung vốn hoạt động còn được Hưng Thịnh Land sử dụng để phát triển dự án Khu đô thị Nam đường Hùng Vương, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đây là dự án Khu đô thị Nam đường Hùng Vương do liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh - CTCP Đầu tư Việt Tâm - CTCP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn làm chủ đầu tư, công bố hồi đầu tháng 4 năm nay. Dự án có quy mô 697.841 m2, tổng kinh phí dự án gần 2.407 tỷ đồng.

Trong tháng 9/2021, Hưng Thịnh Land cũng huy động thành công đợt trái phiếu thứ hai với giá trị 1.800 tỷ đồng. Trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo lãnh thanh toán và được đảm bảo bằng tài sản.

Lãi suất được kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi, được phát hành thành nhiều đợt trong năm 2021 và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và có thứ tự ưu tiên thanh toán ít nhất ngang bằng với các nghĩa vụ chung khác không được đảm bảo.

Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của tổ chức phát hành. Cụ thể, số tiền thu về Hưng Thịnh Land sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động, thực hiện các hoạt động mua bán sáp nhập công ty hoặc dự án bất động sản, hoặc hợp tác với các đối tác để phát triển dự án tiềm năng.Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land có tần suất phát hành trái phiếu dày đặc khi trước đó, trong tháng 5/2021, Hưng Thịnh Land đã liên tiếp thực hiện tới 3 đợt phát hành trái phiếu. Theo đó, ngày 5/5, Công ty huy động được 500 tỷ đồng trái phiếu. Toàn bộ lượng trái phiếu này được bán cho 147 nhà đầu tư cá nhân (nắm giữ 93,3% giá trị phát hành) và 2 nhà đầu tư tổ chức. Tiếp đó, ngày 27/5, Công ty tiếp tục gọi thêm 300 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 10,5%. Toàn bộ lượng trái phiếu này được bán cho 1 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Một ngày sau, ngày 28/5, Công ty đã bán được 350 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 10,4%/năm cho 1 công ty chứng khoán trong nước...

Tiếp đến từ ngày 16/4 đến ngày 11/6/2021, Công ty thực hiện tới 5 đợt phát hành trái phiếu. Với đợt phát hành gần đây nhất là ngày 11/6, Công ty huy động được 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, với lãi suất 10% cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo không thấp hơn 10%. Đáng chú ý, toàn bộ lượng trái phiếu mà Hưng Thịnh Land phát hành trong đợt này đều được 1 công ty chứng khoán trong nước mua 100%. Trong thương vụ này, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt là đơn vị tư vấn và là đại lý phát hành, đại lý thanh toán. Mục đích của đợt huy động vốn này là để Công ty bổ sung vốn cho đầu tư phát triển các dự án bất động sản tiềm năng ở khu vực xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa- Vũng Tàu; khu vực phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức (TP.HCM) theo một hoặc một số hình thức mua bán, sáp nhập công ty; nhận chuyển nhượng dự án...

Trong tháng 8 trước đó, Hưng Thịnh Land đã phát hành thành công 3 lô trái phiếu tổng trị giá 2.600 tỷ đồng.

Trong đó, lô trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng dùng để rót vào dự án Sentosa Villa do Tập đoàn Hưng Thịnh cùng hai đơn vị thành viên là Hưng Thịnh Land và Lâm Viên thực hiện tại Mũi Né.

Lô trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng dùng để tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty và được đảm bảo bằng dự án liền kề Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng còn lại được một nhà đầu tư trong nước mua nhằm để đầu tư cho dự án Khu căn hộ tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Từ đầu năm 2021, Hưng Thịnh Land đã phát hành khoảng 8.250 tỷ đồng trái phiếu với tổng nợ trái phiếu hiện vào khoảng 11.800 tỷ đồng. Một công ty thành viên là CTCP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn cũng phát hành 6.600 tỷ trái phiếu từ đầu năm.

Ông Chủ của Tập đoàn Hưng Thịnh là ai?

Doanh nhân Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh hiện đang sống ở quận 10, TP HCM. Ông sinh năm 1971 tại Bình Định trong một gia đình nghèo.

Năm 1990, ông Nguyễn Đình Trung vào Sài Gòn theo học chuyên ngành kế toán. Sau khi ra trường, ông mưu sinh với nhiều công việc khác nhau, thậm chí làm công nhân.

Với niềm đam mê kinh doanh, ông Trung quyết định khởi nghiệp vào năm 2002, thành lập Công ty Hưng Thịnh với ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn, môi giới và cho thuê bất động sản.

Hơn 15 năm sự nghiệp, doanh nhân Nguyễn Đình Trung đã đưa Hưng Thịnh từ một công ty xuất phát điểm đơn thuần từ môi giới trở thành một trong ít những tập đoàn bất động sản uy tín hàng đầu Việt Nam, nắm giữ vai trò dẫn dắt thị trường.

Khi thị trường địa ốc khủng hoảng 2009 – 2012, hàng nghìn doanh nghiệp đã nghĩ đến cảnh phá sản, phải rời bỏ công việc kinh doanh. Nhưng Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh lại có hướng suy nghĩ khác.

Tập đoàn Hưng Thịnh lần lượt bắt tay với các doanh nghiệp bất động sản khác qua hình thức mua bán sáp nhập dự án (M&A) hay bằng hình thức bơm vốn, tái cấu trúc lại sản phẩm và giá thành để phù hợp hơn với thị trường thời điểm khi đó.

Và thành quả đã đến với ông. Năm 2017, ông Trung là một trong 10 doanh nhân trẻ được vinh danh Giải thưởng Sao Đỏ.

Hiện, Tập đoàn Hưng Thịnh đang phát triển gần 30 dự án bất động sản khắp TP.HCM, và đang sở hữu hàng loạt công ty thành viên từ đầu tư, xây dựng, thiết kế đến tư vấn bán hàng...

Những cảnh báo nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu

Trong thời gian qua có hiện tượng hàng loạt ông lớn BĐS phát hành trái phiếu để huy động vốn. Nguyên nhân cơ bản được chỉ ra từ rất lâu khi các chủ đầu tư lâu nay hay triển khai các dự án theo phương pháp tay không bắt giặc tức là nguồn vốn huy động chủ yếu từ Ngân hàng và khách hàng.

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2021 có 376 đợt phát hành trái phiếu DN trong nước với tổng giá trị phát hành hơn 235 nghìn tỷ đồng. Bất chấp dịch bệnh, nhu cầu huy động vốn vay qua phát hành trái phiếu của DN tăng gần 31% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, 85,5 nghìn DN rút khỏi thị trường cho thấy nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trong số 12,2 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, thì có tới 611 DN kinh doanh bất động sản, nhóm xếp thứ hai về tổng khối lượng trái phiếu phát hành, chỉ sau ngân hàng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh cầm chừng, tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt tìm cách huy động vốn trên sàn chứng khoán và tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đặc biệt trong bối cảnh Tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) đứng trước nguy cơ vỡ 'bom nợ' 300 tỉ USD, nhiều chuyên gia liên tục cảnh báo rủi ro các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam 'bùng' nợ gốc và lãi trái phiếu, đặc biệt với trái phiếu "3 không".

Các chuyên gia dự đoán, thời điểm mà các trái phiếu doanh nghiệp BĐS đến kỳ hạn thanh toán, trong đó nhiều trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp hoặc thế chấp bằng chính cổ phần doanh nghiệp, nếu bức tranh tài chính doanh nghiệp ảm đạm, thì lo ngại nguy cơ về khủng hoảng thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp rất có thể xảy ra.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nhận định, trái phiếu lãi suất 12-13% thường là những DN không có nhiều tên tuổi, thương hiệu trên thị trường, được các ngân hàng và công ty chứng khoán làm dịch vụ tư vấn phát hành, bảo lãnh phát hành đánh giá có độ rủi ro cao, lãi suất 12-13%. Quyết định đầu tư vào trái phiếu lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng thì các nhà đầu tư cần xem xét cẩn thận về DN, tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành đảm bảo mình đánh giá được mức độ rủi ro của DN đó.

Theo Bộ Tài chính, sau gần 8 tháng triển khai các quy định mới tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, thị trường TPDN vẫn duy trì đà tăng trưởng. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, với tính chất rủi ro cao hơn nên TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu. Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định về phát hành TPDN đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Theo đó, nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…

Trước những rủi ro có thể gặp phải với nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng. Tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo cần khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/bai-3-ong-lon-hung-thinh-nang-huy-dong-trai-phieu-giua-lan-song-canh-bao-rui-ro.html

Bạn đang đọc bài viết Bài 3: 'Ông lớn' Hưng Thịnh 'năng' huy động trái phiếu giữa làn sóng cảnh báo rủi ro? tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân