Đây là gói thầu bị nhà thầu tham dự cho rằng thiếu minh bạch, có dấu hiệu thông thầu trong quá trình đấu thầu. Trước đó, Thái Dương cũng từng trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn liên quan đến cáp ngầm ngành điện.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, từ cuối năm 2015 đến nay, trong tư cách là nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, Thái Dương được công bố trúng công khai 18 gói thầu ngành điện, trong đó có nhiều gói thầu “khủng” liên quan đến cáp ngầm.
Cụ thể, tháng 11/2015, Thái Dương liên danh với nhà thầu nước ngoài Prysmian Powerlink S.r.l (Ý) trúng Gói thầu số 01/EPC-CLC Thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và thi công lắp đặt tuyến cáp ngầm 22kV xuyên biển và đào tạo, chuẩn bị sản xuất thuộc Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam bằng cáp ngầm với giá trúng thầu trên 300 tỷ đồng.
Tháng 12/2017, trong tư cách nhà thầu độc lập, Thái Dương trúng Gói thầu SPC-HONTHOM-01-EPC Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) tuyến cáp ngầm 22kV trên biển thuộc Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Hòn Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với giá trúng thầu gần 210 tỷ đồng.
Được thành lập từ năm 1995, Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương có địa chỉ tại 11 Tú Xương, phường Hiệp Phú, Quận 9, TP.HCM.
Tại thời điểm tháng 6/2019, Công ty có vốn điều lệ 240 tỷ đồng với 6 thành viên góp vốn là: Khuất Thị Kim Hương với giá trị góp vốn 48 tỷ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ); Nguyễn Hồng Thái có giá trị góp vốn 72 tỷ đồng (30% vốn điều lệ); Nguyễn Lan Anh góp 24 tỷ đồng (10% vốn điều lệ); Nguyễn Kim Anh góp 24 tỷ đồng (10% vốn điều lệ); Nguyễn Phương Anh góp 24 tỷ đồng (10% vốn điều lệ); Nguyên Tuấn Anh góp 48 tỷ đồng (20% vốn điều lệ). Trong đó, ông Nguyễn Hồng Thái giữ chức vụ Tổng giám đốc.
Đến giữa tháng 1/2020, liên danh nhà thầu do Thái Dương đứng đầu được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh (bên mời thầu) công bố trúng Gói thầu số 05 nêu trên với giá trúng thầu 323,338 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số nhà thầu phản ánh rằng quá trình lựa chọn nhà thầu tại gói thầu này có nhiều vấn đề cần được làm rõ, thậm chí có dấu hiệu thông thầu giữa bên mời thầu và đơn vị trúng thầu. Cụ thể, nhà thầu phản ánh cho rằng, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng tương tự thi công cáp biển sử dụng lớp cách điện EPR dường như được “viết riêng” cho Thái Dương.
Trước phản ánh này, thông tin với Báo Đấu thầu, đại diện Bên mời thầu cho biết, quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu tại gói thầu trên tuân thủ theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu. Đối với thông tin về HSMT “viết riêng” cho đơn vị trúng thầu, Bên mời thầu khẳng định: “HSMT không đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng tương tự thi công cáp ngầm biển sử dụng lớp cách điện EPR mà chỉ yêu cầu hợp đồng EPC về thiết kế bản vẽ thi công, cung cấp, lắp đặt cáp ngầm biển từ 22kV trở lên (3 lõi) có giá trị 211 tỷ đồng. Hơn nữa, cáp ngầm biển sử dụng cách điện EPR cơ bản phổ biến ở nước ta và đã được dùng cho một số dự án như cấp điện cho xã đảo Hòn Thơm, cấp điện cho đảo Cô Tô…”.
Theo Báo đấu thầu