Mặc dù kế hoạch, chương trình hạn chế rác thải của Tập đoàn Unilever đã được đưa ra, nhưng đến nay, theo khảo sát của nhóm PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử thì việc triển khai vẫn chưa có gì "mới mẻ".
Trước đó, tháng 5/2019, Unilever đã tổ chức sự kiện đầu tiên mang tên "Biệt đội tái chế, giải cứu hành tinh xanh" tại 4 trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội và TP. HCM là Aeon Tân Phú, Bình Tân, Bình Dương, Long Biên. Sự kiện có sự tham gia của 3 nhãn hàng Sunlight, Comfort, Love Beauty and Planet.
Theo đại diện Unilever, sau sự kiện, các đơn vị sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động vì môi trường với "vòng lặp tái chế". Tức là nhựa đã qua sử dụng tại các hộ gia đình, sau khi được thu gom và tập kết các trung tâm thương mại, siêu thị hay các điểm thu gom phế liệu nhỏ lẻ sẽ được chuyển đến các khu tái chế.
Sự kiện "Biệt đội tái chế, giải cứu hành tinh xanh" của tập đoàn Unilever có thực sự như những gì họ đang đưa ra công chúng hay không? (Nguồn ảnh Internet) |
Tuy nhiên thực tế cho thấy, phía Tập đoàn Unilever dường như vẫn chưa có hoạt động nào để thu hồi cái bao bì nhựa từ sản phẩm của Tập đoàn sau sự kiện "Biệt đội tái chế, giải cứu hành tinh xanh"?!
Theo khảo sát của PV, khu vực xã Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) và xã Ngọc Liệp, xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai, Hà Nội), hầu hết những người được hỏi đều đang sử dụng ít nhất một số sản phẩm của Tập đoàn Unilever, đặc biệt là các sản phẩm như Omo, Closeup, Sunlight, Vim, Clear, P/S, Comfort, Dove,... Sau khi sử dụng, đối với những bao bì nhựa chỉ có một số ít người đem tái sử dụng hay bán lại cho người thu mua ve chai.
Sau khi sử dụng, đối với những bao bì nhựa chỉ có một số ít người đem tái sử dụng hay bán lại cho người thu mua ve chai. |
Chị Nguyễn Thị Hòa (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) cho biết: “Ngày trước cũng có gom lại các chai nhựa khi nào được nhiều sẽ đem bán. Nhưng vài năm gần đây thì không, bán cũng không được bao nhiêu tiền nên toàn cho chung với rác sinh hoạt”.
Cùng quan điểm với chị Hòa, chị Nguyễn Thị Thạo (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Thi thoảng mới bán thôi, gom lại cũng vướng nhà mà bán không được bao nhiêu tiền nên toàn vứt đi thôi”.
Từ các cửa hàng tạp hóa cho đến các siêu thị, TTTM lớn đều có rất nhiều nhãn hàng của Unilever được bày bán. |
Tiếp tục khảo sát tại khu vực phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, chai nhựa hay túi nilon của sản phẩm này đa số được người dân cho cùng với rác sinh hoạt chứ không tái chế hay bán lại cho người thu mua ve chai.
Các cửa hàng tạp hóa được khảo sát có khoảng 80 – 90% các sản phẩm vệ sinh cá nhân, chất tẩy rửa của Tập đoàn Unilever. Người bán hàng cho biết không có đơn vị nào đến thu gom lại các bao bì nhựa từ sản phẩm đã qua sử dụng của Unilever.
Tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C hay Trung tâm thương mại Time City, Aeon Mall Long Biên hiện nay cũng không hề có chương trình thu gom các bao bì nhựa từ sản phẩm đã qua sử dụng của Unilever.
Nhân viên tiếp thị của Unilever tại Siêu thị Vinmart cho biết, hiện nay tại đây chưa có hoạt động thu hồi bao bì nhựa từ các sản phẩm của Unilever. |
Một nhân viên tiếp thị của Unilever bán hàng tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên cho biết, hiện nay tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên không có chương trình thu gom bao bì nhựa của Tập đoàn Unilever.
Điều đáng nói là, đối với khu vực thành thị có đơn vị thu gom rác sinh hoạt, nhiều công nhân vệ sinh môi trường vẫn thường phân loại và gom những chai nhựa lại. Thế nhưng, đối với khu vực nông thôn, rác sinh hoạt không được thu gom những chai nhựa lại được thải bỏ ra ngoài môi trường.
Những cam kết sẽ thu hồi và xử lý bao bì nhựa nhiều hơn số lượng công ty bán ra của Tập đoàn Unilever liệu có khả thi hay không?
Theo tìm hiểu, động thái mới đây của Unilever Việt Nam là cùng nhóm doanh nghiệp ký biên bản hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa với Bộ Tài nguyên và Môi trường (ngày 19/2/2020), hứa hẹn một mô hình giải quyết hiệu quả cho vấn đề này khi rác thải nhựa được coi là cuộc khủng hoảng toàn cầu và là một thách thức lớn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nguồn tin sản phẩm nhựa của Unilever là nhựa nguyên sinh. Nếu đúng với thông tin này thì liệu rằng việc xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa có khả thi? Sau khi đưa đi phân tích mẫu nhựa và các đánh giá của chuyên gia về môi trường, các nhà khoa học lên tiếng chúng ta sẽ có câu trả lời rõ ràng.
Và việc xây dựng các chương trình của Unilever, các chuyên gia đánh giá như thế nào về mức độ khả thi của những cam kết mà Tập đoàn đã đưa ra? Trách nhiệm của doanh nghiệp nói chung và của Tập đoàn Unilever nói riêng trong công cuộc giảm thiểu rác thải nhựa là gì?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Theo Môi trường và Đô thị