Lợi nhuận ròng tăng cao
6 tháng đầu năm 2021, dệt may xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong quý 2/2021, xuất khẩu đạt 8 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả rất khả quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trở lại.
Đáng chú ý là sự bứt phá mang lại hiệu quả cao của ngành sợi. Nếu như năm 2020, 60% doanh nghiệp ngành sợi lỗ thì sang nửa đầu năm 2021 sợi trở thành điểm sáng cho xuất khẩu của ngành với kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng 2021 tăng 62,8% so với 7 tháng năm 2020, trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU… là các thị trường nhập khẩu lớn sợi của Việt Nam.
Một số sản phẩm khác của ngành dệt may cũng đạt mức tăng trưởng cao như vải mành, vải kỹ thuật khác tăng tới 86,7%.
Thị trường tiêu thụ chính của dệt may Việt Nam vẫn là những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, đạt 7,6 tỷ USD, chiếm 48,0% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam). Xuất khẩu sang thị trường EU khởi sắc rõ rệt do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã tác động tích cực đến xuất khẩu của ngành dệt may, đạt 1,51 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều có đơn hàng sản xuất tới hết năm 2021 |
Đặc biệt, lợi nhuận ròng của ngành dệt may được cải thiện rõ rệt. Theo ước tính của Chứng khoán VNDirect, tổng kết nửa đầu năm 2021, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp dệt may niêm yết tăng 90% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn gần 26% so với cùng kỳ năm 2019.
Thách thức nửa cuối năm 2021
Theo bà Hoàng Ngọc Ánh- Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong những tháng cuối năm 2021, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch Covid-19 đang bùng phát ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.
Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may, khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam. Hiện tỉ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35%, do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ".
Ngành dệt may Việt Nam đối mặt thách thức thiếu hụt lao động và tỉ lệ tiêm vắc xin cho ngành vẫn thấp. Trong kịch bản tích cực, nếu COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8-2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2021 chỉ đạt 33 tỉ USD, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm.
Chi phí logistic tăng cao là trở ngại của ngành dệt may Việt Nam. Chi phí vận tải bằng container đã tăng ba lần trong 6 tháng đầu năm 2021. Chứng khoán VNDirect nhận định, tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistics tăng cao có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM và OBM (thiết kế sản phẩm mang thương hiệu và tạo thành phẩm).
VITAS dự báo, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng này thì số lượng công nhân dự kiến chỉ đạt 65%. Do đó, thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành trong quý 3/2021 này.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2021 này, cũng có những cơ hội với ngành dệt may Việt Nam. Đó là, cơ hội giành thị trường từ đối thủ cạnh tranh. Hiện nhiều nhà máy may của Ấn Độ phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động 50% công suất để ngăn chặn các ca lây nhiễm COVID-19 mới. Ngành dệt may của Myanmar đối mặt cùng lúc 2 vấn đề lớn là số ca nhiễm COVID-19 tăng và tình hình chính trị bất ổn.
VNDirect cho rằng, những tác động tiêu cực đối với Myanmar và Ấn Độ là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ và Hàn Quốc.
Một tín hiệu khả quan nữa là hiện nay người tiêu dùng Mỹ và EU có nhu cầu mua sắm mạnh mẽ sau khi gỡ lệnh phong tỏa. Kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 50,6 tỉ USD, tăng 31%, trong đó kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc đạt 35,3 tỉ USD, tăng 27%. VNDirect kỳ vọng, Hoa Kỳ và EU vẫn là hai thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam trong 2021-2022.
Bà Hoàng Ngọc Ánh cho biết, các doanh nghiệp dệt may hiện đang nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng Mỹ, EU. Nhưng để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường như hiện nay thì vấn đề mấu chốt của ngành dệt may vẫn là tiêm vaccine cho công nhân. “Doanh nghiệp dệt may mong muốn Chính phủ đẩy nhanh việc tiêm vaccine, kiểm soát dịch bệnh để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường”- bà Hoàng Ngọc Ánh chia sẻ.
Theo VietQ