Nửa cuối năm 2021 sẽ có nhiều khó khăn
Ngày 11/8, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 để cụ thể hóa các nội dung với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, thiết thực.
TP.HCM đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn bình quân hàng năm khoảng 8%. Tuy nhiên, dịch Covid-19 lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đã tác động rất nghiêm trọng đến kinh tế thành phố.
Cập nhật dự báo cho thấy, riêng 2 năm đầu nhiệm kỳ, tốc độ sẽ thấp hơn bình quân chung toàn giai đoạn rất nhiều nếu dịch bệnh chậm được kiểm soát. Riêng những tháng cuối năm 2021, dự báo kinh tế TP.HCM sẽ rất khó khăn và phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố: Khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh; Tiến độ triển khai và mức độ phủ vaccine đối với người dân; Khả năng chống chịu của doanh nghiệp; Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới và các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng trong nước…
TP.HCM phấn đấu giữ vững mục tiêu kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cho dù đang có nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. |
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Theo ông Phong, trong thời gian tới, kịch bản tăng trưởng kinh tế TP.HCM sẽ liên tục được cập nhật phù hợp với từng giai đoạn. Tuy nhiên, TP.HCM xác định vẫn giữ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra với tinh thần, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Thành phố phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn trước ngày 15/9/2021 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tập trung rà soát, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, quyết các điểm nghẽn kìm hãm phát triển của thành phố, nhất là hạ tầng đô thị.
Đồng thời, TP.HCM cũng Sớm hoàn thành việc lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060; Quy hoạch không gian ngầm đô thị, xem đây là khâu quan trọng, là cơ sở để quản lý, định hướng mọi hoạt động phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn.
Đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án phát triển hạ tầng thành phố nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra; Kết nối liên kết vùng, giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường…
TP.HCM cũng đẩy mạnh cải cách hành chính là một yêu cầu thiết yếu nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và có điều kiện tham gia kết nối sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ quan tâm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa TP.HCM...
Theo Kinh Tế Môi Trường