Hà Nội, Chủ nhật Ngày 08/09/2024

Chưa cần tham gia kênh trái phiếu Masterise 37.000 tỷ, Masterise Homes vẫn nợ gần tỷ đô

kinhtechungkhoan 11:52 08/09/2022

Năm 2021, hệ sinh thái Masterise dẫn đầu trong số các tập đoàn phát hành trái phiếu nhiều nhất Việt Nam khi huy động 37.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, chưa cần tham gia kênh này, Masterise Homes vẫn có thể có được khoản nợ lên tới gần tỷ đô.

Hệ sinh thái Masterise huy động 37.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước đạt trên 658.000 tỷ đồng, tăng trưởng đến 42% so với năm trước đó.

Trong năm 2021, theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tổng cộng 318.200 tỷ trong năm 2021 - chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.

Điều đáng nói, theo SSI, các đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều “tay không bắt giặc”, trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu.

masterise-homes-1.jpg
Hệ sinh thái Masterise Homes đã phát hành 37.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021.

Trong năm 2021, hệ sinh thái Masterise Group dẫn đầu trong số các tập đoàn phát hành trái phiếu nhiều nhất Việt Nam khi huy động thành công tổng cộng 37.000 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng giá trị phát hành của doanh nghiệp bất động sản.

Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi Chính phủ đánh giá về thị trường trái phiếu năm 2021. Trong đó, Bộ Tài chính cung cấp danh sách các công ty bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất 2021. Đáng chú ý, phần lớn trong số đó thuộc hệ sinh thái Masterise.

Công ty Osaka Garden dẫn đầu hệ sinh thái Masterise và đứng thứ 3 toàn ngành bất động sản với 7.700 tỷ đồng trái phiếu phát hành, lãi suất 11,1%. Với vốn chủ sở hữu 270 tỷ đồng, giá trị phát hành của Osaka Garden 2.851,9% vốn công ty.

Đứng ngay sau Osaka Garden là Công ty TNHH kinh doanh BĐS Mediterranena Revival Villas. Có số vốn chỉ 153 tỷ đồng, công ty phát hành trái phiếu lên đến 7.200 tỷ đồng, cao gấp 4.705,9% vốn công ty.

Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hills đứng thứ 7 với 5.760 tỷ đồng, cao gấp 212,3% vốn chủ sở hữu (2.713 tỷ đồng). Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương phát hành lượng trái phiếu trị giá 4.674 tỷ đồng, lãi suất lên tới 12,9%/năm. Giá trị trái phiếu bằng 583,8% vốn công ty.

Ngoài ra, một đơn vị khác trong hệ sinh thái Masterise là Công ty Hoàng Phú Thịnh, cũng thường xuyên lọt Top đơn vị phát hành trái phiếu nhiều nhất. Dòng tiền từ Osaka Garden, Hoàng Phú Vương và Hoàng Phú Thịnh được dùng để nhận chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An của CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp).

Có thể nói, giá trị huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp có liên quan đến dự án Sài Gòn Bình An được lên kế hoạch và thực hiện trong giai đoạn 2021 và những ngày đầu năm 2022 lên tới 22.075 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

Masterise Homes vẫn nợ gần tỷ đô

Có thể thấy, năm 2021, hệ sinh thái Masterise Group phát hành trái phiếu nhiều nổi bật so với các hệ sinh thái bất động sản khác. Thế nhưng Công ty TNHH Phát triển bất động sản Masterise Homes (Masterise Homes) lại không có “phần” trong “miếng bánh” trái phiếu khổng lồ 37.000 tỷ đồng. Dù vậy, Masterise Homes vẫn “gom” đủ cho mình những khoản nợ khủng.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2021, tổng nợ phải trả của Masterise Homes lên đến 18.891 tỷ đồng (khoảng 821 triệu USD), tăng 14.169 tỷ đồng, tương đương 300% so với hồi cuối năm 2020, cao gấp 4,6 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 82% tổng nguồn vốn.

Trong đó, nợ vay chiếm tỷ trọng lớn, 5.048 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn và 2.599 tỷ đồng và và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Đáng chú ý nhất là nợ ngắn hạn tăng siêu tốc, tăng 2.576 tỷ đồng, tương đương... 11.200% so với năm 2020.

Nợ vay quá lớn nên Masterise phải dành rất nhiều tiền để thanh toán lãi. Chi phí lãi vay trong năm lên đến 357 tỷ đồng, trong khi năm 2020 chỉ là 0 đồng.

Nợ nần chồng chất tới mức phải chi 357 tỷ đồng cho lãi vay nhưng Masterise Homes lại rộng tay cho vay. Tại thời điểm cuối năm 2021, giá trị phải thu về cho vay dài hạn tăng từ 0 đồng của năm 2020 lên 3.280 tỷ đồng.

Thậm chí, phải thu về cho vay ngắn hạn là con số khổng lồ, cao gấp rưỡi vốn chủ sở hữu của công ty, đạt 7.954 tỷ đồng, tăng mạnh so với 1.750 tỷ đồng của năm 2020.

Một điểm quan trọng nữa chính là, sở hữu tài sản suýt soát tỷ đô nhưng đa phần tài sản lại nằm ngoài công ty khi giá trị các khoản phải thu ngắn hạn lên đến 11.310 tỷ đồng, giá trị các khoản phải thu dài hạn là 3.478 tỷ đồng.

Như vậy, các khoản phải thu tại Masterise đạt 14.788 tỷ đồng, chiếm 64% tổng tài sản.

Link gốc : https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chua-can-tham-gia-kenh-trai-phieu-masterise-37000-ty-masterise-homes-van-no-gan-ty-do-129290.html

Bạn đang đọc bài viết Chưa cần tham gia kênh trái phiếu Masterise 37.000 tỷ, Masterise Homes vẫn nợ gần tỷ đô tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân