CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã chứng khoán DHB) công bố BCTC hợp nhất quý 4/2019 với số lỗ kỷ lục trong một quý từ trước đến nay. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 768 tỷ đồng, giảm 11% so với quý 4/2018. Trong khi đó chi phí giá vốn ngược lại tăng 5,1% lên 698 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn hơn 70,3 tỷ đồng, giảm sâu gần 65% so với cùng kỳ.

Doanh thu cả năm 2019 giảm gần 10%. Đồng thời, mỗi đồng doanh thu thu về, khoản lợi nhuận gộp Đạm Hà Bắc có được sau khi trừ giá vốn cũng ít hơn. Tỷ suất lợi nhuận gộp năm nay chỉ đạt 11,7% trong khi cùng kỳ đạt 20%.

Chi phí lãi vay thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 30% tổng doanh thu), phát sinh từ khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Lãi suất vay vốn bình quân là 10,78%/năm, tuy nhiên, Đạm Hà Bắc đang phải chịu lãi phạt trên số tiền chậm trả bằng gấp rưỡi lãi suất trong hạn, có khoán vay với lãi phạt 18%/năm.

Trên BCTC thể hiện tổng nợ phải trả đến cuối năm tăng 393 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 55 tỷ đồng, lên 1.203 tỷ đồng, còn vay nợ thuê tài chính dài hạn lại giảm 274 tỷ đồng, còn 6.283 tỷ đồng. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn lên đến gần 7.500 tỷ đồng.

Cả năm 2019, chi phí lãi vay của doanh nghiệp đạt 840 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm trước và đều chưa thanh toán cho ngân hàng. Số dư các khoản vay nợ ngân hàng đến cuối năm 2019 gần 7.500 tỷ đồng, một phần dư nợ gốc đã được thanh toán (khoảng 200 tỷ đồng).

Trên thực tế, Đạm Hà Bắc cũng đã lường trước khoản lỗ do gánh nặng chi phí tài chính. Tuy vậy trước đó Công ty đặt mục tiêu lỗ 530 tỷ đồng – thấp hơn so với số lỗ 636 tỷ đồng cả năm mà Đạm Hà Bắc vừa công bố.

Tổng lỗ lũy kế đến hết năm 2019 lên 3.285 tỷ đồng, đã âm vốn chủ sở hữu hơn 516 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho đến cuối năm gấp đôi đầu năm, lên hơn 500 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2019, vay nợ ngắn hạn của Đạm Hà Bắc là 1.475 tỷ đồng và vay nợ dài hạn là 6.062 tỷ đồng, không có nhiều biến động so với thời điểm 30/6/2019. Thực tế vay ngắn hạn của đạm Hà Bắc chủ yếu là các khoản vay nợ dài hạn đến hạn trả. Tại 30/6/2019, vay ngắn hạn của đạm Hà Bắc là 1.332 tỷ đồng thì có 1.168 tỷ đồng là vay nợ dài hạn đến hạn trả.

Dư nợ vay dài hạn tại 30/6/2019 của Đạm Hà Bắc là 7.277 tỷ đồng, bao gồm cả 1.168 tỷ đồng các khoản nợ đến hạn trả trong vòng 12 tháng. Chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) – CN Bắc Giang với tổng dư nợ vay dài hạn là 3.854,3 tỷ đồng, chiếm 53% tổng dư nợ vay dài hạn, gồm 02 khoản vay 3.829,5 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng (ODA).

Tiếp theo là ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) – CN Bắc Giang với 03 khoản nợ 2.727 tỷ đồng, 636 tỷ đồng và 29,4 tỷ đồng. Riêng khoản nợ 2.727 tỷ đồng là khoản nợ do Vietinbank – CN Bắc Giang và các ngân hàng hàng đồng tài trợ gồm ngân hàng TMCP Á Châu, ngân hàng Indovina – CN Hà Nội, ngân hàng Cathay United bank – CN Gia Lai. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – CN Bắc Giang cũng đóng góp 30,5 tỷ cho vay dài hạn đối với đạm Hà Bắc.

Với mức vốn điều lệ 2.722 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc là một trong doanh nghiệp sản xuất phân bón có quy mô vốn điều lệ lớn. Tuy nhiên, kinh doanh thua lỗ liên tục 5 năm qua khiến lỗ lũy kế đến cuối năm 2019 đã tăng lên 3.285 tỷ đồng, vượt 20% vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu hiện đã âm hơn 510 tỷ đồng.