Ông Hồ Tá Tín (phải) - Chủ tịch HĐQT, cổ đông nắm 90% vốn HBRE Group (Ảnh: Internet) |
Đầu năm 2019, trong một lần trả lời báo giới, Chủ tịch HĐQT HBRE Group Hồ Tá Tín nói, điện gió là cuộc chơi phiêu lưu, quý phái, bền bỉ, kiên trì và không dành cho những ai yếu bóng vía. Giải thích thêm cho quan điểm của mình, ông Tín nhìn nhận: ”Giá bán điện gió tại Việt Nam còn thấp, trong khi suất đầu tư vẫn quá cao, thêm vào đó đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Chưa kể, đây là lĩnh vực đầu tư hoàn toàn mới nên các ngân hàng cũng e dè trong việc cho vay vốn, vì mức độ rủi ro cao; lãi suất ngân hàng cao dẫn đến hiệu quả đầu tư không tốt nên các nhà đầu tư không mặn mà…”.
HBRE Group được ông Hồ Tá Tín thành lập từ năm 2010, là công ty ra đời sớm nhất, và hiện đóng vai trò công ty mẹ, quản lý vốn đầu tư vào các công ty thành viên.
Đến tháng 3/2019, HBRE Group mạnh tay tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ lên 1.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Ông Hồ Tá Tín (90%), Phan Thị Thanh Thủy (9%) – cổ đông có cùng hộ khẩu thường trú với ông Tín và ông Phan Thành Luận (1%).
Ít ai biết tiền thân của Công ty TNHH Tập đoàn HBRE là Công ty TNHH H&Brothers Real Estate, cái tên phần nào cho thấy định hướng kinh doanh ban đầu của tập đoàn là bất động sản. Dẫu vậy, H&Brothers Real Estate vào tháng 8/2017 lại gây ấn tượng khi được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận tổ chức khảo sát gió tại khu vực dãy Hoành Sơn, thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh.
Không lâu sau đó, đến tháng 1/2018, H&Brothers Real Estate tiếp tục được truyền thông đưa tin rót 9.000 tỷ đồng vào dự án Nhà máy Điện gió HBRE – Phú Yên tại các xã An Lĩnh, An Thọ, An Mỹ, An Hòa và An Hiệp, huyện Tuy An.
Đáng chú ý, H&Brothers Real Estate trong suốt thời gian trên lại có ngành nghề kinh doanh chính là: Bán buôn ô tô và xe có động cơ khác. Và phải đến tháng 6/2019, công ty mới đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là: Sản xuất điện.
Hiện tại, dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, ông Hồ Tá Tín vẫn đang nắm 90% vốn HBRE Group. Ngoài ra, ông cũng kiêm nhiệm vị trí Người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp.
Tham vọng tỷ đô của doanh nhân Hồ Tá Tín
Khởi sự nghiên cứu và làm điện gió từ năm 2012, Tập đoàn HBRE cũng chỉ mất 3 năm để đặt nền móng đầu tiên trong công cuộc chinh phục gió là Dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk). Theo tìm hiểu, dự án được chính thức thi công vào ngày 6/3/2015, với công suất 28,8 MW, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng (giai đoạn 1). Đến tháng 4/2020, dự án trong giai đoạn 1 đã đưa vào vận hành 5 tuabin gió, công suất 12 MW. Cho đến năm 2022, dự án sẽ được triển khai thêm 3 giai đoạn với tổng công suất là 436MW, nguồn vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng.
Đây được đánh giá là bàn đạp để HBRE Group thực hiện nhiều dự án điện gió về sau, như: Nhà máy Điện gió HBRE – Phú Yên (tổng công suất 300 MW – tổng mức đầu tư 9.000 tỷ), Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông tại Gia Lai (tổng công suất 100 MW - tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 1.000 tỷ),….
Ngoài ra, còn phải kể đến dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh (công suất 120 MW, tổng vốn 4.258 tỷ). Doanh nghiệp thực hiện dự án là CTCP Phong điện HBRE Hà Tĩnh (HBRE Hà Tĩnh). Tính đến tháng 11/2018, công ty có vốn điều lệ 150 tỷ, với 90% vốn thuộc sở hữu của ông Hồ Tá Tín và HBRE Group.
Theo kế hoạch, dự án trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh sẽ được xây dựng và đưa vào vận hành cuối năm 2021. Đáng chú ý, dự án vào tháng 6/2020 đã được Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch điện gió.
Đặc biệt, không thể không nhắc đến dự án HBRE Vũng Tàu (tổng công suất 500 MW – tổng vốn 1,5 tỷ USD). Vào tháng 12/2019, dự án được đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VII tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Thủ tướng chấp thuận. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là một trong số các dự án điện gió có công suất và quy mô lớn được đầu tư ngoài khơi Việt Nam.
Theo tính toán của Nhadautu.vn, HBRE Group đã và đang nắm trong tay 5 dự án điện gió với tổng công suất 1.456 MW, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 61.000 tỷ đồng, phần nào phác họa được tham vọng của cái tên đang lên HBRE.
Băn khoăn câu chuyện thu xếp vốn
Sở hữu nhiều dự án tiềm năng lớn, HBRE được hứa hẹn sẽ có nguồn thu đều đặn trong tương lai. Lợi ích này càng hấp dẫn khi Chính phủ đang tạo nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, để thực hiện các dự án nêu trên, thu xếp nguồn vốn sẽ là vấn đề cần lưu tâm với giới chủ HBRE Group. Bởi, tổng số vốn đầu tư (như đã đề cập) lên đến 61.000 tỷ đồng, nhưng vốn điều lệ HBRE Group chỉ vỏn vẹn 1.000 tỷ.
Nhiều khả năng, để giải quyết bài toán “căng” vốn, cũng như đảm bảo nguồn tiền thực hiện các dự án còn lại (điển hình là HBRE Vũng Tàu, nếu được bổ sung quy hoạch), ông Hồ Tá Tín đã phải bán “lúa non” cổ phần CTCP HBRE Phú Yên (HBRE Phú Yên) và CTCP Phong điện HBRE Gia Lai (HBRE Gia Lai) cho Tập đoàn Super Energy Corporation của Thái Lan hồi đầu năm, qua đó thu về 17,5 triệu USD.
Trong đó, HBRE Phú Yên là chủ đầu tư dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ – giai đoạn 1, công suất 200 MW, tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành năm 2021 tại xã An Thọ, An Hiệp và An Lĩnh, huyện Tuy An (Phú Yên). Tháng 8/2019, Công ty đã ký kết thỏa thuận đấu nối dự án vào hệ thống điện quốc gia, đã lập hồ sơ thiết kế cơ sở, thu xếp tài chính đầu tư cho dự án.
Bên cạnh đó, dự án Trang trại phong điện HBRE Chư Prông (của HBRE Gia Lai), giai đoạn 1-50MW được tổ chức lễ động thổ vào tháng 11/2019. Dự án này có tổng mức vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, thực hiện trong 12 tháng, dự kiến tháng 12/2020 bắt đầu phát điện và hòa lưới 110 KV Diên Hồng-Chư Sê.
Cùng với động thổ giai đoạn 1, HBRE Group đề xuất và được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận tiếp tục triển khai và hoàn thành giai đoạn 2 trước tháng 11/2021 cũng với công suất 50 MW.
Đáng chú ý, trước thời điểm ký thỏa thuận mua 2 dự án kể trên (tháng 2/2020), SUPER đã sẵn hiện diện tại HBRE Phú Yên và HBRE Gia Lai.
Trước hết, tại HBRE Phú Yên, 2 công ty của SUPER là Super Wind Energy company limited và Super Energy Group Company Limited vào tháng 1/2019 đã nắm tổng cộng 57% vốn doanh nghiệp. Đến tháng 10/2019, tỷ lệ này giảm về 49%. Trong khi đó, tại HBRE Gia Lai, tính đến tháng 1/2019, Super Wind Energy company limited và Super Energy Group Company Limited đã sở hữu 99% vốn doanh nghiệp.
Trước khi bán HBRE Phú Yên và HBRE Gia Lai, ở một thương vụ kín tiếng hơn, vị doanh nhân họ Hồ cùng các cổ đông liên quan vào tháng 12/2016 đã âm thầm thoái vốn tại CTCP Giải pháp Năng lượng gió HBRE - chủ đầu tư siêu dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên 13.000 tỷ đồng (được đề cập phần đầu bài viết). Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, cơ cấu cổ đông mới gồm ông Vũ Quang Dũng (10%) – Chủ tịch HĐQT công ty, HBRE Group (10%) và Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo (70%).
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo tiền thân là Công ty TNHH Năng lượng tái tạo IBS, thành lập ngày 21/6/2016, chủ sở hữu ban đầu là CTCP Giải pháp tòa nhà thông minh (IBS). Đến tháng 11/2016, công ty đổi tên thành Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo như hiện tại, chủ sở hữu đổi sang ông Vũ Quang Dũng.
Theo dữ liệu công bố mới nhất (tháng 6/2018), công ty có vốn điều lệ đạt 1.100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Vũ Quang Dũng (60%), Lê Anh Tùng (20%), Nguyễn Thị Bích Hạnh (20%).
Cái tên IBS không quá lạ lẫm với HBRE. Bởi, trong một chia sẻ với giới truyền thông vào đầu năm 2019, ông Hồ Tá Tín cho biết: “HBRE chọn CTCP Giải pháp tòa nhà thông minh (IBS) là đối tác chiến lược (dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên), đồng thời là tổng thầu EPC…”.
Ở một chi tiết khác, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh – cổ đông nắm 20% vốn chủ đầu tư Trang trại Phong điện Tây Nguyên, cũng chính là Chủ tịch HĐQT IBS (nay đã đổi tên thành CTCP Xây dựng Công nghiệp dịch vụ Việt Nam).
Đáng chú ý hơn cả, ông Lê Anh Tùng là cổ đông nắm 20% vốn CTCP Thương mại và Đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam. Cùng với đó, ông cũng nắm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại công ty. Người đại diện theo pháp luật CTCP Thương mại và Đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam là bà Lê Thị Ngọc Oanh, cổ đông lớn tại CTCP Năng lượng Mirat Việt Nam.
Như đã từng đề cập, CTCP Năng lượng Mirat Việt Nam nằm trong liên danh cùng CTCP Đầu tư HLP và CTCP Xây dựng và Thương mại Đông Sơn (ngày 12/6/2019) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc khảo sát đầu tư siêu Dự án cánh đồng gió Biển Cổ Thạch với tổng vốn mức đầu tư 4,4 tỷ USD tại ngoài khơi huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Dự án có diện tích khảo sát 30.264ha, nằm ngoài đường chân triều và cách đường chân triều không quá 20km về phía biển, tổng công suất 2.000MW với 200 turbine.
Cổ đông cuối cùng và cũng là lớn nhất tại Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo, ông Vũ Quang Dũng ít nhiều được biết tới với vai trò Phó Giám đốc CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam (HNX: PPS). Ngoài ra, ông cũng là đại diện nắm 11,90% vốn góp tại PPS. Trước đó, trong giai đoạn 2012 – 2019, ông Dũng nắm chức vụ Thành viên HĐQT tại CTCP Công nghệ thông tin, Viễn thông và Tự động hóa Dầu khí – PAIC.
Trở lại với HBRE Group, việc bán “con” được giới đầu tư kỳ vọng đem về cho ông Hồ Tá Tín một khoản tiền lớn, nhờ vậy Tập đoàn có thể tập trung triển khai các dự án còn lại trong danh mục, và từng bước hiện thực hoá tham vọng điện gió tỷ đô của mình.
Theo Nhà đầu tư